3. Ý nghĩa của đề tài
1.3.1. Tình hình nghiên cứu trong nước
Khối lượng trứng còn phụ thuộc vào tuổi của gà, chế độ dinh dưỡng và điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng (Phùng Đức Tiến và cs., 2010). Nguyễn Chí Thành và cs. (2007) cho biết khối lượng cơ thể gà mái ở 20 tuần tuổi và năng suất trứng (quả/mái/năm) của gà Hồ, gà Đông Tảo, gà Mía lần lượt là: 1886,4g/con và 51,27 quả, 1860,37g/con và 67,09 quả, 1647,33g/con và 96,2 quả. Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng của gà Mía là tăng dần, 1 tuần tuổi và 20 tuần tuổi tương ứng là 0,50 và 6,32 kg TĂ/kg tăng trọng; Từ 1-8 tuần tuổi, gà Mía có mức tiêu tốn thức ăn thấp nhất, tiếp đến là gà Hồ và cao nhất là gà Đông Tảo; Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối, gà Mía lại có mức tiêu tốn thức ăn cao hơn 2 giống kia. Trung bình toàn bộ giai đoạn sinh trưởng từ 1 - 20 tuần tuổi, gà Hồ có mức tiêu tốn thức ăn thấp nhất (3,72kg), tiếp đó là gà Đông Tảo (4,14kg) và cao nhất là gà Mía (6,32kg).
Nguyễn Văn Duy và cs. (2020) nghiên cứu trên gà mái Đông Tảo (Đông Tảo) và gà mái lai F1(ĐT×LP) cho biết: Năng suất sinh sản của gà mái F1(ĐT×LP) là tốt hơn so với gà mái ĐT với tỉ lệ đẻ bình quân trong 38 tuần đẻ của gà mái F1(ĐT×LP) là 40,29% và của gà mái ĐT là 22,31%. Sản lượng trứng trong 38 tuần đẻ của gà F1(ĐT×LP) là 107,18 quả và của gà mái ĐT là 59,33 quả (P <0,001). Tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng của gà mái F1(ĐT×LP) thấp hơn so với gà mái ĐT (P <0,001). Tỉ lệ dị tật gà con của gà mái F1(ĐT×LP) (0,24%) là thấp hơn so với gà mái Đông Tảo (1,26%) (P <0,05)
Nguyễn Hoàng Thịnh và cs. (2021) khi nghiên cứu trên gà Lạc Thuỷ cho biết: năng suất trứng đến 41 tuần tuổi của gà Lạc Thuỷ là 57,57 quả; tỷ lệ đẻ trung bình là 35,76%; tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng là 4,49kg, trứng gà Lạc Thuỷ có khối lượng
trung bình 49,14%; tỷ lệ lòng đỏ đạt 30,62%; tỷ lệ trứng có phôi/tổng trứng ấp là 91,80%; tỷ lệ nở/tổng số trứng ấp là 80,40%; tỷ lệ gà loại 1/tổng trứng ấp đạt 71%.
Nguyễn Văn Quyên (2008) cho biết: gà Nòi được nuôi ở 3 mức CP là 14-16- 18% CP và 3 mức ME là 2650 -2750 và 2850 kcalME/kg có tỷ lệ đẻ cao nhất (57,83%) ở giai đoạn 29-76 tuần tuổi, tiêu tốn thức ăn cho 10 quả trứng là 3,49kg; tỷ lệ trứng nở/ trứng có phôi là 97,67%.
Nguyễn Nhật Xuân Dung và cs. (2014) cho biết ba mức độ protein thô là 15,5%;16,5% và 17,5% cùng có mức năng lượng bằng nhau (2.600kcal/kg) thì các mức độ protein thô không ảnh hưởng lên tỉ lệ đẻ, khối lượng trứng và hiệu quả sử dụng thức ăn. Tương tự, các chỉ tiêu về chất lượng trứng như chỉ số hình dáng, đơn vị Haugh, chỉ số lòng trắng và lòng đỏ không khác nhau giữa các nghiệm thức, tuy nhiên độ dầy vỏ của các khẩu phần thí nghiệm đều tốt hơn so với đối chứng. Khẩu phần có mức độ protein thấp nhất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Trương Văn Phước và cs. (2015) đã tiến hành đánh giá ảnh hưởng các mức độ protein và năng lượng của khẩu phần lên năng suất sinh sản (tỉ lệ đẻ trứng, tiêu tốn thức ăn, khối lượng trứng, khối lượng trứng (g/gà/ngày), hệ số chuyển hóa thức ăn), chất lượng bên trong (tỉ lệ lòng đỏ, lòng trắng, tỉ lệ lòng đỏ/lòng trắng) và bên ngoài (chỉ số hình dáng, độ dầy vỏ trứng) của trứng gà Ác nuôi trong chuồng hở. Tổng cộng có 384 gà Ác từ 20 đến 28 tuần tuổi ở giai đoạn đầu của kỳ đẻ trứng được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 2 yếu tố, yếu tố 1 là protein với 3 mức độ (14,5; 16 và 17,5%), yếu tố 2 là ME với 2 mức độ (10,5 và 11,5 MJ/kg), lặp lại 8 lần, mỗi lần là 8 gà mái đẻ. Kết quả cho thấy, khẩu phần có 16 hoặc 17% CP và ME là 11,7 MJ/kg cho năng suất sinh sản tốt nhất, ngược lại mức độ 14,5 % CP và 10,5 MJ/kg có năng suất thấp nhất. Tỉ lệ lòng đỏ, và lòng đỏ/lòng trắng giảm khi CP của khẩu phần tăng dần. CP và ME không ảnh hưởng lên độ dày vỏ trứng. Năng lượng và protein có ảnh hưởng lên năng suất sinh sản và chất lượng trứng của gà Ác.