(Hãng tin CBS) “Bọn Mỹ phản bội”
Khi Ban Mê Thuột thất thủ, cuộc triệt thoái cao nguyên bắt đầu, tôi đi với thông tín viên Peter Collins để thu hình “Đoàn xe nước mắt” từ Pleiku đổ xuống theo con lộ 7B. Cả một đoàn quân tương đương với ba sư đoàn rút khỏi cao nguyên mà không nổ một phát súng. Lúc ấy, một người bạn bên sở Tình báo điện thoại cho tôi, anh ta nói: “Này Mike, cậu biết cao nguyên mất rồi chứ?”. Tôi bảo “Hả, Đ.M. không!” Anh ta bảo: “Nghe đây, tôi có một chuyến bay” – đó là chiếc Air America hai động cơ – “Tôi sẽ cho bay lên trên ấy đón người của tôi trước khi họ bị bắt. Nếu cậu đi với bọn tôi, sẽ bảo đảm cho cậu một ghế trở về. Sẽ có một trực thăng của Trung ương Tình báo đưa cậu đến khu vực quay phim. Đang có hàng ngàn, hàng ngàn người tháo chạy. Tôi sẽ cho cậu một máy vô tuyến, bỏ cậu xuống khoảng trước đoàn xe. Cậu có thể đợi đoàn xe đến mà thu hình, sau đó tránh khỏi đoàn xe, ra phía ngoài đồng, dùng vô tuyến gọi trực thăng đến. Chúng tôi sẽ tới bốc cậu.”
Thế là chúng tôi đổ đến khoảng giữa vùng cao nguyên. Ở đúng vào một chỗ chẳng đâu ra đâu, đột nhiên vào một tầm xa mà mắt có thể trông thấy, bỗng xuất hiện hàng trăm ngàn con người khốn khổ, lính tráng, xe tăng, thiết vận xa, hướng lại phía chúng tôi. Tôi thu hình tất cả, rồi chúng tôi rời đi. Suốt thời gian ấy tôi không hề lo ngại gì đến việc rời khỏi Sàigòn, cho đến khi có một viên Đại úy Cảnh sát định bắn tôi. Lúc ấy có biến cố xảy ra tại dinh Tổng thống. Một chiếc máy bay liệng đến oanh kích, tạo nhiều lộn xộn trên các đường phố nên chúng tôi ra ngoài thu hình. Tôi thấy một viên Đại úy Cảnh sát đang bắn một chiếc xe taxi với khẩu súng 45. Chiếc taxi không chịu chạy, vì nó không thể chạy được, máy đã hỏng. Viên Đại úy nhắm bắn vào người trong xe. Người này sợ hãi thất thần. Tôi thu hình. Viên Đại úy thấy thế, quay họng súng chĩa vào tôi rồi thét lên: “Bọn Mỹ phản bội! Bọn Mỹ phản bội! Bọn Mỹ phản bội!” Tôi phản ứng lại: “Ê! Khoan chút chớ! Tôi là người Úc mà.” Tôi cố nghĩ ra một chuyện gì đánh lạc hướng làm cho hắn đừng bắn tôi. Nhưng hắn đã chạy đến, kê mũi súng chỉ cách đầu tôi một gang tay. Hắn lẫy cò. Không chuyện gì xảy ra. Hắn mở khoá nòng. Tôi có thể thấy nòng khoá khẩu 45 bị kẹt. Hắn bỏ ngón tay vào, kéo ra, nhưng hắn hoảng hốt, run rẩy, không kéo được. Hắn lẫy cò ba lần, nhắm đầu tôi. Cái máy quay phim của tôi lúc ấy không chạy. Đến nay tôi vẫn không rõ tại sao. Tôi không dám hướng cái máy quay phim vào hắn. Tôi không dám động đậy hay làm bất cứ cái gì bất thường để hắn nhận ra được là nếu hắn xoay cái vòng khoá, hắn có thể giết được tôi. Vì thế tôi nhìn trừng trừng vào mắt hắn, cứ giữ cái nhìn như thế. Sau lần thứ ba lẫy cò vẫn không có gì xảy ra, hắn quay ngược khẩu súng, cầm1ấy nòng, dộng báng súng lên đầu tôi.
Từ đó tôi quyết định sẽ không ở lại thành phố để thâu hình quân đội Bắc Việt và Việt Cộng khi chúng tiến vào. Trong lúc chạy thoát khỏi viên Đại úy Cảnh sát, tôi quyết định: “Không, không, không thể được. Thây kệ lũ Cộng sản. Mấy cha này là đồng minh mà còn định bắn mình, thì thôi đừng lởn vởn
đây là hơn.”
Tôi rời Sàigòn đêm 29 tháng Tư tại Văn phòng Tùy viên Quân sự ở Tân Sơn Nhứt. Tôi bay ra tàu Blue Ridge bằng chiếc trực thăng Jolly Green Giant (CH-53). Lúc ấy tôi cảm thấy buồn bã vô bờ. Tôi không hề sung sướng được thoát khỏi nơi này. Một mặt, tôi lại cảm thấy kiêu hãnh vì từ hai tháng trước, ngay cả trước khi mất Đà Nẵng, tôi đã tiên đoán xứ này sẽ sụp đổ. Bấy giờ, các bạn tôi cười cợt chế giễu. Họ bảo: “Làm sao thế được. Quân đội sẽ đánh chứ.” Tôi nói: “Này, các ông 1ầm.” Và bây giờ, tôi đang có cái cảm giác là: “Cục cứt, tôi đoán đúng! Thiệt đáng buồn.”
