DENNIS CHAMBERS (Phi công Tù bỉnh)

Một phần của tài liệu Nuoc_Mat_Truoc_Con_Mua (Trang 104 - 120)

(Phi công Tù bỉnh)

“Chúng ta thắng trận phải không? Xin làm ơn nói thật”

Tháng Tám năm 1967 trong lần thực hiện phi vụ thứ một trăm lẻ một, tôi đã bị bắn hạ tại Đồng Hới, ngay phía Bắc vùng phi quân sự. Tôi là phi công phụ của chiếc máy bay F-4C. Phi công chính và tôi thoát chết, nhưng sau đó đã bị giam suốt năm năm rưỡi tại nhà tù Cộng sản, Hỏa Lò, nơi người ta vẫn gọi là “Khách sạn Hilton Hà Nội.”

Trước khi xảy ra vụ này, trong tôi đã tan vỡ nhiều ảo tưởng về cuộc chiến. Vì sao? Mục đích cuộc chiến tuyệt đối đúng, nhưng phương thức chúng ta chiến đấu, cách chúng ta muốn đạt đến mục đích thật hết sức sai lầm.

Tôi đóng ở Cam Ranh. Tôi đến đấy vào tháng 3 năm 1967. Ngay sau phi vụ đầu tiên, tôi đã phải viết thư cho dân biểu của tôi mà hỏi: “Chúng ta đang làm gì ở đây?” Chúng ta đang làm một lỗi lầm lớn, ai cũng có thể thấy rõ như vậy!

Ngay lúc mới đến Cam Ranh, người ta đã căn dặn chúng tôi đừng ai ra phố. Không được vượt qua cây cầu vào thị xã. Lý do, họ bảo là vì dân chúng bất thân thiện. Lạy chúa, bất thân thiện! Ngay tại Cam Ranh này mà dân chúng không đối xử thân thiện với chúng tôi. Họ là bạn, họ là đồng minh kia mà? Vậy nếu họ không thân thiện với chúng tôi thì việc gì đang xảy ra ở đây. Hoàn cảnh này là hoàn cảnh nào?

Về việc dội bom: chúng tôi đã dội bom dã man lên tất cả mọi thứ. Không bao giờ lại phí bom thả xuống biển. Sau mỗi phi vụ khi bay về, nếu còn dư bom, chúng tôi luôn luôn cố kiếm ra một cái gì mà dộng xuống. Bọn phi công sẽ kiếm một thứ gì, bất cứ cái gì để dội lên với số bom còn lại. Tôi cũng đã nghe kể nhiều chuyện về lính bộ binh thường nhả đạn giết dân bừa bãi chỉ vì lý do không ưa cái bộ dạng của người ta! Không ưa cách người ta nhìn, họ bóp cò. Tình trạng có vẻ thực vô kiểm soát. Bấy giờ là năm 1967. Sau này tình trạng lại còn tệ hại hơn. Sĩ quan không kiểm soát nổi lính tráng. Chúng ta có rất đông quân, mà chúng ta lại không hề bao giờ chính thức tuyên bố chiến tranh. Chúng tôi cứ bay, cứ dộng bom, và nếu tôi hỏi “Chúng ta đi đâu, chúng ta làm gì đây” thì câu trả lời luôn luôn vẫn là “không biết!”

Ấy thế rồi họ trói tay chúng tôi lại. Họ bảo chúng tôi là có một số việc chúng tôi không được phép làm. Ví dụ nếu tìm ra được các chiến đấu cơ MIG, chúng tôi phải làm các thủ tục nhận diện cho chắc chắn là MIG, rồi mới được phép bắn. Trong tình trạng ấy quý ông có biết cơ may sống sót của chúng tôi mỏng manh đến đâu? Một chiếc MIG có khả năng làm lắm chuyện hơn cả mấy chiếc F-4C, F-105, hoặc là F- 111. Với những chiếc máy bay nguy hiểm như thế mà chúng tôi lại còn phải cố nhận diện đã, thì sinh mạng của chúng tôi chịu biết bao may rủi? Rồi chúng tôi lại bị cấm không được phép bắn những chiếc tàu dài hơn 50 bộ Anh, hoặc ngắn hơn 20 bộ Anh. Như vậy tất nhiên Việt Cộng cứ cho chở hết mọi thứ trong những chiếc tàu nhỏ là tha hồ an toàn xuôi ngược trên sông! Tôi cảm thấy thực cay đắng với tất cả những chuyện như thế.

