8. Cấu trúc của đề tài
3.2.5. Giáo dục vệ sinh thông qua các hoạt động trong ngày
Trẻ lứa tuổi mầm non có đặc điểm mau nhớ, chóng quên, vì vậy mỗi hành vi văn hoá vệ sinh đã hình thành cho trẻ cần phải được luyện tập củng cố một cách thường xuyên. Cho trẻ thực hành thường xuyên trong các thời điểm sinh hoạt hàng ngày (khi đón, trả trẻ, khi tổ chức cho trẻ ăn, ngủ, chơi học..), đó là cách luyện tập tốt nhất để giúp trẻ biến những kỹ năng đã hình thành trở thành kỹ xảo, thói quen. Ví dụ khi tổ chức cho trẻ ăn cô giáo hướng dẫn trẻ rửa tay, lau miệng trước và sau khi ăn; ...Khi trẻ thực hiện các hành động cô giáo cần giám sát, kiểm tra, đánh giá, động viên khen ngợi kịp thời những trẻ làm đúng, làm tốt, hướng dẫn, uốn nắn, điều chỉnh những trẻ làm chưa đúng. Thông qua việc luyện tập thường xuyên, hàng ngày, với sự giúp đỡ và giám sát chặt chẽ của giáo viên, trẻ sẽ có được những kỹ năng thực hiện hành động có văn hoá vệ sinh, dần dần những kỹ năng đó sẽ trở thành thói quen, thành nhu cầu bên trong của trẻ. Rèn trẻ thông qua các hoạt động của lớp trong ngày.
• Thông qua hoạt động vệ sinh: Tổ chức hoạt động vệ sinh là cách thức tác động trực tiếp đến nhận thức và hành vi của trẻ. Mục đích là trang bị cho trẻ những tri thức chủ yếu về vệ sinh, giúp trẻ nắm được các thao tác thực hiện trong từng hành động vệ sinh một cách chính xác, đúng đắn, làm cơ sở để luyện tập trong sinh hoạt hàng ngày. Các tiết vệ sinh có thể tổ chức theo từng nhóm nhỏ từ 8 – 10 trẻ vào các thời điểm làm vệ sinh cá nhân, trước khi ăn cơm, trước khi ngủ trưa… Trong quá trình tổ chức tiết học vệ sinh cá nhân, giáo viên có thể sử dụng các dụng cụ trực quan như tranh ảnh hoặc các dụng cụ vệ sinh cá nhân (vật thật)… để giúp trẻ dễ dàng nắm được cách thức thực hiện, có hứng thú với việc thực hiện hành vi văn hoá vệ sinh.
Các cháu nhà trẻ tuy còn nhỏ nhưng cũng có khả năng tiếp thu được những kiến thức thông thường vì vậy cô cần phải hướng dẫn cho các cháu biết những điều cần thiết của từng yêu cầu vệ sinh và những tác hại của việc không thực hiện đúng yêu cầu đó, lời hướng dẫn của cô phải đơn giản, rõ ràng, chính xác, dễ hiểu. Để thực hiện tốt hoạt động vệ sinh thì cô phải chuẩn bị tốt lời hướng dẫn và động tác mẫu.
Các cháu có thể thực hiện các công việc tự phục vụ bản thân vì vậy đối với những việc có thể làm mẫu được cô cần chuẩn bị tốt lời hướng dẫn và làm thành thạo động tác mẫu, vừa làm vừa giải thích, cô có thể tập trước cho một cháu để cháu đó làm mẫu cho các cháu khác làm theo.
Ví dụ: Thao tác đánh răng một cháu thực hiện các cháu khác làm theo - cô đọc lời hướng dẫn.
Nhắc nhở các cháu thực hiện thường xuyên. Muốn hình thành một thói quen vệ sinh ngoài việc làm cho trẻ hiểu được ý nghĩa có kỹ năng cần phải làm cho trẻ được thực hành thường xuyên, có như vậy mới ăn sâu vào nếp sống của trẻ. Hành động sẽ trở thành thói quen khi đứa trẻ có nhu cầu từ bên trong.
Trong giờ đón trẻ:
Cô trò chuyện, trao đổi với phụ huynh về trẻ, nhắc phụ huynh mang theo khăn đối với những trẻ hay bị sổ mũi..
Trò chuyện với trẻ những hoạt động vệ sinh buổi sáng, ví dụ: Hôm nay con dậy sớm đi học ngoan thế, thế con đã đánh răng chưa? Con rửa mặt như thế nào? Ai giúp con cởi bỉm và đi vệ sinh chưa?... Sau đó cô trò chuyện với trẻ về tầm quan trọng của việc rửa mặt, vệ sinh cá nhân.
- Trước khi đi thể dục, cô cho trẻ đi vệ sinh và rửa tay sau khi đi vệ sinh.
