II. Tổng luận ba khoa A Tụng văn
03. Thiện – Bất thiện – Vô ký
Trong 18 giới này, bao nhiêu giới thiện (kuśala)? Bao nhiêu giới bất thiện (akuśala)? Bao nhiêu giới vô ký (avyākṛta)?
a. Duy vô ký avyākṛtā aṣṭau
ta evārūpaśabdakāḥ //29/ 此除色聲八無記
[29c-d] Vô ký, là tám giới này, Chúng không có sắc và thanh.
Tám giới nào? Tức là 10 giới hữu đối, trừ đi sắc và thanh. Tức các giới gồm năm căn, hương, vị, và xúc. Tám giới này không xác định được là thiện hay bất thiện, nên chúng là vô ký. Thuyết khác nói, đối với quả dị thục (vipāka), chúng không xác định. Phản nạn nói: thế thì, trong vô lậu cũng như vậy?245
b. Thông cả ba tridhā’nye 餘三種
[30a] Còn lại, gồm cả ba.
Mười giới còn lại gồm cả thiện, bất thiện, và vô ký.
Trong đó, bảy giới (tâm giới, cittadhātavaḥ) là thiện khi liên hệ với vô tham các thứ;246 là bất thiện khi liên hệ với tham các thứ; ngoài ra là vô ký.
Pháp giới, là thiện, nếu nguyên khởi liên hệ với tự tính của vô tham các thứ, và trạch diệt; là bất thiện, nếu nguyên khởi liên hệ tham các thứ. Ngoài ra, là vô ký.
Hai giới sắc, là thiện hay bất thiện, khi kết hợp với thân biểu và ngữ biểu, có nguyên khởi từ tâm thiện hay bất thiện. Ngoài ra, chúng là vô ký.
---o0o---
04. Giới hệ
Trong 18 giới này, bao nhiêu giới hệ thuộc Dục giới (kāmadhātu)? Bao nhiêu giới trong Sắc giới (rūpadhātu)?
a. Dục giới
kāmadhātv āptāḥ sarve 欲界繫十八
[30a-b] Tất cả hệ thuộc Dục giới
Hệ thuộc, nghĩa là không phân ly; chúng dính chặt vào Dục giới. b. Sắc giới
rūpe caturdaśa 色界繫十四
[30b] Mười bốn trong Sắc giới.
Có 14 giới trong Sắc giới (rūpadhātu). vinā gandharasaghrāṇa-
jīhvāvijñānadhātubhiḥ //30/ 除香味二識
[30b-d] Trừ các giới hương, vị, Thức của mũi và thức của lưỡi.
Thật vậy, trong cõi này không có hương và vị. Vì hai giới này thuộc loại đoàn thực,247 và vì thác sinh lên đây chỉ những ai ly dục đối với loại thực phẩm này. Do vậy, thức của mũi và thức của lưỡi cũng không có; vì đối tượng của chúng không tồn tại.
Phản nạn rằng, như vậy trong cõi này xúc giới (spraṣṭavyadhātu) cũng không tồn tại; vì nó cũng thuộc loại đoàn thực?
[Không phải vậy] Xúc nào mà tự tính không phải là thực phẩm (āhārasvabhāva)248, thức ấy có ở cõi này.
Phản nạn rằng, nếu vậy, hương và vị cũng như thế?249
[Không phải vậy] Hương và vị, ngoài tính cách làm thức ăn, không có công dụng gì. Nhưng ở đây có xúc, vì là sở y của căn, là sự duy trì, là y phục. Vì vậy, với những ai đã ly dục đối với thực phẩm thì hương và vị ở đây vô dụng; nhưng xúc thì không phải vậy.
Vị khác250 nói, do y chỉ các thiền (dhyāna) và định (samāpatti), mà các sắc được thấy, thanh được nghe; và thân được ích lợi do xúc đặc biệt cùng song hành với khinh an (praśrabdhi). Cho nên, ba giới này phát sinh với sự sinh khởi của Thiền, mà hương và vị thì không. Phản nạn rằng, như vậy, căn của mũi và lưỡi không tồn tại ở đây vì vô dụng.
[Không phải vậy]251 Chúng có công dụng. Thật vậy, nếu không có hai giới này thì sẽ không có ngôn ngữ và vẻ đẹp của thân.
Nếu vì mục đích sắc đẹp và phát ngôn, thì y xứ (adhiṣṭhāna) là cần thiết; cần gì căn?
Không có căn thì y xứ không xuất hiện; như y xứ của nam căn.252 Lẽ đương nhiên nó không xuất hiện, vì không có công dụng. Nhưng y xứ của mũi và lưỡi có công dụng. Do đó, lẽ đương nhiên nó xuất hiện mà không có căn.
Mặc dù253 không có công dụng, căn vẫn sinh khởi; như đối với những cái chết nhất định trong thai. Có thể có.254 Không có công dụng, nhưng không phải không có nguyên nhân. Vậy, nguyên nhân gì cho sự phát sinh của căn? Nghiệp đặc biệt do khát ái liên hệ đến căn này. Những ai dứt khát ái đối với cảnh, thì nhất định cũng dứt khát ái đối với căn. Với những ai đã ly dục đối với cảnh, căn của mũi và lưỡi nơi đó không thể phát sinh.255
Hoặc, tại sao nam căn cũng không hiện sinh nơi đó?256 Vì không đẹp.257
Sự ẩn kín của mã âm tàng258 có gì là không đẹp?259 Vả lại, sự sinh khởi của nó không chỉ vì có công dụng. Vì sao? Đó là do năng lực của tác nhân (kāraṇa). Mặc dù không đẹp mắt, nhưng nếu có nguyên nhân thì có sự sinh khởi.
Ở đây, mâu thuẫn với Kinh.260 Kinh nói, «với căn không khuyết tật, không thiếu bớt.» Những căn nào tồn tại ở đó, các căn ấy không khiếm khuyết, không khuyết tật, thì có gì là mâu thuẫn?
Phản nạn rằng, nếu vậy, ở đây cũng tồn tại nam căn.261
Nhưng Kinh ấy nói như vậy.262 Mặc dù ở đây có căn của mũi và lưỡi, nhưng không có hương và vị. Thật vậy, do thông qua tự thể nội thân
(ātmabhāva), chứ không phải thông qua cảnh vực, mà khát ái phát sinh nơi sáu xứ (āyatana). Nhưng thông qua xúc dâm dục (maithunasparśa) mà ái phát sinh nơi nam căn. Do vậy, điều được chứng minh là hệ thuộc trong Sắc giới có mưới bốn giới.
c. Vô sắc giới
ārūpyāptā manodharma- manovijñānadhātavaḥ/ 無色繫後三
[31a-b] Hệ thuộc Vô sắc giới, gồm ý, pháp và ý thức giới.
Những ai đã ly dục đối với sắc sinh ở đây. Do đó, ở cõi này, mười giới mà tự tính là sắc, tức là năm sở y và các đối tượng của chúng, cùng với năm thức giới, không sinh khởi.263
---o0o---