Ngoài ra ở đấy người ta đã lừa bịp dối trá như điên. Con số máy bay được đếm là chỉ bằng nửa con số chúng tôi báo cáo. Số máy bay chúng ta mất xảy ra rất đều đặn: Chỉ trong năm tháng tôi ở đấy, chiếc máy bay của tôi đã là chiếc thứ 13 tại Cam Ranh bị mất. Và người ta chỉ ghi vào thống kê những chiếc máy bay mất nếu có người nào nhìn thấy tận mắt. Không nhìn thấy máy bay bị hạ kể như không mất.

Thật là khùng!

Trong Hỏa Lò Hà Nội, các tù binh Mỹ còn sống sót được nhờ những lý do khác nhau. Tinh thần bác ái và tinh thần Thiên Chúa giáo đã giúp một số người sống còn. Riêng tôi, chính hận thù giúp tôi sống còn! Tôi hận thù Lyndon Johnson. Tôi hận thù Richard Nixon. Tôi hận thù chiến tranh. Tôi hận thù người Việt miền Bắc. Tôi hun đúc tất cả những hận thù ấy để sống còn.

Những hận thù ấy cũng tạo nên cho tôi một tinh thần hoài nghi sâu đậm. Khi được thả vào năm 1973, họ đưa chúng tôi vào chiếc máy bay C-141 từ Hà Nội đến Phi Luật Tân, lúc ấy tôi không còn một niềm tin vào bất cứ gì nữa. Đặc biệt tôi đã không tin được một lời nói nào của Cộng sản. Tôi cứ nghĩ chúng sẽ không bao giờ thả chúng tôi ra. Cho nên khi máy bay rời Hà Nội, tôi chắc mẩm là chúng sẽ bắn hạ chiếc máy bay này. Tôi đinh ninh chờ đợi một chuyện xảy ra: Có lẽ chúng đã đặt bom. Có lẽ một chiếc chiến đấu cơ MIG, hay một hỏa tiễn SAM sẽ phóng theo. Tôi tự bảo: “Không thể tin được! Chuyện này không thể xảy ra được! Đấy là mơ chứ không thể là thực.”

Thế rồi khi máy bay rời Hà Nội, một nhóm bác sĩ, y tá và những người trợ tá đến săn sóc chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều nắm lấy họ mà cùng hỏi một câu: “Chúng ta thắng trận phải không? Xin làm ơn nói thật.” Và một sĩ quan Mỹ trên máy bay bảo: “Chắc chán là thế. Trên căn bản chúng ta đã thắng. Địch đã bại – Nhờ máy bay B-52, chúng ta đã thắng!” Khi nghe như thế, chúng tôi ngây ngất. Những năm tháng tù đầy của chúng tôi nhờ vậy mà xứng đáng. Không còn chữ nào ngọt ngào hơn mấy chữ “Chúng ta đã kết thúc xong.” Họ nói với chúng tôi như thế.

Rồi khi về nhà chúng tôi khám phá ra cuộc chiến chưa kết thúc. Chúng ta chưa thắng. Chúng tôi lại bị dối trá. Người ta không cho biết sự thật.

Khi Sàigòn sụp đổ, tôi đang sống tại căn nhà ở vùng núi Santa Cruz tại tiểu bang California. Tôi không coi truyền hình nhưng mỗi ngày đều đọc báo và nghe tin trên máy phát thanh. Khi đọc và nghe những chuyện xảy ra bên ấy, tôi có thái độ bi thảm của cái kiểu như là: “Đó, tôi đã bảo mà, thấy chưa.” Tất cả những gì xảy ra thực sự chỉ là kết quả của hàng chuỗi lỗi lầm nghiêm trọng mà chúng ta đã tạo nên sau nhiều năm tháng.

Vào cuối tháng Tư, khi bắt đầu nghe tin về cuộc tỵ nạn và những con người đáng thương bên ấy đang cố ra khỏi xứ, tôi cảm thấy muốn phát bịnh. Bao nhiêu người đã từng làm việc cho chúng ta ở bên ấy giờ đây bị đối xử cạn tầu ráo máng. Chúng ta bỏ lại rất nhiều người. Lời hứa của Mỹ chẳng còn một giá trị gì. Bây giờ, ở Á Châu, lời hứa của người Mỹ không còn đáng một cục cứt!

Những gì đáng lẽ chúng ta phải thực hiện, đó là phải bảo đảm an ninh cho bạn hữu của chúng ta. Nhưng chính dư luận công chúng đã chống lại Việt Nam. Chính khách đã chống lại Việt Nam. Mỉa mai quá! Nếu trước đó họ chống vấn đề Việt Nam sớm hơn, thì mọi việc chẳng xảy ra như vậy. Tôi quy trách nhiệm cho toàn thể nước Mỹ về việc bỏ rơi những bạn hữu của chúng ta ở lại Việt Nam. Không một ai đứng dậy mà phản đối việc chúng ta bỏ rơi bạn, những người đã cật lực làm việc cho chúng ta. Bây giờ chúng ta thản nhiên bỏ rơi họ.

Những gì đáng lẽ chúng ta phải làm, thực giản dị. Đáng lẽ chúng ta phải thiết lập một khu vực “Không người” và bảo bọn Cộng sản rằng: “Nếu các anh vượt ranh giới này, chúng tôi giết.” Chúng sẽ hiểu điều ấy. Như thế, chúng ta sẽ mang tất cả những người bạn ra. Và chúng ta đáng lẽ phải nói: “Nga Sô, tránh ra! Trung Cộng tránh ra! Chúng tôi sẽ rời khỏi xứ trong 6 tháng – Nếu Bắc Việt can thiệp, chúng tôi sẽ xoá Hà Nội khỏi bản đồ tức khắc!”

Đáng lẽ chúng ta phải thiết lập tình trạng khẩn cấp, tuyên bố rõ rệt những gì sẽ thực hiện, yêu cầu quan sát viên Nga Sô và Trung Quốc đến để chứng tỏ chúng ta sẽ không quay trở lại. Chúng ta sẽ ra đi, và chúng ta sẽ mang theo các bạn hữu của chúng ta. Chúng ta cần mở những trại định cư tại Mỹ với các tiện nghi tạm cư cho các bạn của chúng ta. Vào thời đệ nhị thế chiến khi xảy ra vụ Nhật-Mỹ, họ dựng trại nhanh lắm. Thế thì chắc chắn họ cũng có thể dựng trại tạm cư rất nhanh cho các bạn của chúng ta

vào năm 1975. Nhưng chúng ta đã không làm như vậy. Không ai còn có can đảm quyết định. Không ai muốn chấp nhận trách nhiệm.

Chúng ta đã chờ đợi quá lâu. Đáng lẽ chúng ta không nên để kết cuộc phải xảy ra trên cái nóc nhà khốn nạn của toà Đại sứ Mỹ ở Sàigòn. Đáng lẽ chúng ta có thể chấm dứt tình trạng rối loạn với một vài lời đoan quyết. Nhưng không ai đã nói một lời nào. Và bọn Cộng sản khốn kiếp cười vào mặt chúng ta. Chúng ta đã bị một bọn lùn xủn bu lấy đá vào mắt cá chân. Hy vọng là chúng ta có thể học được đôi điều trong chuyện này.

Tôi đã mất cái khả năng yêu thương tại Việt Nam. Tôi không còn yêu thương, tôi cũng không còn sát sinh được. Tôi không săn bắn, tôi không câu cá, mà tôi cũng không còn sức yêu thương. Khi trở về, họ gọi tôi là anh hùng. Không, tôi không phải là anh hùng. Tôi đâu có tự ý tình nguyện xin ngồi tù cho đến năm năm rưỡi? Tôi chỉ tình nguyện chiến đấu cho xứ sở. Tôi chỉ tình nguyện chiến đấu cho tự do. Tôi đã tình nguyện lái một chiếc máy bay.

Khi mọi sự tan vỡ vào năm 1975, tôi cảm thấy thời gian phục vụ của tôi ở Việt Nam thực là uổng phí. Ngày nay tôi chẳng nằm mộng hay thấy ác mộng gì về chuyện ấy. Tôi không nghĩ gì về Việt Nam nữa. Không, tôi hoàn toàn không nghĩ gì về những chuyện ấy nữa. Mọi phương tiện đối với người Mỹ này đều đã được tận dụng, kể cả việc làm giấy tờ giả mạo.

Chương 11: Hoa Thịnh Đốn

Tổng thống Ford đọc bài diễn văn ở Đại học Tulane ngày 23 tháng 4, 1975 xảy ra lúc Nam Việt Nam đang tan rã, lúc chúng ta đang cố đưa người rời Sàigòn. Vào thời điểm này, quan hệ duy nhất là tìm cách bảo vệ các đồng minh hãy còn đứng ở phía chúng ta, và đưa người của chúng ta ra khỏi xứ ấy được an toàn bao nhiêu, tốt bấy nhiêu. Việc di tản đã được quyết định trước khi xảy ra vụ đọc bài diễn văn này. Tuy nhiên cái thời điểm tuyên đọc bài diễn văn là một vấn đề: Nó tạo ra sự kiện đột nhiên chúng ta tuyên bố di tản, và chúng ta có rất nhiều lý do để tin rằng người miền Nam Việt Nam có thể quay ngược lại, ngăn cản không cho chúng ta rút khỏi xứ. Lúc ấy, họ vẫn đang còn kiểm soát phi trường và các đường lộ chung quanh Sàigòn.

Bấy giờ chúng ta ở vào một vị thế đình trệ. Trước đó, Tổng thống (Ford) đã ra Quốc hội xin thêm ngân khoản, mà căn bản chính là để chống đỡ cho chính phủ Nam Việt Nam ngõ hầu chúng ta có thể rút ra một cách trật tự. Nhưng Quốc hội đã không thấy cái quan điểm ấy, quốc hội đã từ chối cấp thêm tiền. Việc này xảy ra sau khi tướng Fred Weyand sang Việt Nam, ông trở về với một bản lượng giá khá u ám. Ông cho rằng: Nếu muốn giữ được bất cứ phần nào của Nam Việt Nam, ngay cả Sàigòn đi nữa, chúng ta cũng phải tăng cường thêm nhiều trợ giúp. Những trợ giúp ấy không phải bằng bộ binh, mà bằng không lực từ các hạm đội. Đây sẽ là một ràng buộc khá lớn lao mà Quốc hội và nước Mỹ sẽ không ủng hộ. Và, điều ấy cũng chỉ làm chậm lại phần nào những gì trước sau cũng xảy ra, trước sau cũng không tránh khỏi. Phần chúng ta thì không còn muốn phải bắt đầu tất cả mọi việc trở lại nữa, cho nên vào thời điểm ấy, vấn đề được đặt ra một cách giản dị: Chúng ta sẽ rút ra như thế nào, chứ không phải là chúng ta sẽ rút đi hay không.

Trước khi xảy ra vụ đọc bài diễn văn này, chúng tôi đã có một cuộc thảo luận. Trong buổi ấy, Tổng thống (Ford) bảo tôi rằng ông muốn đặt trọng tâm vào tương lai, chớ không còn muốn xoáy vào dĩ vãng. Cứ giả dụ bọn trẻ, bọn sinh viên ở Đại học Tulane mặc dầu không có tinh thần phản chiến quá khích như tại nhiều Đại học khác, nhưng lúc ấy tinh thần chống chiến tranh Việt Nam đã lan truyền khắp các Đại học. Cho nên thay vì tiếp tục gặm nhấm dĩ vãng để cố biện minh cuộc chiến, ông muốn nói với thế hệ này về những gì có thể làm cho tương lai. Ông muốn đặt cuộc chiến ra đàng sau. Ông bảo tôi trong buổi thảo luận rằng “Tôi không hiểu tại sao chúng ta cứ phải mất thì giờ lo lắng về một cuộc chiến mà cho đến nay, trong sự quan tâm của chúng ta, cuộc chiến đã xong.” Tôi bèn nói: “Vâng, vậy tại sao tổng thống lại không phát biểu như thế?” Bấy giờ chúng tôi đang tìm kiếm một luận đề căn bản cho bài diễn văn.

Ford bảo: “Tôi e Henry (Kissinger) không thích như thế.” Tôi nói: “Tại sao ông lại phải lo chuyện Henry thích hay không thích? Ông là Tổng thống, nếu ông cảm thấy thế, ông cứ phát biểu như thế. Đôi khi, đến một thời điểm phải nói, thì chính ông phải nói ra, vậy tại sao lại không nói ra lúc này?” Ông bảo: “Tôi sẽ suy nghĩ chuyện ấy. Nhưng ông cứ xúc tiến xem thử ông có thể viết gì trên giấy. Bây giờ thì đừng nói gì với ai về chuyện này cả.”

Hiển nhiên, ông có vẻ thích cái ý tưởng mà ông đã đưa ra. Nhưng ông vẫn còn muốn xem thử Henry (Kissinger) và một số nhân vật quân đội khác sẽ phản ứng như thế nào.

Người phụ trách soạn thảo bài diễn văn là Milton Friedman. Tôi là người duyệt lại. Đầu tiên, chúng tôi bỏ ra ngoài cái đoạn văn nói về “cuộc chiến đã xong.” Tất cả bài diễn văn chỉ nói về những cơ hội vô giới hạn sẽ dành cho bọn trẻ trong đại học để làm những chuyện tích cực hơn là xuống đường phản đối. Chúng tôi viết: Không còn chuyện gì nữa để mà phải phản đối, phải lo học tập để mà xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Thế thôi.

Trong toà Bạch ốc, chúng tôi có lệ luân chuyển bản thảo các bài diễn văn cho những người quan tâm, họ cần biết trước những gì Tổng thống sẽ đọc để khỏi bỡ ngỡ, hoặc để chuẩn bị phản ứng nếu có ai hỏi đến. Những người mà chúng tôi lưu chuyển bản thảo có thể sửa đổi tùy theo tính chất và đề mục các bài diễn văn. Tuy nhiên luôn luôn phải có một nhóm người duyệt đọc, họ phải ghi chú trên các bản sao. Nếu có gì họ muốn thay đổi, chúng tôi sẽ chuyển ý kiến đến cho Tổng thống quyết định. Trong toà Bạch ốc có một nhóm nhân viên tối cao, thường gồm những người liên hệ đến chính sách ngoại giao và quân sự, như là Bộ trưởng Ngoại giao và các thành viên Hội đồng an ninh quốc gia. Bấy giờ Bộ trưởng Ngoại giao là Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia là Brent Scowcroft-. Cả hai đã làm việc chung với nhau từ lâu, sự suy nghĩ của họ rất tương đồng cho nên Scowcroft biết rất rõ những gì ông ta không cần đưa cho Kissinger xem, và những gì ông phải cho Kissinger biết.

Bản diễn văn này đã được lưu chuyển mà không có ai thắc mắc gì nhiều. Sau khi mọi người cho ý kiến,

Một phần của tài liệu Nuoc_Mat_Truoc_Con_Mua (Trang 104 - 120)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)