Chiếc lá gãy thật dòn khi tôi đang lúi húi tìm cách buộc thân cây vào thành sắt dưới chân Bụt. Lá cây xanh mát tràn nhựa sống tôi đem cắm vào chiếc bình màu ngọc. Cành của lá ngắn và không uốn cong thẩm mỹ như cành lá năm nào, nhưng chiếc lá cắm đơn độc trong cái bình này làm tôi nhớ lại hình ảnh Thầy ngồi trong căn bếp đơn giản tại nhà tôi ở Muenchen cách đây hai mươi năm, trước một mâm cơm đạm bạc chỉ có rau cải luộc và một đĩa đậu kho. Tôi đứng lặng người nhìn Thầy, vì một giây trước đó Thầy vừa khẽ nói “Lá cắm đẹp quá”. Trong đời tôi, chưa bao giờ có người nào chia xẻ với tôi vẻ đẹp của một chiếc lá cắm đơn độc trong bình. Và cho tới hôm nay Thầy vẫn là người duy nhất đã nhìn thấy nét thanh thóat tuyệt vời của một chiếc lá cắm trong cái bình màu ngọc này.
Do một sự tình cờ tôi ghé thăm Làng Hồng với hai ngừơi bạn gái và hai cô giáo cũ trên đường đi nghỉ hè năm 1987 tại miền nam nước Pháp. Nhưng có lẽ chẳng có sự tình cờ nào mà không do biết bao nhiêu những sửa sọan từ muôn thủơ.
Lúc ghé Làng Hồng,tôi đang là một nha sĩ VN trẻ, sống yên ấm với chồng và đứa con trai bốn tuổi, có phòng mạch tư, đi dạy học,
120•Như một lời tri ân
và khá nổi tiếng tại thành phố Muenchen, sau hơn chục năm chật vật tranh đấu sống còn như mọi ngừơi VN đi tỵ nạn cộng sản phải tìm một chỗ đứng mới nơi xứ lạ quê người.
Cuộc sống no đủ, tương lai vững vàng, cho phép tôi có thời gian và yên tĩnh trong tâm hồn để cảm nhận được một nhu cầu lặng lẽ kín đáo đang trở mình trong tôi. Tôi bắt đầu thèm nghe lại tiếng chuông mõ và tiếng tụng kinh mỗi tối của mẹ tôi. Có những chiều ngồi trong vườn căn nhà ở vùng quê tĩnh mịch, tôi còn nhớ cả tiếng chuông chùa thanh thản khi tôi còn nhỏ và gia đình còn ở phố Nguyễn Trừơng Tộ ngoài Hà Nội. Và tôi rất thừơng nghĩ tới hình ảnh một vị thầy hiền từ trong chiếc áo nâu đã bạc, thỉnh thỏang ở lục tỉnh lên Sài Gòn lại ghé thăm gia đình tôi, từ khi ba tôi mất sớm.
Với thói quen họat động, tôi không suy nghĩ đắn đo khi cơ hội đến và mau mắn bắt tay cùng với một số phật tử tạo dựng một Niệm Phật Đừơng, lấy chỗ cho các phật tử Việt Nam nương dưạ trong vùng đất Bayern đậm ảnh hửơng của Thiên Chúa giáo. Nhưng đồng thời tôi cũng chơi và kết thân với rất nhiều linh mục Tin Lành (Evangelische Kirche) vì tôi rất thích tham gia vào các họat động xã hội rất thiết thực của họ, cũng như những hoạt động bảo vệ môi sinh. Không quên được Việt Nam, tôi lăn xả vào phụ giúp chương trình Cap Anamur giúp thuyền nhân bằng cách tranh đấu xin thành phố bảo trợ cho họ. Và chỗ nào có biểu tình chống cộng sản Việt Nam là có mặt tôi.
Nhưng những sinh họat tại Niệm Phật Đường không mang tới cho tôi sự an bình của tiếng chuông chùa và tiếng kinh kệ nghe thời thơ ấu. Những vị linh mục Tin Lành siêng năng và tài giỏi không có sự vững vàng như núi, hiền lành như đất, và hình ảnh oai phong nghiêm nghị
của Hòa Thượng Tâm Giác, ngừơi đã qui y cho tôi. Và đi biểu tình mãi xét cũng chẳng có hiệu quả gì.
Năm 1986, nhân một lần xuống Muenchen hành lễ, Hòa thượng (lúc bấy giờ là đại đức) Như Điển mang cho tôi tờ photocopy một bài bằng tiếng Đức đăng trên báo Boddhibaum, Wien (quyển 4, 1984) do Axel Netzband dịch từ một bài viết bằng tiếng Anh của Thầy Nhất Hạnh :
“Auf der Suche nach unserem verlorenem Bruder” (Đi tìm ngừơi anh em của tôi )
Đọc xong, tôi bắt đầu đi tìm Thầy.
Nhưng hỏi thăm từ Mỹ tới Pháp, không ai biết Thầy ở đâu để chỉ cho tôi, và rồi mọi sự trôi theo ngày tháng cho đến hè 87, gặp cô giáo cũ kể chuyện vừa vào dự thiền trà trong Làng Hồng tuần trước.
Nhờ tìm được Làng Hồng tôi mới tìm được sách của Thầy để say mê đọc. Khó có thể nói câu nào Thầy viết mà tôi không thấy đúng, không thấy hay. Nhưng cho bản thân tôi có lẽ câu quyết định là câu “.... hành động trong tinh thần của Phật giáo chứ không phải với danh nghĩa của Phật giáo....”
Gặp Thầy, tôi được học hỏi một Đạo Phật với cái HIỂU là trọng yếu, khiến tôi như cá gặp nước. Sau bao năm loay hoay với một bên là thuyết Từ Bi Hỷ Xả, là Giải thoát, và bên kia là những cảnh mắt thấy tai nghe chẳng hề ăn khớp với nhau, tôi tìm được lối thóat trong cái Hiểu. Lẽ dĩ nhiên Hiểu không dễ đạt được, nhưng Hiểu là cục đá domino đầu. Hiểu rồi buông xả hay thương chỉ còn là lẽ tự nhiên, không cần chật vật.
Gặp Thầy, mọi thao thức rõ rệt hay bàng bạc trong tôi bấy lâu được giải tỏa nhanh chóng, nhừơng chỗ cho một năng lượng tích
122•Như một lời tri ân
cực. Tích cực cho tôi và cho người khác. Cái xiềng xích của lòng hận thù những người tôi nghĩ là đã và đang gây điêu linh cho đất nước và gia đình tôi, được dứt bỏ. Không có hạnh phúc nào lớn hơn là sống tha hương mà mang được quê hương trong mình, nhận diện được khả năng vẫn có thể đóng góp xây dựng cho quê hương, dân tộc của mình mà không một bạo quyền nào ngăn chận mình được. An lạc đến cùng lúc với cái hiểu và biết nhu cầu đích thực của mình, cũng như con đường đưa mình tới nơi mình muốn.
Gặp Thầy, tôi hòa giải được với xã hội tôi đang sống, với những cọ sát cùng những người khác tôn giáo, và cả với những khía cạnh mà tôi đánh giá là tiêu cực trong giới phật tử. Tôi tìm được cách cưỡng lại sự đảo điên gây ra bởi bị kẹt vào hình thức, và tập nhìn sâu hơn để không hụt thấy cái hay cái đẹp ở khắp nơi. Mà nếu không thấy được cái hay cái đẹp thì thật là uổng phí cả một đời người.
Là một người đàn bà của thế kỷ 20-21 này, nhờ Thầy dạy, tôi đã thoải mái thoát khỏi sự giằng xé giữa danh vọng và gia đình. Không cần phải đặt ra vấn đề hy sinh trong sự lựa chọn này vì một khi nhìn thấy danh vọng của mình chính là sức khỏe tâm cũng như thân và tương lai hạnh phúc của con, thì chuyện đáng làm được làm một cách tự nhiên, tự nhiên như hít thở khí trời.
Tôi được nếm hương vị của giải thóat.
