1.2. 1 Mô hình của kinh tế chính trị học tiểu tư sản
Sismondi là đại diện tiêu biểu của kinh tế chính trị học tiểu tư sản. Đóng góp quan trọng của ông là phân tích khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Ông cho rằng trong chủ nghĩa tư bản tất yếu có khủng hoảng kinh tế, nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế là do sản xuất vượt quá so với tiêu dùng.
- Giai cấp tư sản luôn muốn đạt lợi nhuận tối đa nên cũng tiết kiệm tiêu dùng và tăng mạnh đầu tư nhằm mở rộng sản xuất do đó sản xuất phát triển nhanh chóng. - Giai cấp vô sản thì bị bần cùng hoá, tiền lương thấp nên không thể tăng tiêu dùng được.
- Giai cấp tiểu tư sản thì đang bị sản xuất lớn chèn ép dẫn tới phá sản và phân hoá nên tiêu dùng cũng hạn chế.
Do đó, sản xuất vượt xa so với tiêu dùng dẫn tới khủng hoảng thừa.
Để khắc phục khủng hoảng, ông cho rằng trước mắt cần tăng tiêu dùng và có thể thông qua ngoại thương để xuất khẩu lượng hàng hoá dư thừa. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải phát triển mạnh sản xuất nhỏ. Ông phủ nhận sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa và cho rằng nếu chỉ có sản xuất nhỏ thì tất cả mọi người đều có tư liệu sản xuất và đều có việc làm, mọi người đều công bằng và bình đẳng, sẽ không có khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp.
Quan điểm của Sismondi mang nặng lập trường có tính hai mặt của tầng lớp tiểu tư sản. Ông vừa muốn xoá bỏ nền sản xuất tư bản chủ nghĩa nhưng lại vẫn giữ lại sở hữu tư nhân. Muốn xoá bỏ sản xuất lớn để đưa nó về sản xuất nhỏ là tư tưởng mang tính phản động vì nó đi ngược lại với quy luật phát triển mang tính tất yếu khách quan. Nhưng tư tưởng phát triển sản xuất nhỏ làm cho mọi người đều có việc làm, đều bình đẳng cũng là gợi ý cho giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn nước ta hiện nay. Đó là đầu tư phát triển mạnh kinh tế hộ nông dân, tạo việc làm tại chỗ, xoá đói giảm nghèo, tạo cơ sở cho phát triển toàn diện kinh tế xã hội nông thôn.