Khi rời Tân Sơn Nhứt, chiếc trực thăng bay khá thấp. Chúng tôi bay dọc sông Sàigòn một đoạn ngắn. Qua khỏi dòng sông, chúng tôi gặp vài chiến đấu cơ F-4 hộ tống cho mọi người bay ra. Tôi nhớ lúc ấy tôi nhìn xuống dòng sông. Chợt tôi nhận ra căn chung cư nơi tôi ở, căn phòng hãy còn đầy đủ mọi thứ sở hữu của tôi. Tôi nghĩ: “Chúa ơi, Đ.M. mấy thằng Đại tá Bắc Việt chắc sẽ chiếm hết các thứ ấy. Sáng mai bọn hắn sẽ diện rất kẻng với mấy bộ vét của tôi đây.” Đó là những ý nghĩ thực kỳ cục, vâng tôi biết thế.
Khi chiếc trực thăng bốc lên cao, tôi ở đàng sau với cái máy quay phim đang chạy. Một xạ thủ ở phía sau với tôi. Anh ta nhìn tôi, thấy nước mắt đang chảy xuống mặt tôi. Anh ta lại gần, quàng tay lên vai tôi mà vỗ vào lưng. Rồi anh ta quay đi, bắt đầu đốt hỏa châu ném ra phía sau trực thăng. Nếu có hỏa tiễn SAM bắn lên thì những hỏa châu với chất bạch hoàng, những hỏa châu có buộc dù sẽ hứng lấy các hoả tiễn ấy, vì các hoả tiễn tầm nhiệt sẽ đuổi theo hỏa châu, nó nóng hơn và sáng hơn động cơ trực thăng. Sau khi hết phim trong máy, tôi bỏ máy quay phim xuống, giúp người xạ thủ châm hỏa châu. Lúc ấy trực thăng đang bay qua vùng quê, hướng đến biển Nam Hải và đến hạm đội Hoa Kỳ.
Sáng hôm sau, trên tàu Blue Ridge tôi thấy vô số trực thăng Việt Nam bay tới, quần trên biển. Quá nhiều trực thăng, họ không thể hạ hết lên sàn tàu, nên cứ bay lởn vởn quanh chiếc tàu chẳng khác đàn ong. Khi hạ xuống họ nhảy ra, chiếc trực thăng được lật nhào xuống biển.
Tất cả các viên chức toà Đại sứ , cũng như các nhân viên Trung ương Tình báo và nhân viên Văn phòng Tùy viên Quân sự đều ở trên chiếc Blue Ridge. Họ lúng túng sỉ vả rằng chính là giới báo chí đã gây ra thất trận. Ngay lúc ấy, họ đã nói nước Mỹ thua trận vì chúng tôi. Viên trưởng nhiệm sở Trung ương Tình báo Thomas Polgar là kẻ nói ra mồm nhiều nhất. Ông ta không ưa bọn tôi. Tướng Kỳ cũng có mặt trên tàu Blue Ridge. Ông ta vẫn vênh váo. Vẻ tự mãn của ông ta làm bọn tôi phát bịnh. Ông ta là triệu triệu phú, một trong những người nhũng lạm nhất hạng. Cố nhiên, ông đã ra khỏi xứ với những người thân tín của ông ta.
Cách đây chẳng bao lâu tôi đã đến viếng thăm đài Chiến Sĩ Trận Vong cuộc chiến Việt Nam với 57,000 cái tên. Tôi rất buồn, bởi vì tôi nhận ra rằng chúng ta đã hy sinh biết bao nhân mạng một cách vô ích. Tôi kinh tởm chiến tranh. Tôi rất thù ghét chiến tranh.
Tôi nghĩ vào giai đoạn cuối ấy, những người làm tin truyền hình chúng tôi đã nói lên tất cả sự thực về Việt Nam. Những gì mà giới quân sự phản đối – tuy tôi không nói tất cả mọi người trong giới này – đó là chúng tôi đã trình bày cho khán giả chương trình CBS Tin Tức Buổi Chiều những nỗi kinh sợ có thực của chiến cuộc, trình bày sự vô ích của vấn đề Việt Nam. Người ta buộc tôi rằng có vài thông tín viên đã dàn cảnh một số hình ảnh. Tôi không biết chuyện ấy. Nhưng tôi biết rõ một chuyện. Đó là bất kể quan điểm người ta thế nào, nhưng người ta vẫn thấy thực tế là có các nạn nhân bị bom xăng đặc na- pan, có những thanh niên Mỹ đã chết trên tay đồng đội. Và những chuyện ấy có thực, chẳng ai dàn cảnh. Đó là thực tế cuộc chiến. Tôi nghĩ chúng tôi quả đã thay đổi nhãn quan người Mỹ về cuộc chiến. Nhung chúng tôi không làm công việc ấy một cách khinh suất và thâm hiểm. Chúng tôi làm công việc ấy, chỉ vì đấy chính là sự thực đã diễn ra.