Ngành nước luôn phải cố gắng để đầu tư, mỗi năm số tiền thu được và số tiền cần chi cho cơ sở hạ tầng ngành nước liên tục tăng. Ở Mỹ, số tiền này có thể sẽ tăng lên 84 triệu đô la đến năm 2020 và dự tính sẽ tăng lên hơn 140 triệu đô là năm 2040.
Điều này trở nên phổ biến ở khắp nơi trên thế giới. Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và các công ty về nước đang cố gắng tìm kiếm giải pháp để đáp ứng cho nhu cầu gia tăng dân số. Chúng ta cần phải suy nghĩ để vượt ra khỏi khuôn khổ trong thành phố và tìm đến tự nhiên như một giải pháp và cơ hội đầu tư.
Việc cung cấp nước sạch được cho là dịch vụ cơ bản nhất về nước trong thành phố và của các công ty cấp nước. Nó không chỉ là yếu tố cơ bản cho một điều kiện sống hợp vệ sinh mà nó còn là sự mong đợi của người dân thành phố. Mặc dù vậy, các thành phố đang phải đấu tranh để tiếp cận được với nguồn vốn cần thiết nhằm cung cấp các dịch vụ cơ bản về nước này.
Theo một báo cáo mới của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên - “Kế hoạch cấp nước cho đô thị” đã cho thấy một giải pháp cho vấn đề này. Và giải pháp bắt đầu với việc nhận ra con đường đưa nước đến với thành phố.
Theo một báo cáo, 823 triệu người đang sống trong 100 thành phố lớn nhất trên thế giới. Những thành phố này chiếm ít hơn 1% diện tích đất trên thế giới nhưng những con sông, cánh rừng và các hệ sinh thái đầu nguồn của các lưu vực sông đó lại chiếm tới 12% diện tích bao phủ. Một số các lưu
vực sông trong đó nằm xa bên ngoài ranh giới của thành phố nhưng những thành phố này lại chuyển 3,2 triệu m3 nước với khoảng cách 5.700 km mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của người dân. Với xu hướng di dân tới các vùng đô thị hiện nay, nhu cầu về nước sẽ tiếp tục tăng cao. Điều này đòi hỏi các thành phố cần phải bảo vệ nguồn nước tốt hơn do nguồn cung đang ngày một hạn hẹp.
Lưu vực sông là nguồn cung cấp nước cơ bản nhất cho các thành phố. Họ lấy nước, lọc, vận chuyển và có thể xử lý, cải thiện chất lượng nước để đáp ứng nhu cầu trong thành phố. Thực tế cho thấy, việc bảo vệ nguồn nước tại nguồn có thể sẽ rẻ hơn và hiệu quả hơn việc xử lý sau khi nước bị ô nhiễm. Khôi phục môi trường sống như rừng và các dòng suối cũng như điều chỉnh việc sử dụng đất nông nghiệp có thể sẽ làm giảm sự bồi lắng và ô nhiễm các chất dinh dưỡng trong nguồn nước, điều này sẽ bù đắp cho chi phí đầu tư vào công nghệ xử lý nước.
Bằng những hoạt động nhỏ cải thiện về đất đai, hàng triệu người có thể có được chất lượng nước tốt hơn. Ví dụ, cải thiện tập quán canh tác, sử dụng cây che phủ trên những cánh đồng bỏ hoang hay tạo ra các vùng đất ngập nước gần các con sông và suối có thể sẽ làm giảm sự bồi lắng và giảm nồng độ phốt pho từ phân bón. Nếu áp dụng thực tế những phương án trên với 6,4 triệu hecta trang trại và đất trang trại nằm trong lưu vực sông, có thể hơn 600 triệu người sẽ nhìn thấy sự cải thiện chất lượng nước của họ.
Những phương án như trên hoặc tương tự như vậy có thể thay đổi được
những thách thức về nước, thậm chí cả những vấn đề môi trường phức tạp nhất. Khoảng 172 triệu người sống trong những thành phố lớn nhất thế giới uống nước từ nguồn nước ngầm mà trong đó 50% là đất trồng trọt. Bằng cách biết mục đích sử dụng đất trong lưu vực sông, các thành phố và các công ty cấp nước có thể bắt đầu hiểu những cơ hội để cải thiện chất lượng nước và sử dụng tự nhiên như một công cụ để làm điều đó.
Lấy trường hợp của Mumbai. Trong 300 năm qua, thành phố đã rất phát triển từ 7 đảo, đầm lầy nhỏ để trở thành trung tâm văn hóa và tài chính của Ấn Độ. Giống như nhiều thành phố lớn trên thế giới, nguồn cung cấp nước ổn định và tin cậy là mối quan tâm của các nhà quản lý nước. Qua nhiều năm, các nhà quản lý đã nhận thấy hơn 2/3 các vùng đất trong lưu vực sông cấp nước cho thành phố Mumbai là dành cho nông nghiệp. Thành phố có thể làm giảm nồng độ ô nhiễm chất dinh dưỡng trong nước cấp bằng cách làm việc với những người nông dân để thực hiện các biện pháp canh tác tốt hơn.
Các thành phố, cho dù là thành phố nào đi nữa thì sẽ vẫn phải nhìn ra ngoài ranh giới của họ để thu hẹp khoảng cách đầu tư trong ngành nước. Tự nhiên có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng nước và giảm thiểu chi phí xử lý nước nhưng nó sẽ đòi hỏi ngành nước và con người xem lại các phương án như canh tác bền vững, chăn nuôi, quản lý rừng và tất cả các cơ hội trong việc cung cấp nước sạch, an toàn cho họ.
Kim Oanh (dịch)