Căn cứ theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, HĐND xã tiến hành hoạt động giám sát thông qua các hình thức: Xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND xã, Ban của HĐND xã và UBND xã; chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn; xem xét quyết định của
UBND xã; giám sát chuyên đề; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND xã bầu; thẩm tra báo cáo; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
- Xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND xã, Ban của HĐND xã và UBND xã:
Đây là hình thức giám sát trực tiếp được HĐND xã thực hiện tại các kỳ họp thường lệ của HĐND xã. Các báo cáo của Thường trực HĐND, Ban của HĐND và UBND xã được gửi đến các đại biểu HĐND xã, trong trường hợp cần thiết, HĐND xã có thể xem xét, thảo luận, việc xem xét và thảo luận được tiến hành theo một trình tự chặt chẽ do luật định.
- Chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn:
Đây là hình thức giám sát được thực hiện bởi đại biểu HĐND xã, người bị chất vấn là Chủ tịch UBND xã hoặc các thành viên khác của UBND xã. Nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã hoặc các thành viên khác của UBND xã. Trình tự, thủ tục chất vấn trước phiên họp chất vấn và tại kỳ họp được luật quy định một cách chi tiết, cụ thể. Trước phiên họp chất vấn, đại biểu HĐND xã ghi vào phiếu vấn đề chất vấn gửi đến Thường trực HĐND xã để đề nghị HĐND xã quyết định đưa vào nhóm vấn đề chất vấn.
Tại kỳ họp, đại biểu HĐND xã nêu vấn đề chất vấn, người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu đã chất vấn. Trường hợp đại biểu HĐND không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời. Trong trường hợp vấn đề chất vấn của đại biểu HĐND không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp, vấn đề cần điều tra, xác minh hoặc vấn đề chất vấn chưa được trả lời tại kỳ họp thì người bị chất vấn phải trả lời trực
tiếp bằng văn bản cho đại biểu đã chất vấn.
- Xem xét quyết định của UBND xã:
Tại kỳ họp, đại diện Thường trực HĐND xã trình bày tờ trình để HĐND xã thảo luận, tiếp theo là phần trình bày bổ sung của Chủ tịch UBND xã về những vấn đề có liên quan đến việc ban hành quyết định, sau đó HĐND xã ra nghị quyết xem xét quyết định. Trong trường hợp quyết định của UBND xã trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND xã thì HĐND xã quyết định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó.
- Giám sát chuyên đề:
Trình tự việc thực hiện giám sát chuyên đề được Điều 62 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định một cách cụ thể. Căn cứ vào chương trình giám sát hàng năm, HĐND xã ra nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề theo đề nghị của Thường trực HĐND xã. Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát phải xác định rõ đối tượng, phạm vi, nội dung, kế hoạch giám sát, thành phần Đoàn giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Đại diện Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên của MTTQ xã có thể được mời tham gia Đoàn giám sát. Trong quá trình thực hiện giám sát, Đoàn giám sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu và giải trình một số vấn đề có liên quan mà Đoàn giám sát quan tâm.
- Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND xã bầu.
- 64 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thì HĐND xã lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của HĐND xã; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND và các thành viên khác của UBND xã.
Trình tự lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành theo các bước sau: Thường trực HĐND xã trình HĐND xã quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện bằng cách bỏ phiếu kín. Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực HĐND xã trình HĐND xã thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu HĐND trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Thường trực HĐND xã trình HĐND xã bỏ phiếu tín nhiệm.
Trình tự bỏ phiếu tín nhiệm được tiến hành như sau: Thường trực HĐND xã trình HĐND xã bỏ phiếu tín nhiệm. Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến của mình. Sau đó HĐND xã thảo luận, bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Sau khi bỏ phiếu tín nhiệm, Thường trực HĐND xã trình HĐND xã thông qua nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá không tín nhiệm thì có thể xin từ chức, trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để HĐND xã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với người đó.
- Thẩm tra báo cáo:
Thẩm tra báo cáo chủ yếu do Ban của HĐND xã thực hiện theo sự phân công của HĐND, Thường trực HĐND xã. Thời điểm thực hiện trước kỳ họp HĐND,
đối với đại biểu là thành viên của Ban của HĐND, thông qua các cuộc họp Ban.
- Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
Căn cứ quy định của Luật, Thường trực HĐND xã, Ban của HĐND xã và đại biểu HĐND xã giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Thường trực HĐND xã có thể tổ chức đoàn giám sát hoặc giao cho Ban của HĐND xã giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tại địa phương. Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, Thường trực HĐND, Ban của HĐND yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý, xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đối với đại biểu HĐND xã, khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu có trách nhiệm nghiên cứu nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Trong quá trình đó, đại biểu phải theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, đồng thời thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị được biết.