CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN
1.2. POLYPHENOL
1.2.3. Tình hình nghiên cứu sản xuất chế phẩm polyphenol
* Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài
Hợp chất polyphenol và tác dụng của polyphenol đã được nghiên cứu nhiều. Hung-Chi và cộng sự (2007) “Nghiên cứu hoạt tính chống oxy hóa và hàm lượng polyphenol trong 6 loại cây dương xỉ” [41], Anca-Roxana và cộng sự (2011) “Chuyển đổi một số polyphenol từ sinh khối của một số loài nấm men” [42], Jin và cộng sự (2010) “Phenolics thực vật: tách chiết, phân tích hoạt tính chống oxy hóa và chống ung thư” [43], Aneta và cộng sự (2007) “Nghiên cứu hoạt tính chống oxy hóa và các hợp chất phenolic trong 32 loại thảo mộc” [44], Fernando và cộng sự (2013) “Nghiên cứu Lợi ích của polyphenol trên hệ vi sinh vật đường ruột và ảnh hưởng sức khỏe con người” [28].
Polyphenol được chiết xuất thành các dạng khác nhau như: cao chiết, dung dịch… được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm đồ uống, làm chế phẩm bổ sung vào các loại thực phẩm chức năng. Polyphenol được sản xuất nhiều ở các nước Mỹ, Nhật và đặc biệt là ở Trung Quốc với quy cách và chỉ tiêu khác nhau tùy thuộc vào nhà sản xuất.
Trên thị trường thế giới có nhiều loại chế phẩm polyphenol chiết xuất từ trà xanh và một số loại nguyên liệu khác với độ tinh khiết 60 – 98 % tùy thuộc vào trình độ công nghệ và thiết bị áp dụng. Ở Mỹ các loại sản phẩm polyphenol phổ biến ở dạng con nhộng [45].
Hình 1.3. Một số sản phẩm chứa polyphenol của nước ngoài
* Tình hình nghiên cứu trong nước
Polyphenols ở thực vật trên cạn như: trà xanh, lá tràm…cũng như thực vật biển (rong biển) đã được nghiên cứu nhiều ở Việt Nam. Năm 2011, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đã “Nghiên cứu chiết tách và xác định thành phần hóa hóa học của hợp chất polyphenol nhóm Tannin từ vỏ keo lá tràm”. Viện công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm có nhiều nghiên cứu polyphenol từ lá chè như: TS. Vũ Hồng Sơn và Hà Duyên Tư của Viện công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm thực hiện một số nghiên cứu về polyphenol như: “Khảo sát hàm lượng polyphenol trong một số giống chè vùng trung du và miền núi các tỉnh phía Bắc thu hái vào vụ đông” (2008), “Nghiên cứu quá trình trích ly polyphenol từ chè xanh vụn” (2009) [46].
Từ năm 2009 đến nay Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang đã nghiên cứu và công bố khoảng 50 bài, 2 cuốn sách chuyên khảo và 2
patent về hàm lượng và hoạt tính sinh học của polyphenol có nguồn gốc từ thực vật Việt Nam. Năm 2012, ThS. Đặng Xuân Cường đã thực hiện đề tài độc lập cấp tỉnh Khánh Hòa “Xây dựng quy trình chiết xuất, sản xuất đồ uống giàu polyphenol, chlorophyll từ cây ngô” [7]. Hiện nay, trên thị trường có một số sản phẩm chứa polyphenol [45] như sau:
Hình 1.4. Một số sản phẩm chứa polyphenol trong nước