Các tiền nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA TÍNH THANH KHOẢN ĐẾN TỶ SUẤT SINH LỜI CỔ PHIẾU CỦA CÁC CÔNG TY NIÊM YẾT TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM (Trang 30 - 33)

Nguyễn Anh Phong (2012) nghiên cứu đề tài “Tác động của thanh khoản đến suất sinh lời các cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” trong giai đoạn từ tháng 12/2007 – 12/2011 với dữ liệu của các công ty chứng khoán niêm yết trên hai sàn chứng khoán HOSE và HNX, kết hợp phương pháp phân chia danh mục theo nghiên cứu của Fama – French (1993) để phân loại thanh khoản cổ phiếu và chọn lọc mẫu khảo sát các cổ phiếu đã niêm yết từ 2 năm trở lên để đảm bảo tính quy chuẩn và thuận lợi tính toán chỉ số beta phù hợp. Ngoài ra tác giả sử dụng đồng thời 3 phương pháp đo lường thanh khoản khác nhau: tỷ lệ số lượng cổ phiếu giao dịch trên số lượng cổ phiếu lưu hành tương tự như nghiên cứu của Datar and Radcliffe (1998), tỷ lệ giá trị giao dịch bình quân trong tháng chia cho giá trị giao dịch bình quân của thị trường, giá trị giao dịch bình quân trong tháng của cổ phiếu. Kết quả nghiên cứu cho thấy đối với thước đo thanh khoản đầu tiên thì không tồn tại mối quan hệ giữa thanh khoản và lợi nhuận cổ phiếu, nhưng lại tồn tại tương quan dương giữa tỷ suất sinh lời cổ phiếu và tính thanh khoản được đo lường bởi hai phương pháp còn lại theo tỷ lệ lần lượt là 0,7943% và 0,005% khi thanh khoản thay đổi 1%. Tuy nhiên trong 2 trường hợp này khi thêm hệ số beta vào mô hình thì hệ số beta tương quan nghịch khá mờ nhạt và không ảnh hưởng đáng kể đến suất sinh lời cổ phiếu, điều này là bất hợp lý theo lý thuyết mô hình CAPM trong nghiên cứu của Fama and MacBeth (1973) và trái ngược hoàn toàn với các nghiên cứu trong nước cùng thời điểm khác như nghiên cứu của Võ Hồng Đức và Mai Duy Tân (2014), nhưng lại phù hợp với

kết quả nghiên cứu của Wang and Iorio (2007). Tác giả giải thích sự khác biệt này là một phát hiện mới về đặc tính của các thị trường chứng khoán mới nổi như thị trường Việt Nam, bên cạnh đó việc kết hợp dữ liệu của 2 sàn chứng khoán HOSE và HNX có thể gây ra nhiễu kết quả do sự khác biệt quá lớn về đặc tính rủi ro giữa 2 thị trường này. Một vài nguyên nhân khác như dữ liệu được thu thập trong tình hình thị trường chứng khoán thăng trầm và nhiều biến động, gây ra hiện tượng bong bóng thị trường khiến cho kết quả vẫn chưa thống nhất.

Võ Xuân Vinh (2016) nghiên cứu đề tài “Thanh khoản, biến động lợi nhuận và tỷ suất sinh lời cổ phiếu – Nghiên cứu trên thị trường chứng khoán Việt Nam” với dữ liệu cổ phiếu thu thập trên sàn chứng khoán HOSE giai đoạn 2006 – 2015, tác giả tính toán đưa ra 4 thước đo tính thanh khoản bao gồm: thứ nhất là khối lượng cổ phiếu giao dịch bình quân cổ phiếu trong năm, thứ hai là tỷ lệ khối lượng cổ phiếu giao dịch binh quân trên cho khối lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong năm, thứ ba là tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu trong năm trên cho khối lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong năm và cuối cùng là tính thiếu thanh khoản tính toán bằng tỷ lệ của giá trị tuyệt đối tỷ suất sinh lời cổ phiếu chia cho khối lượng giao dịch; và 3 thước đo biến động lợi nhuận cổ phiếu dựa trên những nghiên cứu trước đó, sử dụng phương pháp hồi quy OLS để phân tích kết quả nhận được, tác giả nhận thấy mối tương quan dương giữa thanh khoản và phần bù rủi ro thanh khoản đồng thời biến động lợi nhuận cổ phiếu có mối tương quan âm với tỷ suất sinh lời cổ phiếu.

