Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, giám sát của HĐND cấp xã gồm các nội dung: Giám sát hoạt động của Thường trực HĐND xã; giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND xã; giám sát hoạt động của UBND xã; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của UBND xã; giám sát việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương.
- Giám sát hoạt động của Thường trực HĐND xã:
Đây là nội dung giám sát được HĐND xã thực hiện thông qua 02 hình thức: Thường trực HĐND báo cáo công tác trước HĐND và lấy phiếu tín nhiệm đối với Thường trực HĐND. Tại các kỳ họp của HĐND xã, Thường trực HĐND xã phải báo cáo công tác trước HĐND, qua đó HĐND xã nắm bắt tình hình hoạt động của Thường trực HĐND xã về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh Chủ tịch HĐND xã và Phó Chủ tịch HĐND xã. Căn cứ vào kết quả giám sát, HĐND xã có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễm nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch HĐND xã, Phó Chủ tịch HĐND xã trong các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND xã:
Để quản lý các mặt của đời sống xã hội và điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trên phạm vi địa bàn theo sự phân cấp cho chính quyền ở xã, HĐND xã ban hành các nghị quyết về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và quyết định các biện pháp triển khai thực hiện trên địa bàn xã. Điều đó cho thấy, nghị quyết của HĐND xã có vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND xã nhằm chỉ ra được những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, đảm bảo cho nghị quyết của HĐND xã thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống.
- Giám sát hoạt động của UBND xã:
Đây là nội dung giám sát quan trọng của HĐND xã, chủ yếu tập trung xem xét việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND xã, các thành viên của UBND xã theo quy định của pháp luật. Nhất là trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân ở địa phương, việc tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND xã với nhân dân địa phương. Qua đó, nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý khi phát hiện có dấu hiệu hoặc hành vi
vi phạm pháp luật, đảm bảo cho hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở xã diễn
ra đúng pháp luật, đúng định hướng, có hiệu lực và hiệu quả.
- Giám sát văn bản quy phạm pháp luật của UBND xã.
Văn bản quy phạm pháp luật của UBND xã được ban hành dưới hình thức Quyết định, đây là hình thức pháp lý quan trọng nhất trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước của UBND xã nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Các
quyết định của UBND xã phải được ban hành theo thủ tục, trình tự luật định. Vì vậy, thông qua hoạt động giám sát để HĐND xã xem xét tính hợp pháp của quyết định. Có nghĩa là quyết định của UBND xã ban hành phải đúng thẩm quyền, phải phù hợp với quy định của Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND xã. Ngoài xem xét yếu tố hợp pháp, HĐND xã còn xem xét cả yếu tố hợp lý, có nghĩa là quyết định ban hành có đảm bảo kết hợp hài hòa lợi ích của nhà nước và của cộng đồng dân cư ở địa phương.
- Giám sát việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương.
Đây là nội dung giám sát thường xuyên của đại biểu HĐND xã giữa hai kỳ họp. Trong quá trình hoạt động, đại biểu HĐND xã phải thường xuyên theo dõi, xem xét việc thi hành pháp luật trên địa bàn nơi đại biểu ứng cử, trên cơ sở nội dung, kế hoạch giám sát của tổ đại biểu HĐND. “Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì đại biểu HĐND xã có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khôi phục lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; trường hợp cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc đại biểu HĐND không đồng ý với việc giải quyết thì đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét giải quyết” [25, tr.40].