1.1.5.1. Đối với bên thụ hưởng
BL ngân hàng là một hình thức hạn chế được rủi ro, giảm thiểu những thiệt hại do vi phạm hợp đồng gây ra cho người thụ hưởng bảo lãnh. Thông thường, khi mới tham gia giao dịch thì mức độ tin tưởng lẫn nhau giữa các bên còn thấp. Hơn nữa, không có sự an toàn nào là tuyệt đối bởi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Khi có bảo lãnh ngân hàng, cho dù trường hợp xấu xảy ra thì bên thụ hưởng cũng có thể nhận được thanh toán từ phía ngân hàng. Khi đó, rủi ro chuyển từ bên thụ hưởng sang ngân hàng.
Nhờ có bảo lãnh, các hợp đồng kinh tế được ký kết thuận lợi, suôn sẻ, nhanh chóng, bên thụ hưởng thường tiết kiệm được chi phí quản lý giấy tờ có giá, quyền sở hữu tài sản để đảm bảo các nghĩa vụ, ràng buộc trách nhiệm tài chính của bên được BL. Cách tiếp cận nguồn vốn với chi phí rẻ và mang lại nhiều hiệu quả cho người được bảo lãnh.
1.1.5.2. Đối với bên được bảo lãnh
Nhờ có DVBL, bên được bảo lãnh có thể dễ dàng và nhanh chóng ký kết các hợp đồng hơn, nhất là trong quan hệ với các đối tác mới. Thông qua bảo lãnh ngân hàng, bên được bảo lãnh có thể chiếm dụng được vốn từ bên thụ hưởng bảo lãnh như bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thanh toán; hay tránh ứ đọng vốn từ việc ký quỹ, đặt cọc, bị giữ lại một phần vốn bởi bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh bảo hành...Từ đó, bên được bảo lãnh có thêm vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khi được ngân hàng phát hành bảo lãnh, tức bên được bảo lãnh cũng đã có uy tín và năng lực nhất định. Từ đó, bên được bảo lãnh cũng phần nào chứng tỏ và khẳng định được uy tín với các đối tác.
Mặt khác, khi ngân hàng phát hành BL cho bên được bảo lãnh, ngân hàng sẽ theo dõi sát sao tiến độ thực hiện hợp đồng, theo dõi việc sử dụng tiền của bên được bảo lãnh, cảnh báo những rủi ro trong khi thực hiện hợp đồng, các vi phạm có thể phát sinh,... Trong trường hợp vi phạm thỏa thuận, bên được BL phải nhận nợ với ngân hàng dẫn đến chi phí tài chính sẽ tăng lên do lãi suất áp dụng đối với khoản bảo lãnh cao hơn với khoản vay thông thường. Dưới áp lực tài chính đó, bên được BL sẽ phải nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.
1.1.5.3. Đối với ngân hàng bảo lãnh
Bảo lãnh là một loại sản phẩm dịch vụ của ngân hàng cung ứng cho nền kinh tế, sự ra đời của nó làm đa dạng thêm các sản phẩm của ngân hàng từ đó góp phần hoàn thiện sự đồng bộ trong gói sản phẩm dịch vụ của ngân hàng tạo ra tiện ích lớn nhất cho khách hàng.
So với hoạt động cho vay, hình thức bảo lãnh có chi phí thấp hơn nhưng mang lại thu nhập đáng kể cho ngân hàng. Hơn thế nữa trong trường hợp Ngân hàng thỏa thuận được với khách hàng việc ký quỹ trên tài khoản tiền gửi để bảo đảm cho nghĩa vụ được bảo lãnh thì bản thân ngân hàng đã huy động được nguồn vốn giá rẻ cho hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Trên cơ sở các mối quan hệ bảo lãnh, ngân hàng có thể tăng cường thêm các mối quan hệ khác đối với khách hàng từ đó tiếp thị, phát triển thêm những khách
hàng tiềm năng. Thông qua DVBL sẽ giúp củng cố, mở rộng quan hệ với các đối tác trong và ngoài nước, giúp ngân hàng nâng cao uy tín, vị thế và vươn tầm quốc tế.
1.1.5.4. Đối với nền kinh tế
Bản thân bảo lãnh là công cụ hỗ trợ, thúc đẩy cho các giao dịch kinh tế, là cơ sở đảm bảo cho sự tin tưởng lẫn nhau giữa người được bảo lãnh và người nhận bảo lãnh. Sự tin tưởng giữa các bên là một yếu tố quan trọng để hình thành các mối quan hệ lâu dài, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Sự xuất hiện của hoạt động bảo lãnh trong nền kinh tế làm giảm bớt tính rủi ro trong các mối quan hệ kinh tế. Đó là hình thức tín dụng nhằm san sẻ rủi ro cho các đối tượng tham gia đồng thời đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.
Khi được các ngân hàng có uy tín bảo đảm, các bên được bảo lãnh có thể thực hiện các hoạt động vay vốn trong nước cũng như ở nước ngoài một cách thuận lợi hơn. Điều này giúp cho nền kinh tế có thêm một lượng vốn cho hoạt động đầu tư phát triển, đổi mới công nghệ...