Lý thuyết về mối quan hệ giữa cấu trúc sở hữu, khả năng sinh lời và rủi ro

Một phần của tài liệu Tác động của cấu trúc sở hữu đến khả năng sinh lời và rủi ro của ngân hàng thương mại Việt Nam. (Trang 29 - 33)

7. Kết cấu luận án

1.2. Lý thuyết về mối quan hệ giữa cấu trúc sở hữu, khả năng sinh lời và rủi ro

1.2.1. Các lý thuyết về mối quan hệ giữa cấu trúc sở hữu và khả năng sinh lời

Các nghiên cứu về tác động của cấu trúc sở hữu lên kết quả kinh doanh dựa trên các lý thuyết nền tảng sau: Lý thuyết chi phí đại diện, lý thuyết lựa chọn công cộng và lý thuyết về quyền sở hữu.

1.2.1.1. Lý thuyết chi phí đại diện (Agency Cost Theory)

Chi phí đại diện là chi phí phát sinh khi xảy ra sự thiếu đồng thuận giữa mục đích của người quản lý với mục đích của người sở hữu công ty. Hay nói cách khác, khi có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý sẽ dẫn đến xung đột lợi ích giữa người chủ sở hữu và người quản lý. Người quản lý không phải lúc nào cũng hành động để tối đa hóa lợi ích của cổ đông. Lý thuyết chi phí đại diện dựa trên giả định rằng hành vi của con người là cá nhân và tư lợi. Do vậy, để giải quyết mâu thuẫn về lợi ích giữa chủ sở hữu và người quản lý, lý thuyết này cho rằng cần có cơ chế để giảm xung đột lợi ích giữa 2 nhóm chủ thể này. Chi phí đại diện là một trong các chủ đề thuộc quản trị công ty và được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.

Một trong những nghiên cứu sớm nhất về chi phí đại diện là nghiên cứu của Jensen và Meckling (1976). Trong nghiên cứu này, chi phí đại diện được định nghĩa là tổng các chi phí: chi phí kiểm soát (monitoring cost), chi phí ràng buộc (bonding cost), tổn thất lợi ích (residual loss).

Trong đó chi phí kiểm soát là chi phí được trả cho các kiểm soát viên nhằm cảnh báo cho các cổ đông khi các nhà quản lý trục lợi cho bản thân. Chi phí ràng buộc là chi phí nhằm ngăn ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra từ những hành động thiếu trung thực của các nhà quản trị. Tổn thất lợi ích (chi phí do mất mát phụ trội) là những tổn thất xảy ra do sự khác biệt giữa những quyết định trên thực tế của các nhà quản trị và những quyết định nhằm tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông.

Một nghiên cứu lý thuyết khác về chi phí đại diện và cấu trúc sở hữu được thực hiện bởi Fama và Jensen (1983). Nghiên cứu này kết luận rằng trong một công ty có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và kiểm soát, hay nói cách khác, người sở hữu thực sự của công ty không tham gia vào việc quản lý công ty, chi phí đại diện sẽ xuất hiện vì tình trạng thông tin bất đối xứng giữa nhà quản lý và các cổ đông. Nhà quản lý có nhiều thông tin hơn về tình hình công ty và họ sẽ dùng quyền quản trị để trục lợi cho bản thân họ. Ngoài ra, có nhiều nghiên cứu thực nghiệm tìm hiểu về ảnh hưởng của mức độ sở hữu của các nhà đầu tư tổ chức đến chi phí đại diện. Brickley, Lease và Smith (1998); Agrawal và Mandelker (1990) cho rằng do đặc tính riêng có so với các cổ đông là cá nhân, các nhà đầu tư tổ chức hoàn toàn có đủ khả năng và động lực để đóng vai trò như những kiểm soát viên trong công ty, do đó có thể làm giảm chi phí đại diện. Liên quan đến mối quan hệ giữa sở hữu nhà nước và chi phí đại diện, Mak và Li (2001) cho rằng chính phủ thường có xu hướng kém chủ động trong việc kiểm soát khoản đầu tư của mình, đồng thời do việc huy động vốn dễ dàng hơn, dẫn đến hiện tượng các công ty có vốn đầu tư của nhà nước có cơ chế quản trị công ty kém hơn, hay nói cách khác sẽ làm tăng chi phí đại diện. Tuy nhiên, Dieter Bos (1991) lại cho rằng trong các công ty mà chính phủ sở hữu phần lớn vốn cổ phần, chính phủ lại có động cơ để kiểm soát công ty một cách chặt chẽ và hiệu quả, do đó có thể làm giảm chi phí đại diện và nâng cao khả năng sinh lời cho công ty. Tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài cũng có những ảnh hưởng nhất định đến chi phí đại diện của công ty. Xu, Zhu và Lin (2005) chỉ ra rằng đối với những công ty ở Trung Quốc, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài càng cao thì công ty được kiểm soát tốt hơn, dẫn đến hiệu quả hoạt động của công ty cao hơn và giảm bớt chi phí đại diện. Những nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra có mối quan hệ giữa chi phí đại diện với cấu trúc sở hữu trong công ty. Ang, Cole và Lin (2000) đã thực