Khi một cư sĩ tuyên bố mình là học trò của một vị Thầy nào thì tôi thấy cũng hơi tội cho vị đó, vì thật tình sự trực tiếp dạy dỗ không được là bao. Ngày đọc “Nẻo về của Ý” tôi hí hởn khi Thầy viết “...tôi ước ao chúng ta còn có thể duy trì được những cảnh chùa thật thanh tịnh, những buổi gặp mặt truyền tâm giữa một thầy, một trò...” Nhưng nhu cầu
của xã hội mạnh quá. Nhất là mười năm sau này, có lúc tôi phải bật cười khi bắt gặp có người dự khóa tu, nghe Thầy giảng, mà phải dùng thứ ống nhòm người ta xử dụng khi đi coi opéra để được nhìn rõ nét mặt Thầy.
Thành thử, là cư sĩ, được nghe, được đọc những lời Thầy giảng dạy nhưng ít ai có phước lớn để được hưởng sự giảng dạy đó trực tiếp, qua những sinh họat bình thường trong cuộc sống hàng ngày, ngọai trừ một số rất ít đôi khi được gần Thầy khi Thầy tới giảng dạy tại vùng họ cư trú.
Ngược lại, là cư sĩ, tuy tôi vẫn cảm thấy có lòng thèm muốn được nhìn cách Thầy nâng tách trà đưa lên miệng, được Thầy chỉ cho thấy con kiến đang bò bên ven bờ tường, nhưng tôi nghĩ bản thân tôi sẽ gặp khó khăn nếu xuất gia, sống gần Thầy.
Vì tôi quá phục Thầy.
Đã đành một bên sẽ được khai sáng, dẫn dắt, nhưng có lẽ gần Thầy tôi sẽ chỉ lo bắt chước mà không sáng tạo được gì nữa cả. Bởi vậy tôi rất bằng lòng với hạnh phúc lớn của mình là có Thầy làm ngôi sao sáng định hướng cho tôi theo, chiếu sáng con đừơng tôi đi cho tôi bớt chật vật, nhưng tránh sỏi đá khó khăn, tiến nhanh hay chậm, tôi muốn tự mình chịu trách nhiệm, tự mình tìm ra lời giải đáp.
Có những người sinh ra tự nhiên thích âm nhạc, người khác thích hội họa, và có kẻ lại cứ thích hoạt động xã hội, hoặc lăn xả vào những cuộc tranh đấu xây dựng hòa bình. Đây không phải là một vấn đề đức tính mà là nhu cầu tự nhiên của từng người. Tôi tin rằng con người ta sinh ra, ai cũng nhen nhúm ít nhiều hòai bão làm điều chi đó, nhưng hiềm nỗi không mấy ai có khả năng đạt được hay ít ra tới gần được lý tưởng của mình, đành chịu khắc khoải khôn nguôi. Do đó, gặp được Thầy, tìm được con đường tôi muốn đi, tôi biết là điều đại phước. Và nếu năm thì mừơi
124•Như một lời tri ân
họa, được Thầy cho phép phụ lực Thầy trên một đoạn đừơng ngắn thì tôi không biết tả sao cho trọn hết lòng biết ơn sâu xa của mình với Thầy.
Và tôi nghĩ, nếu tôi tu tập tinh chuyên hơn để thấy được Thầy trong tôi, thì có lẽ tôi sẽ được tháp tùng Thầy mãi mãi.
Chân Diệu - Thục Quyên
Chân Diệu (Thục Quyên) - Nha sĩ, đến Làng Hồng lần đầu 1987, thọ Tiếp Hiện 1990. Thực tập tại gia với tăng thân VN tại Munich, liên lạc tổ chức các khóa tu cùng tăng thân Đức tại Munich khi Sư Ông qua Đức. Kêu gọi và cùng với Giáo thọ Karl Schmied thành lập Maitreya-Fonds 1992. Được Sư Ông giao trọng trách tìm địa điểm và thương lượng với chính phủ Đức để thành lập Viện Phật Học Ứng Dụng 2007)