Đóng góp quan trọng cho xuất khẩu:
Chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào xuất khẩu đã tạo điều kiện cho Việt Nam nâng cao năng lực xuất khẩu, giúp chúng ta từng bước nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài đã góp phần vào chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng giảm dần tỷ trọng nhóm hàng khoáng sản, hàng sơ cấp tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế tạo. Đầu tư nước ngoài đã tác động tích cực đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là sang Hoa Kỳ, EU thay đổi đáng kể cơ cấu hàng xuất khẩu. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài cũng góp phần ổn định thị trường trong nước, hạn chế chênh lệch thương mại thông qua việc cung cấp cho thị trường trong nước các sản phẩm chất lượng cao do các doanh nghiệp trong nước sản xuất thay vì nhập khẩu như trước đây.
Đóng góp vào nguồn thu ngân sách:
“Khi bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư vào Việt Nam đều phải đóng thuế suất đối với hoạt động kinh doanh của mình. Do đó, việc thu được nguồn thuế từ các doanh nghiệp nước ngoài là một nguồn thu ngân sách quan trọng, chiếm phần lớn trong việc phát triển dòng tiền, nền kinh tế tại Việt Nam.” (Luật VN, 2021)
Vốn đầu tư nước ngoài thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa:
Đầu tư nước ngoài đã góp phần làm cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa, xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp và tiếp thu một số công nghệ tiên tiến góp phần cải thiện tập quán canh tác và điều kiện cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu ở một số địa phương. Đầu tư nước ngoài đã tạo ra một diện mạo mới trong lĩnh vực dịch vụ như khách sạn, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, pháp lý, tư vấn, vận chuyển, logistic, siêu thị ... Các dịch vụ này cũng góp phần tạo ra các phương pháp mới trong phân phối hàng hóa, người tiêu dùng, kích thích hoạt động kinh doanh địa phương và góp phần tăng xuất khẩu hàng hóa.
Vốn đầu tư nước ngoài tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động:
Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được coi là những người tiên phong trong đào tạo trong nước, nâng cao trình độ của công nhân, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, trong đó một số bộ phận có năng lực quản lý, có trình độ khoa học, công nghệ đủ để thay thế các chuyên gia nước ngoài.
Vốn đầu tư nước ngoài là một kênh chuyển giao công nghệ quan trọng, góp phần nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế:
Hiệu ứng lan tỏa của công nghệ trong đầu tư nước ngoài được thực hiện thông qua liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, thông qua mối quan hệ với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài các doanh nghiệp trong nước đã áp dụng công nghệ sản xuất tương tự để sản xuất sản phẩm thay thế để tránh cạnh tranh. Đồng thời, nó có tác dụng tạo ngành công nghiệp sản xuất, dịch vụ khác trong nước hỗ trợ hoạt động của các nhà đầu tư.
Vốn đầu tư nước ngoài có tác động nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong nước:
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có sức cạnh tranh và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Kết quả phân tích các chỉ tiêu về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý, khả năng tiếp cận, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu thể hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cao hơn doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, vốn đầu tư nước ngoài đã và đang thúc đẩy sự cạnh tranh của khu vực trong nước nói riêng và nền kinh tế nói chung bằng cách thúc đẩy năng suất, tăng trưởng xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, nâng cao trình độ công nghệ, kỹ năng lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động.