Bùi Thị Lệ (2018) nghiên cứu “Rủi ro thanh khoản và định giá tài sản: Bằng chứng từ thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh” sử dụng dữ liệu cổ phiếu của các công ty chứng khoán trên sàn HOSE giai đoạn 1/2012 – 10/2016 (ngoài trừ các công ty thuộc lĩnh vực bảo hiểm và tài chính – ngân hàng), áp dụng phương pháp nghiên cứu của Amihud (2002) phân chia cổ phiếu thành 9 danh mục với số lượng cổ phiếu đều nhau ở mỗi danh mục và kiểm định giả thuyết trong điều kiện thị trường đang lên, thị trường đi xuống và điều kiện thị trường bình thường và lấy thước đo là tính kém thanh khoản ILIQ để đo lường thanh khoản của cổ phiếu. Kết quả nghiên

cứu cho thấy tính thanh khoản và phần bù rủi ro thanh khoản có mối tương quan âm, phù hợp với kết luận của phần lớn các nghiên cứu nước ngoài. Cụ thể trong điều kiện thị trường bình thường những danh mục có tính kém thanh khoản càng mạnh thì hệ số độ nhạy rủi ro thanh khoản càng lớn, hay nói cách khác những danh mục thanh khoản thấp và trung bình có phần bù rủi ro cao rõ rệt trong việc định giá của các nhà đầu tư mua vào và nắm giữ những cổ phiếu đó với mức ý nghĩa thống kê giao động từ 1 – 5%, trong khi đó những danh mục thanh khoản cao lại có hệ số độ nhạy rủi ro thanh khoản âm ở mức ý nghĩa 1% cho thấy tồn tại phần bù rủi ro thanh khoản cao rõ rệt cho những người bán ra trong việc định giá cổ phiếu trên thị trường. Tương tự trong điều kiện thị trường đi lên và thị trường đi xuống, có sự khác biệt rõ rệt về hệ số độ nhạy rủi ro thanh khoản �� đối với nhóm danh mục có ILIQ lớn nhất (�� mang dấu dương) và nhóm danh mục có ILIQ thấp nhất có phần bù rủi ro thấp nhất (�� mang dấu âm). Kết quả của nghiên cứu ủng hộ các nghiên cứu trước đó của Lam and Tam (2011) và phù hợp với lý thuyết rủi ro thanh khoản mà Amihud and Mendelson (1986) đề cập: các nhà đầu tư yêu cầu một tỷ suất lợi nhuận cao hơn khi nắm giữ những tài sản có tính thanh khoản kém như một phần bù rủi ro cho việc đầu tư vào tài sản đó.

Võ Hoàng Oanh (2013) chỉ ra rằng tính thanh khoản ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lợi chứng khoán và tồn tại mối tương quan dương giữa tỷ suất sinh lợi và tính không thanh khoản. Tác giả đã thực hiện việc kiểm tra mức độ cải thiện trong khả năng giải thích biến động tỷ suất sinh lợi chứng khoán khi thêm nhân tố thanh khoản vào mô hình 3 nhân tố đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, cụ thể là sàn HoSE. Mô hình 4 nhân tố (3 nhân tố Fama-French bổ sung thanh khoản) làm tăng khả năng giải thích cho mô hình 3 nhân tố ban đầu. Nhân tố thanh khoản tác động có ý nghĩa lên tỷ suất sinh lợi danh mục. Tác giả tìm thấy tỷ suất sinh lợi chứng khoán có tương quan ngược chiều với tính không thanh khoản. Nhưng do hạn chế về mặt số liệu đối với thị trường Việt Nam, kết quả của tác giả vẫn chưa rõ ràng trong việc so sánh mô hình 4 nhân tố vừa tìm được và mô hình CAPM hoặc 3-moment CAPM. Có thể thấy rằng

vẫn chưa có sự thống nhất rõ ràng về mối quan hệ giữa thanh khoản và tỷ suất sinh lời cổ phiếu, điều này cho thấy có một sự khác biệt giữa những thị trường chứng khoán mới nổi như khu vực Châu Á so với những thị trường chứng khoán đã phát triển bền vững như Châu Mỹ và Châu Âu. Và điều này càng thôi thúc các học giả tìm ra bằng chứng xác thực để củng cố lập luận của mình cũng như khám phá ra những đặc tính riêng biệt hay quy luật hoạt động của mỗi thị trường chứng khoán.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA TÍNH THANH KHOẢN ĐẾN TỶ SUẤT SINH LỜI CỔ PHIẾU CỦA CÁC CÔNG TY NIÊM YẾT TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(76 trang)
w