Biên tập tờ bản đồ cụ thể trong giai đoạn chuẩn bị biên tập bản đồ ngoài thiết kế bao gồm:
- Làm sáng tỏ, thu thập, phân tích các tư liệu bản đồ.
- Nghiên cứu vùng lãnh thổ, đối tượng, hiện tượng bản đồ thể hiện. - Soạn thảo kế hoạch biên tập (hướng dẫn biên tập).
Mục đích chính của thu thập, phân tích và đánh giá các tư liệu bản đồ và các tư liệu khác là lựa chọn, xác định nguồn tư liệu chính, phụ cần thiết cho chuẩn bị biên tập và thành lập bản đồ. Công việc thu thập tài liệu được thực hiện theo đơn đặt, yêu cầu của biên tập viên. Chúng có thể lấy, tìm ở bộ phận lưu trữ, ở các cơ quan, thư viện khác nhau.
Phân tích tư liệu bản đồ được tiến hành theo mục đích, nội dung bản đồ.
Khi đánh giá các thông tin, tư liệu bản đồ cần tính đến:
- Mức độ hiện đại, mới, đầy đủ, chi tiết của nội dung. - Độ chính xác.
- Sự tương ứng của bản đồ với thực tế.
- Khả năng ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. - Mục đích khoa học và ý tưởng của bản đồ.
Khi phân tích, đánh giá tư liệu bản đồ cần: Nghiên cứu kỹ các nguồn tư liệu để nhận được các khái niệm về đối tượng, cách tổng quát hoá đối tượng; cần sử dụng các bản đồ trực nhật để thống kê sự thay đổi của khu vực bản đồ thể hiện.
Kết quả thu thập và nghiên cứu nguồn tư liệu được viết ở dạng bảng, biểu, bài viết, sơ đồ sử dụng bản đồ tài liệu, sơ đồ khoanh vùng địa lý, vùng lãnh thổ bản đồ.
Nghiên cứu đặc điểm địa lý lãnh thổ và đối tượng theo đề tài bản đồ, theo các chỉ dẫn đã định và khuôn khổ đã xác định. Trong mọi trường hợp đều phải làm
sáng tỏ đặc điểm địa lý của lãnh thổ, đặc điểm phân bố và mối liên quan của các đối tượng bản đồ.
Dựa vào đặc điểm địa lý vùng cần lập bản đồ, các biên tập viên sẽ lựa chọn các đối tượng cần biểu thị (nội dung bản đồ).
Người biên tập đặt kế hoạch xử lý các tư liệu dùng để thành lập bản đồ, tiến hành thử mẫu bản đồ có tính đến đặc điểm địa lý vùng, lãnh thổ, soạn thảo các vấn đề cần thiết cho tiến hành công việc thành lập bản đồ (như bảng ký hiệu quy ước, sơ đồ bố cục bản đồ).
Các tài liệu biên tập là thể hiện toàn bộ các ý tưởng của biên tập viên với bản đồ cần thành lập.
Kế hoạch biên tập gồm các phần chính sau:
1- Các khái niệm chung về bản đồ, về mục đích và các đặc tính cơ bản của bản đồ. 2- Cơ sở toán học bản đồ, các chỉ dẫn xây dựng nó.
3- Các tư liệu bản đồ, các chỉ dẫn thứ tự và phương pháp sử dụng chúng. 4- Đặc điểm địa lý và các khái niệm về các đối tượng bản đồ.
5- Các yếu tố nội dung bản đồ, các chỉ dẫn thành lập và tổng quát hóa chúng. 6- Công nghệ thành lập, chuẩn bị in và in bản đồ.
Đi kèm tài liệu biên tập nhất thiết phải có các phụ lục: sơ đồ bố cục, bảng ký hiệu quy ước (có thể cần đến mẫu tổng quát hoá đối tượng, trích mảnh mẫu bản đồ).
Đối với bản đồ chuyên đề, phụ lục đi kèm sẽ có các đặc tính riêng.
Cụ thể trong tài liệu biên tập, mới đầu người ta xác định chính xác đầy đủ tên bản đồ, vùng lãnh thổ (vị trí địa lý), tỷ lệ bản đồ, mục đích của bản đồ, số trang, số tờ bản đồ, kích thước bản đồ, phép chiếu bản đồ. Trong một số trường hợp chỉ rõ tên và kích thước bản đồ phụ, sơ đồ bố cục.
Những việc này còn chịu ảnh hưởng và liên quan đến các đặc tính kỹ thuật in (Kích thước giấy in, tiêu chuẩn cắt xén, ấn xuất bản đồ,...).
Phần tiếp theo tiến hành tính toán, xây dựng cơ sở toán học cho bản đồ (tính toán để dựng khung, lưới chiếu bản đồ, yếu tố tiếp biên (nếu cần thiết), nắn ảnh,...).
Trên sơ đồ bố cục, lập theo đúng tỷ lệ bản đồ nếu có thể, chỉ rõ kích thước bản đồ (khung trong, khung ngoài), bố trí: vị trí tên gọi bản đồ, bảng chú giải, bản đồ phụ, biểu bảng, đồ thị ở đâu, vẽ sơ lược cơ sở địa lý bản đồ.
Ở phần “Tư liệu bản đồ” thống kê toàn bộ các tư liệu bản đồ dùng để thành lập bản đồ, các đặc trưng, đặc điểm và mức độ sử dụng chúng.
Chỉ rõ tư liệu bản đồ chính, phụ, tham khảo. Trong một số trường hợp phải xử lý sơ bộ các tư liệu bản đồ trước khi sử dụng (ví dụ: Bản đồ tài liệu chính trước khi chụp ảnh để làm bản lam cho thành lập bản đồ phải tô lại các nét lơ của hệ thuỷ văn bằng mực nước đen; trước khi quét bản đồ tài liệu, người ta cần tách lớp một số nội dung cơ bản hay quá phức tạp của bản đồ).
Trong phần chọn lọc đối tượng, xác định nội dung bản đồ. Dựa vào đặc điểm địa lý vùng lãnh thổ, theo mục đích của bản đồ, đề tài bản đồ, người ta chỉ rõ các đối tượng nào cần thể hiện, mức độ thể hiện (Tổng quát hoá nội dung bản đồ).
Phần cơ bản và quan trọng là chỉ dẫn, hướng dẫn thành lập bản đồ. Ở đây chỉ ra phương pháp thể hiện từng nội dung, thứ tự thành lập từng yếu tố nội dung, cách bố trí tên gọi, chữ viết trên bản đồ, hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị và nguyên liệu, công nghệ thành lập bản đồ.
Trong phần kế hoạch biên tập có công nghệ thành lập, trình bày, chuẩn bị in và in bản đồ với các chỉ dẫn đầy đủ, ngắn gọn (tỷ lệ bản gốc biên vẽ, bản gốc thanh vẽ, số lượng bản gốc, nguyên liệu để làm bản gốc (giấy, điamát,...)).