7. Kết cấu của luận văn
2.1.2. Đặc điểm tự nhiên
Về điều kiện tự nhiên, có tổng diện tích tự nhiên là 82.443 ha. Độ cao trung bình từ 600-850m so với mực nước biển, khí hậu mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhưng có sự nâng lên của địa hình nên có đặc điểm rất đặc trưng của chế độ khí nhiệt đới gió mùa cao nguyên, với nền nhiệt độ tương đối cao đều trong năm (trung bình trong năm biến thiên từ 20 - 24 °C), biên độ nhiệt giữa ngày và đêm khá lớn. Một năm có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa hàng năm khoảng 1.800 - 2.450mm, mùa mưa chiếm 90% lượng mưa cả năm và độ ẩm không khí là
84 - 87% rất thuận tiện cho việc phát triển nông nghiệp và chăn nuôi gia súc gia cầm.
Về tài nguyên thiên nhiên: huyện Cư M'gar vùng đất tương đối bằng phẳng, đất đai rất màu mỡ, thổ nhưỡng chia làm 4 loại đất: đất đỏ trên đá Bazan; đất dốc tụ thung lũng; đất nâu sẫm trên đá bọt; đất đen trên sản phẩm bồi tụ của đá Bazan. Với thế mạnh là thổ nhưỡng tốt, rất thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó có 2.452,5 ha đất trồng lúa, chiếm 3,42%, cây công nghiệp lâu năm như hồ tiêu, cà phê, cao su, điều, cây lấy gỗ với trên 50.537 ha, chiếm tỷ lệ 70,5% diện tích. [17].
Huyện cũng có tài nguyên về khoáng sản như: 4 mỏ đá phục vụ cho việc làm vật liệu cho ngành xây dựng với tổng diện tích là 52 ha gồm: mỏ đá tại tiểu khu
550 xã Ea Kiết với diện tích là 6 ha, mỏ đá Buôn cháy là 20 ha, mỏ đá Ea Tul 10 ha còn lại là mỏ đá Ea M’Nang là 6,2 ha, ngoài ra trên địa bàn huyện còn có 20 ha
đất khai thác than bùn tại hồ Ea Nhái xã Cuôr Dăng. Với lượng khoáng sản như vậy tạo điều kiện thúc đẩy ngành xây dựng phát triển tạo ra nhiều công ăn việc làm thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại địa phương.
Huyện Cư M’gar là mảnh đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, ngoài việc có nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú thì sự đa dạng, độc đáo về văn hóa của các dân tộc sinh sống tại đây đã trở thành thế mạnh riêng của địa phương và là
sức hấp dẫn khó cưỡng với du khách. Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 3 di tích danh lam thắng cảnh, trong đó có 2 di tích đã được xếp hạng. Nhắc đến tiềm năng du lịch sinh thái ở Cư M’gar, người ta thường nghĩ ngay đến thắng cảnh đồi Cư H’lâm (nằm trên tỉnh lộ 8, thuộc thị trấn Ea Pôk, cách TP. Buôn Ma Thuột 12 km), nơi đây có tổng diện tích mặt bằng là 18,486 ha, trong đó rừng nguyên sinh chiếm đến 15,65 ha. Đặc biệt, tại khu đồi này vẫn lưu truyền truyền thuyết hấp dẫn tồn tại từ đời này sang đời khác về chuyện tình giữa nàng H’Lâm và chàng trai
