phát triển bền vững tại Việt Nam
Sáng ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp báo thông tin về kết quả Hội nghị lần thứ 20 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 20), diễn ra từ ngày 1 - 12/12 /2014 tại Lima, Peru.
Tại buổi họp báo, Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu - Phó trưởng Đoàn đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu cho biết thêm, COP 20 đã thông qua Thỏa thuận khung cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính với tên gọi “Hiệu triệu Lima cùng hành động vì khí hậu”. Đây được coi là quyết định quan trọng nhất của COP20, gồm 22 điều và 01 phụ lục. Theo đó, các bên tham gia bày tỏ quan ngại do còn chênh lệch quá lớn giữa kết quả giảm nhẹ của thế giới thời gian qua so với yêu cầu của khoa học nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2°C hoặc không quá 1,5°C vào cuối thế kỷ; và đều thống nhất khẩn trương hoàn thành Thoả thuận 2015 để có thể thông qua vào tháng 12 năm 2015.
Quyết định Thoả thuận 2015 sẽ áp dụng cho tất cả các nước, gồm 5 trụ cột chính là thích ứng; giảm nhẹ; tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ; tài chính và minh bạch trong các hoạt động ứng phó và hỗ trợ. Các quốc gia tham dự Hội nghị còn thông qua Cơ chế quốc tế Warsaw xử lý các vấn đề thiệt hại và tổn thất song hành với biến đổi khí hậu, nhằm triển khai quyết định của COP19 về cơ chế xử lý thiệt hại và tổn thất.
Đồng thời, quyết định về Kế hoạch cho các nước chậm phát triển thực hiện thông tin về việc xây dựng Kế hoạch thích ứng quốc gia về biến đổi khí hậu. Dự kiến, Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức tại Maroc vào năm 2016. Liên quan đến nội dung về Hội nghị COP 20 có tác động như thế nào đối với Việt Nam, ông Phạm Văn Tấn cho biết, đây là điểm có lợi nhất cho Việt Nam, từ nguyên tắc này sẽ ảnh hưởng đến mọi hành động ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam.