ED BRADLEY, (Hãng tin CBS)

Một phần của tài liệu Nuoc_Mat_Truoc_Con_Mua (Trang 126 - 127)

(Hãng tin CBS)

“Vậy mọi sự đều dẫn đến bước này.”

Ngày cuối cùng của tôi ở Sàigòn, giản dị là một ngày điên cuồng. Vào buổi sáng 29 tháng Tư, đài phát thanh quân đội Hoa Kỳ đang chơi những bản nhạc thông thường. Đột nhiên ngưng nhạc, họ loan báo: “Sàigòn nóng một trăm lẻ năm độ, nhiệt độ đang gia tăng.” Tiếp theo là bài “Giáng Sinh Trắng” do ca sĩ Bing Crosby hát. Bạn phải nhớ lúc ấy đang cuối tháng Tư. Việc này cho thấy trình độ tinh thần của những người trong quân đội Mỹ. Thực tế, muốn biết cuộc di tản bắt đầu lúc nào, chỉ cần nhìn qua cửa sổ. Bạn sẽ thấy những anh Mỹ mắt thao láo, tay xách va li bước trên đường phố. Và khi người Việt thấy thế, họ cũng thừa hiểu người Mỹ đang ra đi, họ bắt đầu chạy theo. Họ cũng muốn được rời khỏi xứ. Chúng tôi ra khỏi khách sạn, đến các địa điểm di tản được ấn định, nhưng chẳng có ma nào. Chúng tôi đợi một lát, quyết định đến địa điểm thứ hai. Cũng chẳng có ai. Rồi địa điểm thứ ba. Nơi này là một trường học, toà nhà đã khoá. Khi chúng tôi sắp rời nơi này để tới địa điểm thứ tư, tôi bảo: “Thấy chưa. Hiển nhiên mọi việc không được tổ chức chu đáo. Nhưng cứ đợi đây, có lẽ sẽ có xe buýt tới đón.” Tôi nói đúng. Có những ba chiếc xe buýt chạy đến. Nhưng tới lúc này, đã có đến gần 150 người tụ lại chờ xe. Tôi giúp người ta bước lên xe buýt một cách trật tự. Rồi họ lái đến phi trường. Tới cổng phi trường, bọn lính gác bắn chúng tôi. Chúng tôi vòng xe lại, chạy về thành phố. Lúc ấy mấy chiếc xe buýt đã lạc nhau chạy riêng rẽ cả.

Sau khi quay khỏi phi trường, tài xế chẳng biết phải làm gì. Anh ta mất bảy tiếng đồng hồ lòng vòng trên đường phố Sàigòn để tính xem có thể đi đâu, làm gì. Tài xế là một gã vô tích sự. Thoạt đầu, hắn không tìm ra chìa khoá. Hắn phải câu dây bình để nổ máy xe, máy chạy thì hắn lại để chết máy. Mỗi lần máy tắt, chúng tôi phải xuống câu dây, vậy mà, chắc bạn không tin nổi, hắn tự gọi mình là “Tổ sư lái xe.” Sau nữa, hắn cóc lái được xe buýt. Từ nhiều năm trước, chính phủ đã cho chặt hết cây trên một số đường ở Sàigòn để các xe nhà binh đi lọt. Bạn nghĩ là cha tài xế sẽ tìm mấy con đường rộng rãi mà chạy chăng? Cố nhiên không! Hắn tìm mấy con đường nhỏ, chật chội khít khịt nhất mà đi. Bạn hãy nhớ ở các ngã tư đường Sàigòn đều có đầy những quán ăn bé tí. Đó là những quán mì, gánh phở, với mấy cái nồi kê trên lửa, bên trên che bạt mà họ gọi đó là những tiệm ăn. Vâng, cứ mỗi lần cha tài xế quẹo qua một góc đường, hắn lại xô sập chừng ba cái tiệm ăn. Cứ thế suốt bảy tiếng đồng hồ!

Sau cùng, hắn quyết định đưa chúng tôi xuống dưới Cảng chờ trực thăng đến đón. Thế là hắn lái xe chạy tuột xuống dưới cảng, nơi đây đã có khoảng mười ngàn người đang cuồng loạn tranh nhau nhảy lên tàu. Có người hụt, lộn đầu xuống sông. Thấy cảnh tượng ấy, tôi bảo tài xế: “Bộ anh thả chúng tôi xuống đây mà đi sao? Anh bảo chúng tôi là trực thăng sẽ hạ xuống ngay đám đông người Việt này mà đón chúng tôi à? Và lại không có lính gác? Bộ anh nghĩ những Việt này sẽ ngồi yên nhìn chúng ta bỏ họ mà đi sao? Anh khùng quá rồi!”

Nhưng lúc ấy có nhiều người bước khỏi xe buýt. Tôi cảnh cáo đừng nên. Một cha Việt Nam bước ra với gia đình, anh ta không có căn cước hay bất cứ giấy tờ gì. Thế rồi chúng tôi cho xe chạy, anh ta không quay lại kịp. Tôi nhớ tôi đã nhìn qua cửa sổ lúc xe trở bánh chạy, anh ta đang vùng vẫy chen vào đám đông. Một tay xách va li, một tay dắt vợ, vợ anh lại kéo lê hai đứa nhỏ. Những người ở đấy dằng cái va li, chụp lấy cái đồng hồ của anh ta. Chúng tôi bỏ gia đình này lại. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhìn thấy vẻ kinh sợ trên mặt anh khi chiếc xe bỏ anh ta lại.

Cuối cùng, chúng tôi tới toà Đại sứ, leo tường vào. Đêm hôm ấy tôi đi bằng trực thăng từ nóc Toà Đại sứ. Trên đường bay ra, tôi có thể nhìn thấy lửa cháy chung quanh thành phố, tôi biết Bắc Việt đang trên đường tiến quân vào. Tôi không thấy một dấu hiệu nào về bọn chúng, nhưng toàn thể cảnh tượng này trông như không thực. Nhìn xuống thành phố, chúng tôi biết chúng tôi sẽ ra đi mãi mãi, tất cả những gì tôi nghĩ bấy giờ là: “Vậy mọi sự cũng đều dẫn đến bước này!”

Những ngày chót ở Sàigòn quả là những ngày đáng kể. Chẳng khác trận chiến Waterloo. Những ngày này là những ngày lịch sử quan trọng. Cho đến nay hiển nhiên người Mỹ vẫn chưa bình phục được sau vụ Việt Nam. Người Việt Nam vẫn chưa bình phục lại được tại Việt Nam. Người Cam Bốt, người Lào đều chưa bình phục khỏi cơn bịnh Việt Nam. Không có gì khác trong đời tôi có thể quan trọng hơn Việt Nam. Đó thực là một thảm kịch. Chúng ta đã gửi đến biết bao thanh niên lương hảo. Biết bao con người lương hảo. Để làm gì?

Bạn biết, khi tôi thoạt đi Việt Nam lần đầu vào mùa thu 1972, những người chỉ huy quân đội Mỹ bảo tôi: Có ánh sáng ở cuối đường hầm. Năm 1975 tôi lại nghĩ đến câu này. Quả thực có ánh sáng ở cuối đường hầm. Chính đó là lúc chúng ta bay ra khỏi xứ lần cuối cùng.

Một phần của tài liệu Nuoc_Mat_Truoc_Con_Mua (Trang 126 - 127)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)