35
Từ năm 1885, Hà Nội trở thành thuộc địa của Pháp. Thời kỳ này, diện mạo Hà Nội có những thay đổi mạnh mẽ cả về chính trị, xã hội lẫn không gian: từ việc thay đổi thể chế chính trị, sự xuất hiện chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán, thành phố được mở rộng, xuất hiện tầng lớp trí thức Tây học và giai cấp công nhân. Ngoài khu phố thị cũ, thành phố còn mọc lên những khu phố tây và những công trình công cộng mang kiến trúc Pháp để phục vụ cho tầng lớp cai trị mới. Nhận thức được vai trò của Hà Nội như là một trung tâm chính trị xã hội quan trọng, thực dân Pháp đã cho xây dựng, mở rộng thành phố, với ý đồ biến Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế, chính trị của bộ máy cai trị trên toàn cõi Đông Dương.
Trước những biến động xã hội đó, nếp sống văn hóa người Hà Nội được định hình và phát triển trong hàng mấy thế kỷ trước đó không khỏi có những xáo trộn, các giá trị, chuẩn mực cũ bị thách thức bởi văn hóa, lối sống phương Tây của tầng lớp cai trị mới. Nhưng với truyền thống và bản lĩnh văn hóa của mình, người Hà Nội không những không bị nô dịch về mặt văn hóa mà còn biết chắt lọc những tinh hoa của văn hóa Pháp làm giàu có thêm bản sắc, nếp sống vốn có của mình. Cũng chính trong thời gian này, cùng với sự giao thoa văn hóa Đông -Tây, đã xuất hiện nhiều sản phẩm, hiện tượng văn hóa được cho là đặc sản của đất Hà Nội mà sau này trở nên nổi tiếng, trở thành nét đẹp riêng có của Hà thành, những giá trị đó còn tồn tại cho đến ngày nay.Về ẩm thực, bên cạnh những món ăn dân dã đã có trước đây, xuất hiện thêm nhiều món ăn, món quà Hà Nội rất nổi tiếng như: phở, chả cá, bánh tôm, bún thang… thể hiện nét tinh tế, sành điệu trong nghệ thuật ăn uống của người Hà Nội. Thời kỳ này, bên cạnh cái áo dài thâm, cái áo tứ thân truyền thống thì đã xuất hiện bộ quần áo âu phục phổ biến trong giới công chức, đặc biệt là sự xuất hiện chiếc áo dài tân thời mà sau này trở thành chiếc áo dài truyền
36
thống của người phụ nữ Việt Nam. Đây là sự sáng tạo, cách điệu từ chiếc áo tứ thân của 2 họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ vào năm 1934. Hình ảnh những thiếu nữ tha thướt trong tà áo dài đã đi vào văn chương, thi ca như một nét đẹp duyên dáng của đất Hà thành. Về kiến trúc nhà ở, do nhu cầu về việc mở rộng, đất nông nghiệp của Hà Nội ngày càng bị thu hẹp trong nội đô, những mái nhà tranh vách đất của nông dân ngày một ít dần đi nhường chỗ cho những phố tây với đường phố rộng rãi. Kiến trúc này kết hợp với kiến trúc nhà ống truyền thống ở khu phố thị thương mại tạo nên diện mạo một Hà Nội khác, có nét đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại. Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả Đông Dương nên có đời sống văn hóa nghệ thuật sôi nổi, nhiều hiện tượng xã hội mang tính cách mạng như phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào thơ mới của nhóm Tự Lực Văn Đoàn đều diễn ra ở đây. Một lớp danh sĩ theo tây học đã xuất hiện tiêu biểu như: Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… trong lĩnh vực văn chương; Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái… trong lĩnh vực hội họa. Nhiều tác phẩm của những văn sĩ, danh họa này đã ghi lại bằng văn chương, bằng hình ảnh của một Hà Nội xưa hào hoa, thanh lịch giúp các thế hệ sau này có thể hình dung và tự hào về nếp sống văn hóa đầy bản sắc của người Hà Nội.
Trên thực tế, thực dân Pháp mở trường lớp là mong muốn đào tạo ra một nhóm người giúp việc, làm tay sai cho chúng trong việc khai thác, bóc lột thuộc địa. Sâu xa hơn, giống như mọi kẻ thống trị ngoại bang khác, thực dân Pháp muốn đồng hóa, bắt dân tộc ta phải nô dịch, phụ thuộc chúng về mặt văn hóa. Tuy nhiên, tầng lớp trí thức tây học này phần lớn xuất thân từ những gia đình có truyền thống nho sĩ cũ đã sẵn có trong mình một tinh thần yêu nước truyền thống và một bề dày văn hóa dân tộc lâu đời nên đã
37
có những phản kháng công khai hoặc ngấm ngầm sự áp đặt của những kẻ thực dân cai trị; một mặt vẫn tiếp thu nền học vấn văn minh phương tây, mặt khác vẫn duy trì và có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Như vậy, một lần nữa, tầng lớp trí thức lại đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nếp sống văn hóa, là nhóm xã hội trung gian truyền tải và chắt lọc những giá trị văn hóa, lối sống phương Tây làm để giàu có thêm nếp sống hào hoa thanh lịch của người Hà Nội. Đây là một quá trình không hề mong muốn từ những kẻ thực dân cai trị.
38
CHƯƠNG 3: LÒNG TỰ HÀO VỀ CON NGƯỜI HÀ NỘI
Tự hào là một cảm giác rất tự nhiên của con người thể hiện niềm vui và sự hãnh diện khi ta có một vật thể hay yếu tố nào đó đặc biệt hơn bình thường. Với người dân Hà Nội, niềm tự hào của họ luôn gắn liền với mảnh đất nổi tiếng "Nhất cao là núi Ba Vì/ Nhất lịch, nhất sắc, Kinh kỳ Thăng Long". Chẳng phải tự nhiên người dân nơi này lại luôn có ý thức cao về mảnh đất nơi họ định cư, mà những giá trị văn hóa, lịch sử sâu rộng cùng những con người tài hoa xuất hiện ở nơi đây qua hơn 1000 năm ròng rã đến nay đã chứng minh được sự kỳ diệu của mảnh đất mang tên Hà Nội này. Theo dòng thời gian, Hà Nội ngày càng phát triển, tồn tại như một minh chứng cho sự yêu quý và hãnh diện hết mực từ những người con của nơi đây.