Y Nhai. Tháng 9-2009, đồi Cư H’lâm được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Không dừng lại ở đó, với nhiều người dân địa phương, lâu nay thác Drai Yông (theo tiếng Êđê có nghĩa là thác Đòn Dông, nằm trên địa phận xã Ea M’Nang) cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 22 km về hướng Tây Bắc) cũng là điểm du lịch hấp dẫn. Khu thác này nằm trên dòng suối Ea Tul chảy từ Đông sang Tây và đổ vào sông Sêrêpôk huyền thoại, còn giữ nhiều nét hoang sơ và hùng vĩ. Nơi thượng nguồn thác có chiều rộng khoảng 80m, đổ xuống độ cao
12m; dưới chân thác là một hồ nước rộng khoảng 2.000m2, có nhiều cồn đá, cây và hang động lõm sâu vào trong vách đá, phía ngoài có bờ cỏ tạo ra một khung cảnh rất thơ mộng. Đến Cư M’gar sẽ khá tiếc nếu ai đó bỏ qua cơ hội về tận nơi và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thác Drai Dlông (theo tiếng Êđê có nghĩa là thác cao, thuộc địa phận của xã Ea M’droh và Quảng Hiệp). Tháng 1-2004, thác Drai Dlông cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia. Ngoài ra, huyện Cư M’gar còn có các di tích khác như dấu chân của Đam San trên tảng đá tại bến nước buôn Sah, xã Ea Tul, huyền thoại đồi núi lửa Cư M’gar (thị trấn Quảng Phú), bến nước ở xã Cư Dliê M’Nông… khá đẹp và hấp dẫn. Đáng chú ý, ngoài những ưu đãi về tự nhiên, địa phương này hiện vẫn còn duy trì và bảo tồn nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc bản địa. Nhiều lễ hội, lễ cúng như mừng lúa mới, lễ thổi tai, cúng sức khỏe, bến nước… vẫn còn phục dựng và duy trì đều đặn hằng năm. Bên cạnh đó, làng nghề dệt thổ cẩm ở xã Cư M’gar, Ea Tul, cùng việc khám phá, thưởng thức nét độc đáo về ẩm thực của đồng bào Êđê, Tày, Nùng… cũng là lợi thế để đẩy mạnh du lịch phát triển, thu hút du khách. Theo nhiều người, với sự đa dạng và hấp dẫn kể trên, phải mất nhiều ngày, du khách mới có thể thăm hết cảnh đẹp và thưởng thức văn hóa đặc sắc của Cư M’gar [23].
Huyện Cư M’gar có có 17 đơn vị hành chính trực thuộc 15 xã và 2 thị trấn. Toàn huyện có 174 thôn, buôn và tổ dân phố, trong đó có 71 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Thị trấn: Quảng Phú, Ea Pốk.
Các xã: Quảng Tiến, Ea M’Nang, Ea Kpam, Cư Suê, Cuôr Dăng, Ea DRơng, Ea Tul, Ea Tar, Ea H’Đing, Ea Kiết, Ea M’Dróh, Quảng Hiệp, Cư M’gar, Cư DliêM’Nông, Ea Kuêh.
Về dân cư: Toàn huyện Cư M'gar có dân số là 171.363, có số hộ là 38.815 hộ, mật độ dân số là 208 người/km2. Trong đó dân tộc kinh là chiếm đa số với tỷ lệ là 53.9% còn lại tỷ lệ 46.1% là đồng bào dân tộc thiểu số. Có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống: Kinh; Ê Đê; Nùng; Tày; Thái; Dao; Mông; Mường...với nhiều nền văn hóa phong phú điển hình như: lễ cúng bến nước, cúng sức khỏe, cúng buôn, lễ cầu
mưa, lễ bỏ mả, lễ lên nhà mới, lễ cúng lúa mới, ăn cơm mới, lễ hội mừng chiến thắng, lễ hội Lồng tồng…Trên địa bàn huyện có nhiều loại hình tôn giáo nhưng phổ biến nhất là đạo Phật, Thiên Chúa giáo, Tin Lành. Tuy huyện có nhiều thành phần dân tộc cũng như tín ngưỡng khác nhau nhưng toàn thể nhân dân huyện luôn nêu cao tinh thần đoàn kết chống lại mọi âm mưa dụ dỗ lôi kéo, chung sức xây dựng huyện Cư M'gar vững mạnh đoàn kết và phát triển.