Khi thực hiện các hoạt động vệ sinh này, cô phải luôn dùng lời giảng giải và động viên trẻ. Ví dụ: Chúng mình đi vệ sinh để đi thể dục nào, mình ngoan lắm không tè ra quần đâu nhỉ, quần áo mình xinh xắn lắm đây này,… mình rửa tay ngoan tay nào, con vi khuẩn đã bị nước cuốn trôi luôn rồi, tay ai mà thơm thế…
• Hoạt động chơi – tập có chủ đích:
Các hoạt động chơi – tập có chủ đích đều có thể lồng ghép nội dung giáo dục thói quen vệ sinh cho trẻ, một điều cần chú ý là lựa chọn nội dung để lồng ghép sao cho phù hợp với hoạt động chơi – tập, không gò bó gượng ép, ví dụ:
- Trong hoạt động phát triển ngôn ngữ, dạy trẻ đọc thơ “Đôi dép”, cô giáo dục trẻ thói quen đeo dép để bảo vệ cho đôi bàn chân xinh xắn của mình.
- Khi cho trẻ “Tô màu chiếc bánh sinh nhật”, cô giáo dục trẻ nên ăn ít đồ ngọt vào buổi tối, xúc miệng sau khi ăn và đánh răng trước khi đi ngủ để không bị sâu răng.
- Trong hoạt động “Nhận biết các tên gọi của các bộ phận trên cơ thể”, sau khi được tìm hiểu về các bộ phận trên cơ thể và biết được lợi ích của chúng thì cô đưa ra bài học giáo dục vệ sinh, chăm sóc các bộ phận đó thế nào, vệ sinh thân thể sạch sẽ, mặc quần áo sạch đẹp và phù hợp thời tiết. Và kết hợp với việc cho trẻ thực hành mô phỏng các thao tác vệ sinh: rửa tay, rửa mặt, đánh răng....Hoạt động góc: cô cho trẻ chơi các trò chơi như: Rửa mặt cho búp bê, rửa tay cho búp bê, .. nhắc trẻ chơi xong phải cất dọn đồ chơi và rửa tay sạch sẽ.
• Hoạt động chơi tự chọn:
- Khi trẻ tham gia chơi ở các góc, ví dụ góc thao tác vai, cô cho trẻ hoạt động với các đồ vật là dụng cụ vệ sinh như bàn chải, khăn mặt, cốc,...: Em búp bê dậy rồi à, con hãy lau mặt cho em nào? Phải chải răng như thế nào? Con nhớ cho em xúc miệng nhé…
- Khi trẻ thao tác vai bác sĩ, cô gợi ý để trẻ trở thành một bác sĩ nha khoa, chỉ ra lý do em búp bê bị sâu răng, và cần làm gì để vệ sinh răng miệng; hay “tại sao bạn Phong bị đau bụng?”, vì tay bẩn mà bạn ấy không rửa, cứ cầm đồ ăn đưa vào miệng đấy…
- Sau khi trẻ chơi xong thì cô rèn cho trẻ thói quen cất xếp đồ dùng đồ chơi gọn gàng và lau dọn các góc chơi. Vứt rác đúng nơi quy định…
- Trước khi ăn cô nhắc trẻ đi rửa tay, rửa bằng nước và xà phòng cùng với sự hỗ trợ của cô, lau tay khô.
- Sau khi ăn biết tìm đúng khăn của mình lau miệng, lau tay, tìm đúng cốc của mình để lấy nước xúc miệng, uống nước. Chờ đến giờ đi vệ sinh và đi ngủ.
• Giờ ngủ:
- Trước khi trẻ ngủ, cô nhắc trẻ đi vệ sinh, kiểm tra tay chân trẻ, nếu bẩn thì cô cho trẻ đi rửa tay, chân, sau đó mới cho trẻ lên giường ngủ.
- Khi trẻ ngủ dậy, cô cho trẻ đi vệ sinh, rửa mặt sau đó rửa tay, rửa mặt sạch sẽ rồi mới cho trẻ ăn chiều.
• Hoạt động chiều: Ngoài việc ôn luyện các kiến thức trẻ đã học trong ngày thì cô nên dành nhiều thời gian cho việc dạy trẻ kĩ năng, thói quen: rửa tay, rửa mặt, đánh răng, lau dọn vệ sinh, bỏ rác đúng nơi quy định, thay quần áo sạch sẽ .... Qua đó giúp trẻ ôn luyện, củng cố các kĩ năng, thói quen, hành vi vệ sinh chính xác hơn.
• Giờ trả trẻ: Trao đổi với phụ huynh những kiến thức trẻ đã học trong ngày và nhờ phụ huynh phối hợp, giáo dục trẻ vệ sinh cá nhân ở nhà.
Thông qua các hoạt động trong ngày cô có thể đưa các nội dung đã xây dựng vào sao cho phù hợp, không gượng ép, không quá tải hay gây áp lực cho trẻ. Đối với trẻ em giữa việc nhận được lời động viên khen ngợi và phê bình thì tâm lý mọi trẻ đều thích được khen. Nắm được đặc điểm tâm lý đó của trẻ, cô chú ý quan sát trẻ phát hiện hành vi, cử chỉ, việc làm tốt để động viên, tuyên dương trẻ kịp thời. Đối với hành vi chưa tốt cô nhắc nhở với thái độ gần gũi yêu thương, thân mật để trẻ tiếp thu và tiến bộ hơn.