hiện nghiên cứu trên những công ty chưa niêm yết tại Mỹ và kết luận rằng chi phí đại diện tăng lên đáng kể ở những công ty được quản lý bởi một giám đốc không phải là cổ đông của công ty. Ngoài ra, chi phí đại diện và số lượng cổ phần của nhà quản lý công ty có mối quan hệ nghịch biến với nhau. Chi phí đại diện tăng lên cùng với sự gia tăng số lượng các cổ đông không nằm trong bộ phận quản lý công ty. Bên cạnh mối quan hệ với cấu trúc sở hữu, chi phí đại diện còn có sự tương quan với các yếu tố khác của công ty.

Như vậy, thông qua việc tìm hiểu các nghiên cứu lý thuyết cũng như thực nghiệm trước đây, có thể thấy tồn tại mối tương quan giữa chi phí đại diện với cấu trúc sở hữu trong công ty ở nhiều quốc gia khác nhau. Trong đó, nổi bật lên vai trò giải thích của tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà quản lý công ty, cũng như vai trò của các nhà đầu tư tổ chức, các nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ trong việc kiểm soát hoạt động của công ty.

1.2.1.2. Lý thuyết lựa chọn công cộng (Public Choice Theory)

Lựa chọn công cộng là một quá trình mà trong đó ý muốn của các cá nhân được kết hợp trong một quyết định tập thể. Lý thuyết lựa chọn công cộng cho rằng các doanh nghiệp tư nhân có hiệu quả hoạt động tốt hơn so với doanh nghiệp nhà nước dưới quan điểm của các chức năng chính phủ. Theo lý thuyết này, do sự hoàn hảo không tồn tại trong môi trường chính trị, rất khó để các quan chức chính phủ hành động theo lợi ích của các thành viên xã hội. Trong môi trường chính trị không hiệu quả, các quan chức chính phủ và các nhà lập pháp có xu hướng tìm cách tối đa hóa lợi ích của chính họ.

Các nhà quản lý trong doanh nghiệp nhà nước thường tập trung nhiều hơn vào việc làm thế nào để tối đa hóa sức mạnh và uy tín của họ trong khi các quan chức chính phủ quan tâm nhiều đến các mục tiêu chính trị hơn là hiệu quả kinh tế. Có nhiều nghiên cứu thực nghiệm về tác động của hành vi chính phủ đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chẳng hạn như nghiên cứu của Sappington và Stiglitz (1987), Shapiro và Willig (1990) Shleifer và Vishny (1994); Boycko, Shleifer và Vishny (1996),… Boardman và Vining (1993) nhận thấy rằng ở các nước phát triển, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước được cải thiện đáng kể sau khi tư nhân hoá, do đó, họ tin rằng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước không

tốt như ở các doanh nghiệp tư nhân.

Shapiro và Willig (1990) tin rằng các nhà quản lý trong công ty có sở hữu nhà nước có thể theo đuổi cả phúc lợi xã hội và lợi ích cá nhân hoặc bất kỳ mục tiêu nào ở giữa hai mục tiêu nói trên khi môi trường chính trị là không hoàn hảo. Môi trường chính trị càng không hoàn hảo, thì nhân viên nhà nước càng có nhiều khả năng theo đuổi lợi ích cá nhân. Boycko, Shleifer và Vishny (1996) cũng nhận thấy hành vi của chính phủ (theo đuổi phúc lợi xã hội và lợi ích cá nhân) thường xảy ra ở các doanh nghiệp nhà nước. Các cán bộ chính phủ có quyền kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước có thể thu được nhiều lợi ích hơn là thực hiện các nhiệm vụ theo mục tiêu của chính phủ. Sappington và Stiglitz (1987) và Shapiro và Willig (1990) cũng tin rằng các hình thức sở hữu khác nhau của doanh nghiệp (thuộc sở hữu nhà nước hoặc tư nhân) sẽ ảnh hưởng đến chi phí giao dịch do sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động của các doanh nghiệp. Trên thực tế, các doanh nghiệp nhà nước tăng chi phí khi chính phủ can thiệp.

