2. Thành lập bản gốc biên vẽ và trình bày nó:
6.6.2. Công tác chuẩn bị biên tập, đặc điểm tổ chức và phương pháp tiến hành
Các công việc của giai đoạn chuẩn bị biên tập BĐĐL chung và đặc điểm của chúng gồm có:
- Tập hợp, thu thập, lưu trữ và xử lý các tư liệu bản đồ và các nguồn tư liệu khác phục vụ cho sản xuất và hiệu chỉnh bản đồ.
- Tiến hành các công việc thử nghiệm khoa học và một số công việc đặc trưng của công tác tổ chức - chuẩn bị.
- Chuẩn bị các tài liệu biên tập khác nhau.
Thu thập, lưu trữ và xử lý bản đồ, các tư liệu thống kê, tra cứu cho thành lập bản đồ địa lý chung được tiến hành thường xuyên, liên tục. Đây là một trong những nhiệm vụ của bộ phận tra cứu ở các cơ sở sản xuất bản đồ. Các tư liệu chính để thành lập bản đồ địa lý chung là các bản đồ địa lý chung tỷ lệ khác nhau, bản đồ địa hình, bản đồ hàng hải và một loạt các số liệu thống kê. Các tư liệu phụ bổ sung có thể là: Bản đồ hành chính – chính trị, giao thông, du lịch và ảnh vũ trụ, hàng không, các bài viết, sách báo, công trình khoa học, bách khoa toàn thư...
Các tư liệu chính và phụ để thành lập bản đồ cần đảm bảo: Độ chính xác đối tượng trên bản đồ được thành lập; thể hiện được đặc điểm địa lý; sự đầy đủ khái quát đối tượng (tổng quát hoá); độ tin cậy và tính hiện đại của bản đồ.
Hệ thống hoá nguồn tư liệu được thực hiện theo: vùng lãnh thổ, đề tài (nội dung), mục đích và năm xuất bản.
Trong số các phụ lục tra cứu cho thành lập bản đồ phải kể đến các biểu bảng, sơ đồ, phụ lục khái quát và trực nhật.
Ví dụ: Bảng dân cư cho biết số dân, thời gian hình thành thành phố, lăng mạc,...; sơ đồ đường sá dùng để lựa chọn, lấy bỏ các con đường thể hiện trên bản đồ...
Các tư liệu này cũng có thể thu thập, yêu cầu ở thư viện, ngân hàng thông tin, trung tâm thông tin quốc gia...
Đặc biệt trong tương lai, người ta có thể lấy từ hệ thống thông tin địa lý (GIS) của mỗi quốc gia, thế giới và thông qua hệ thống Internet.
Thử nghiệm khoa học và soạn thảo các tài liệu biên tập có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành lập BĐĐL chung. Trước tiên phải làm các mẫu thử nghiệm cho tờ bản đồ. Các mẫu này phải đặc trưng cho nội dung cơ bản của bản đồ, cho các nguyên tắc tổng quát hoá, trình bày bản đồ và công nghệ thành lập. Khi tiến hành thử nghiệm phải sử dụng các nguồn tư liệu, vật liệu mới, công nghệ hiện đại. Ví dụ: Dùng nguồn tư liệu ảnh vệ tinh, dùng các phần mềm chuyên dụng để thể hiện địa hình (mô hình DEM) thay cho đánh vờn bóng bằng tay.
Soạn thảo tài liệu biên tập của BĐĐL chung tuân thủ theo nguyên tắc chung cho các bản đồ (xem mục 6.2 về thiết kế bản đồ) nhưng nó cũng có các đặc điểm riêng phụ thuộc vào mức độ phức tạp của tác phẩm bản đồ (bản đồ 1 tờ, bản đồ nhiều tờ hay sêri bản đồ).
Đặc thù mục đích và nội dung của các tài liệu biên tập cơ bản cho các tác phẩm bản đồ lớn là khi soạn thảo các tài liệu này đồng thời giải quyết nhiệm vụ xác định các thông số và đặc điểm thành lập tác phẩm và cũng đặt ra các nguyên tắc đảm bảo hình ảnh lãnh thổ được thống nhất trên các tờ bản đồ (bản đồ nhiều tờ) hay trên mỗi bản đồ của sêri bản đồ. Công việc này được nhóm biên tập thực hiện.