Một số khuyến nghị

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA THANH KHOẢN ĐẾN LỢI NHUẬN CỦACÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN VIỆT NAM 10598424-2239-010828.htm (Trang 74 - 78)

Dựa vào kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu, giảm rủi ro tín dụng.

Theo kết quả nghiên cứu của tác giả thì tỷ lệ dư nợ trên tổng tài sản có (INVSTA) có tương quan ngược chiều với khả năng sinh lời của các NHTM nghĩa là khi INVSTA càng cao thì hiệu quả hoạt động các NHTM càng giảm. Nguyên nhân là do danh mục tín dụng lớn nhưng lại bao gồm các khoản cho vay rủi ro cao dẫn đến làm giảm lợi nhuận của ngân hàng. Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất các ngân hàng nên tập trung vào nâng cao chất lượng tín dụng, giảm các khoản cho vay có độ rủi ro cao, xử lý tốt tình hình nợ xấu. Cụ thể như sau:

+ Các ngân hàng cần nắm bắt kịp thời các chính sách hỗ trợ của NHNN và Chính phủ trong từng thời kỳ từ đó đưa ra các sản phẩm đa dạng, linh hoạt nhằm tạo điều kiện tối đa trong việc cung cấp vốn đến khách hàng. Việc hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn sẽ giúp ngân hàng củng cố lòng tin của khách hàng, giữ được mối quan hệ lâu dài và trung thành của khách hàng, và khẳng định thương hiệu của mình.

+ Ngân hàng cần thúc đẩy hoạt động tín dụng và đầu tư phù hợp với quy mô và nguồn của từng đơn vị. Cần ra những quy định chặt chẽ về đối tượng, hạn mức vay, thời gian vay phù hợp với chính sách tín dụng của từng ngân hàng, đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của NHNN đề ra trong từng thời kỳ, sử dụng nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả để có thể để tăng hiệu quả hoạt động của NHTM, nâng cao lợi nhuận. Các ngân hàng cần xem xét lại cơ cấu về danh mục tài sản nợ, tài sản có cho phù hợp, cơ cấu lại nguồn vốn huy động và cho vay đối với tổ chức và dân

cư; cơ cấu lại dư nợ cho vay ngắn hạn với cho vay trung và dài hạn, giữa nguồn vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn để hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất. Bên cạnh đó, để hạn chế rủi ro và nâng cao chất lượng các khoản tín dụng thì các NHTM cần tuân thủ chặt chẽ quy trình tín dụng, tăng cường công tác kiểm toán, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ rủi ro tiềm ẩn định kì và đột xuất để phát hiện và xử lý kịp thời các rủi ro.

+ NHTM nên đi sâu vào chất lượng các khoản cho vay hơn là tăng các khoản cho vay; hạn chế việc tăng trưởng tín dụng quá nóng và cần phải giải quyết vấn đề nợ xấu một cách triệt để. Cụ thể, các NHTM cần phải xây dựng chính sách cho vay và chính sách khách hàng hợp lý; đa dạng hoá các hình thức cho vay đối với khách hàng và nâng cao chất lượng phục vụ; hoàn thiện quy trình cho vay và công tác tổ chức thẩm định; đồng thời thực hiện tốt công tác phân loại rủi ro và đẩy mạnh giải quyết các khoản nợ tồn đọng, đặc biệt các khoản nợ xấu. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng các khoản cho vay đồng nghĩa với việc phải tăng cường công tác quản trị, giám sát và kiểm tra sao cho phù hợp.

+ Xây dựng hệ thống quản lý rủi ro chặt chẽ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để bảo toàn vốn, bao gồm giới hạn cấp tín dụng, các tỷ lệ về an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ khả năng chi trả, dự trữ thanh khoản, tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn, và dư nợ cho vay.

+ Xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ trong ngân hàng đúng với thực tế phát triển của kinh tế Việt Nam và đánh giá đúng năng lực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân. Ngân hàng cần có một bộ phận độc lập để xếp hạng tín dụng khách hàng một cách khách quan. Bộ phận đó không được tiếp xúc riêng với khách hàng.

+ Việc định giá và xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng cũng cần phải có một bộ phận xử lý độc lập và chuyên nghiệp nhằm giúp các ngân hàng khách quan và định giá tài sản chính xác hơn khi thẩm định giá trị tài sản so với nhu cầu vay vốn của khách hàng. Ngoài ra, bộ phận này cũng giúp ngân hàng nhanh chóng thu hồi được nguồn vốn khi cần xử lý tài sản.

+ Ngân hàng cần tìm điểm cân bằng tức một chuẩn mực cho vay phù hợp giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Việc ngân hàng hạ chuẩn tín dụng để cho vay tiềm ẩn nhiều rủi ro vì đến thời điểm hiện tại chuẩn tín dụng của các doanh nghiệp khá thấp do sức khỏe tài chính và khả năng hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế trong quá trình phục hồi sau suy thoái. Bên cạnh đó, nếu việc hạ chuẩn không được xem xét và đánh giá kỹ có thể làm tăng nguy cơ rủi ro tín dụng cho ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng phải sâu sát hơn với doanh nghiệp, tư vấn cũng như hỗ trợ những doanh nghiệp có phương án, dự án kinh doanh hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, ngân hàng cần linh hoạt trong khuôn khổ pháp lý nhằm thắt chặt hay nới lỏng các điều kiện ràng buộc cấp tín dụng nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng nhưng không hạ chuẩn gây mất an toàn cho hệ thống.

Thứ hai, gia tăng tiền gửi khách hàng để hỗ trợ hoạt động cho vay hiệu quả mang lại lợi nhuận nhưng vẫn đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng.

+ Đối với các ngân hàng, vốn huy động tiền gửi là một nguồn vốn quan trọng góp phần gia tăng khả năng cho vay của ngân hàng dẫn đến tăng lợi nhuận. Vì vậy, các NHTM muốn tăng khả năng sinh lời của mình thì cần tăng chỉ số cơ cấu tiền gửi, đẩy mạnh các hoạt động huy động vốn từ thị trường dân cư, đảm bảo mức tăng trưởng huy động tiền gửi phù hợp với mức tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, nhằm cân bằng khả năng thanh khoản trong cơ cấu huy động cần nâng cao huy động tiền gửi có kỳ hạn, đa dạng hóa nguồn vốn huy động theo nhóm khách hàng, theo thời hạn và loại tiền gửi nhằm giảm sự ảnh hưởng từ các biến động của nền kinh tế lên nguồn tiền huy động. Việc đa dạng hóa nguồn tiền gửi giúp đảm bảo khả năng thanh khoản của ngân hàng tốt hơn, các ngân hàng có thể áp dụng các chương trình khuyến mãi và các ưu đãi đối với từng nhóm khách hàng để duy trì nguồn tiền gửi từ những khách hàng có số dư tiền gửi lớn, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính phủ và các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng. Cần có cách giải quyết khoa học để hạn chế tình trạng các khách hàng gửi tiền rút tiền trước hạn khi lãi suất thị trường tăng cao hoặc khi các ngân hàng khác đưa ra mức lãi suất hấp dẫn hơn.

+ Ngân hàng cần có những chính sách về lãi suất hợp lý nhằm duy trì tiền gửi của khách hàng ở mức độ phù hợp để làm cơ sở cho việc thúc đẩy hoạt động tín dụng và đầu tư vào các tài sản có tính thanh khoản cao hơn, đồng thời cần đề ra một tỷ lệ phù hợp giữa huy động và cho vay. Bên cạnh đó, ngân hàng cần huy động các nguồn vốn ngắn hạn để dễ dàng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tương ứng với lãi suất cho vay trong tình hình khó khăn hiện nay, nhằm nâng cao tính thanh khoản cũng như giảm bớt chi phí lãi tiền gửi phải trả cho khách hàng hàng tháng. Đồng thời, ngân hàng cần đa dạng hóa khách hàng cho vay, hạn chế các món vay tập trung vào một khách hàng hay một ngành nghề nhất định nhằm hạn chế rủi ro trong danh mục cho vay.

Cuối cùng, xây dựng quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, vốn và công cụ thanh toán.

Để tăng cường tác động của thanh khoản đến hiệu quả hoạt động của các NHTM một cách nhanh chóng thì quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, vốn và công cụ thanh toán cụ thể như sau :

+ Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, chống bùng nổ cho vay tại ngân hàng yếu. Đồng thời điều chỉnh hệ số an toàn vốn cần đáp ứng được các qui định tại hiệp định BASEL I hoặc BASEL II: Hệ số vốn cho các ngân hàng hoạt động quốc tế thấp nhất là 4% đối với vốn sơ cấp và 8% đối với tổng vốn (vốn sơ cấp + vốn thứ cấp) nhằm giúp ngân hàng bảo vệ ngân hàng phòng tránh rủi ro thanh khoản.

+ NHNN cần có những công cụ thanh tra về tình hình thực hiện các quy định đã đề ra như thường xuyên kiểm tra tình hình dự trữ bắt buộc, giám sát tình hình thực hiện cũng như cần có cơ quan tư vấn cho các NHTM thực hiện và đảm bảo tiến độ thực hiện chính sách hợp lý. Tăng cường đội ngũ thanh tra, giám sát để đảm bảo tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nói chung và NHTM nói riêng.

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA THANH KHOẢN ĐẾN LỢI NHUẬN CỦACÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN VIỆT NAM 10598424-2239-010828.htm (Trang 74 - 78)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(97 trang)
w