Tóm lại, lý thuyết lựa chọn công nghiên cứu về hành vi của các quyết định đến từ các chính trị gia dựa trên các giả thuyết về tính tư lợi, tối đa hóa thỏa dụng. Từ đó đưa ra nhận định mục đích của các chính trị gia không hẳn là tối đa hóa lợi nhuận, mà là tối đa hóa thỏa dụng, lợi ích chính trị, khiến cho sở hữu nhà nước hoạt động kém hiệu quả hơn sở hữu tư nhân

1.2.1.3. Lý thuyết quyền sở hữu (Theory of Property Rights)

Lý thuyết quyền sở hữu được phát triển từ lý thuyết chi phí đại diện. Lý thuyết quyền sở hữu tin rằng xã hội không có quyền sở hữu là một xã hội có hiệu quả kinh tế rất thấp và phân bổ nguồn lực là không hợp lý. Để đảm bảo hiệu quả kinh tế, quyền sở hữu phải có các đặc điểm sau: rõ ràng, bản chất độc quyền, có khả năng giao dịch và có khả năng hoạt động.

Hầu hết các doanh nghiệp dù thuộc sở hữu nhà nước hay khu vực tư đều thực hiện cơ cấu quản trị tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý. Những người chủ sở hữu doanh nghiệp hiếm khi kiểm soát các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp trong khi đó người quản lý phụ trách hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Sự phân chia này cho phép cả chủ sở hữu và người quản lý phát huy lợi thế chuyên môn hóa của họ (Fama và Jensen,1983), nhưng việc tách biệt quyền sở hữu

và quyền quản lý đã tạo ra vấn đề "mối quan hệ đại diện". Điều đó có nghĩa là vì mục tiêu của người quản lý và chủ sở hữu thường không nhất quán, người quản lý có thể hy sinh lợi ích của chủ sở hữu để theo đuổi lợi ích cá nhân (Jensen và Meckling, 1976; Shleifer và Vishny, 1994). Việc giải quyết vấn đề “mối quan hệ đại diện" này phụ thuộc vào việc giám sát các nhà quản lý có hiệu quả hay không.

Mặc dù lý thuyết quyền sở hữu tin rằng cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc khu vực tư đều phải đối mặt với vấn đề các nhà quản lý theo đuổi lợi ích cá nhân chứ không phải là lợi ích của chủ sở hữu là do sự chia tách quyền sở hữu và quản lý, nhưng các doanh nghiệp thuộc khu vực tư hoạt động hiệu quả hơn các doanh nghiệp nhà nước khi giải quyết vấn đề "mối quan hệ đại diện". Bởi vì doanh nghiệp thuộc khu vực tư có lợi thế về sở hữu tài sản nên sẽ hoạt động tốt hơn so với các doanh nghiệp nhà nước.

Nghiên cứu của Alchian (1965) chỉ ra rằng sở hữu trong các doanh nghiệp thuộc khu vực tư tập trung hơn các doanh nghiệp nhà nước và quyền sở hữu trong các doanh nghiệp này có thể được chuyển giao hay từ bỏ. Trong doanh nghiệp nhà nước, chủ sở hữu thường rất phân tán và thường được xác định một cách mơ hồ. Nghiên cứu này cho thấy trong doanh nghiệp nhà nước, các chủ sở hữu giám sát hoạt động của các nhà quản trị kém hơn các doanh nghiệp thuộc khu vực tư.

Như vậy, lý thuyết về quyền sở hữu nhấn mạnh tầm quan trọng của sở hữu như là một nhân tố trong việc xác định kết quả kinh doanh, theo đó tại các doanh nghiệp nhà nước, đa phần các nhà quản lý theo đuổi mục tiêu chính trị thay vì tối đa hóa lợi nhuận. Điều này khiến cho hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp nhà nước kém hơn các doanh nghiệp tư nhân.

Tóm lại các lý thuyết này đều cho thấy có mối quan hệ giữa cấu trúc sở hữu và hiệu quả hoạt động của công ty. Trong đó đáng lưu ý là cả 3 lý thuyết trên đều nhấn mạnh hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp có sở hữu nhà nước thấp hơn các doanh nghiệp thuộc khu vực tư.

Một phần của tài liệu Tác động của cấu trúc sở hữu đến khả năng sinh lời và rủi ro của ngân hàng thương mại Việt Nam. (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(196 trang)
w