Sự quản lý, điều hành của Chính phủ, các cấp các ngành đến hoạt động cho vay NHTM là vô cùng cần thiết. Chính Phủ cần hỗ trợ mạnh mẽ về những quy định pháp luật giúp NHTM nói chung trong đó có SHB mở rộng được kinh doanh, tăng trưởng bền vững và làm lành mạnh thị trường tài chính, bảo đảm nền kinh tế ổn định, sớm nâng cao năng lực so với kinh tế thế giới. Luận văn kiến nghị một số nội dung sau:
3.3.1.1. Thiết lập và cải thiện môi trường pháp lý, bảo đảm tín dụng an toàn. Hiện nay, ban hành quá nhiều các văn bản quy phạm pháp luật giúp Nhà nước có thể kiểm soát thị trường chặt chẽ hơn nhưng đồng thời lại gây ra hậu quả khiến nhiều thành phần kinh tế gặp khó khăn trong việc thực hiện một cách chính xác và đầy đủ. Các quy trình thủ tục còn phức tạp đôi khi quá mức cần thiết gây cản trở hoạt động của cả tổ chức tài chính và phi tài chính. Hơn nữa, đôi khi việc ban hàn văn bản chỉ diễn ra sau khi những diễn biến tác động xấu đối với nền kinh tế vì vậy nó vẫn chưa mang tính xác thực và kịp thời. Vì thế, Nhà nước cần thường xuyên rà soát đối với các quy định, văn bản được ban hành, kết hợp với khảo sát thực trạng nhằm đánh giá tính cấp thiết, phù hợp của những văn bản đó, đồng thời có phương án chỉnh sửa, thay thế, bổ sung kịp thời.
3.3.1.2. Xây dựng, củng cố và có chính sách hỗ trợ phát triển thị trường chứng khoán, thị trường mua bán nợ.
Theo thông lệ, nguồn vốn của nền kinh tế được chia làm hai nguồn: vốn ngắn hạn được cung cấp chủ yếu từ các ngân hàng, vốn trung - dài hạn sẽ được lấy từ thị trường chứng khoán, như vậy góp phần giảm chi phí đầu vào, giảm gánh nặng cho ngành ngân hàng và cả doanh nghiệp.
Thời gian qua, thị trường trái phiếu tại Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh, đạt được kết quả đáng khích lệ cả về quy mô và tính thanh khoản, đóng góp hiệu quả vào việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên,
so với yêu cầu của doanh nghiệp về vốn thì cần thêm nhiều giải pháp để thị trường này trở thành nguồn cung vốn ổn định, “truyền máu” tới doanh nghiệp, nhất là Doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính phủ cần hoàn chỉnh cơ chế, chính sách liên quan tới phát triển thị trường trái phiếu trong mối liên kết với thị trường tiền tệ. Đồng thời cũng xem xét, sửa đổi các điều kiện trong Luật chứng khoán về điều kiện và quy trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, khả năng gắn xếp hạng tín nhiệm với phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phạm vi phát hành, giao dịch phát hành riêng lẻ.
Muốn dứt điểm giải quyết được nợ xấu, nợ quá hạn của hệ thống các NHTM, Chính phủ cần đẩy nhanh, thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ nhanh hơn nữa. Mặc dù đã có những nền tảng thị trường được hình thành nhưng đến nay mới chỉ có bảy TCTD thực hiện mua bán nợ với VAMC theo giá thị trường, đây là một con số khá khiêm tốn nếu so với quy mô nợ xấu toàn thị trường. Thực tế cho thấy, thị trường mua bán nợ tại Việt Nam còn nhiều hạn chế bởi các nguyên nhân như:
- Thị trường mua bán nợ xấu còn lạc hậu và thiếu tính cạnh tranh, số lượng chủ thể tham gia còn ít
- Năng lực tài chính những chủ thể tham gia vào các giao dịch tại thị trường vẫn còn ở mức yếu
- Thông tin đối với hàng hóa nợ xấu trên thị trường còn chưa minh bạch, có nhiều ý kiến không đồng nhất.
- Phương thức mua bán đơn giản, không đa dạng - Thiếu các nhà môi giới chuyên nghiệp
- Thiếu một cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất, minh bạch và đầy đủ thông tin
- Thiếu một tổ chức có vai trò đứng ra tạo lập thị trường mua bán nợ xấu Chính phủ nên giao nhiệm vụ cho VAMC như một đơn vị dẫn dắt, tạo lập thị trường, VAMC rất phù hợp với vai trò trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam. Cũng cần củng cố và tăng cường các hoạt động nghiệp vụ của VAMC như định giá khoản nợ, phân tích, quản lý nợ xấu và/hoặc TSBĐ của món nợ đó, góp phần đẩy nhanh và tăng hiệu quả giải quyết nợ.
3.3.1.3. Tăng cường công tác giám sát tài chính.
Trong tình hình kinh tế hội nhập, mở cửa sâu rộng như hiện nay, bên cạnh đó tăng trưởng thế giới tăng trưởng chững lại do ảnh hưởng của cạnh tranh thương mại chiến lược Mỹ - Trung, kinh tế trong nước còn nhiều điểm yếu, dễ bị tổn thương, Chính phủ cần chủ động giám sát tài chính vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính. Kiểm soát sát sao các luồng vốn trên thị trường, đặc biệt là sự luân chuyển của các luồng vốn ngắn hạn. Tăng cường, khuyến khích và mở rộng các hình thức công khai tài chính. Hình thành nên một vùng đệm an toàn tài chính - tiền tệ quốc gia nhằm đảm bảo vững chắc kinh tế vĩ mô.
Thiết lập hệ thống từ xa giám sát, các bộ phận phụ trách nhằm phân tích chính xác tình hình, nhận biết xu hướng phát triển, cảnh báo các nguy cơ dẫn đến mất an ninh tiền tệ và có những giải pháp ngăn chặn, ổn định tình hình.