Đề tài đã tiến hành điều tra theo tuyến với tổng số tuyến điều tra là 36 km tại 4 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Mỗi tuyến điều tra 3 km trên một cấp tuổi và tiến hành điều tra 3 cấp tuổi tại mỗi huyện.
Kết quả điều tra trên tuyến xác định được sơ bộ tỉ lệ bị hại và chỉ số bị hại trung bình ở rừng quế trên các tuyến điều tra đã thực hiện.
Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ bị bệnh tua mực ở các rừng trồng quế ở các địa phương là khác nhau (huyện Nam Trà My bệnh tua mực gây hại rất nặng nhưng xã Trà Vân lại không bị hại), bệnh tua mực gây hại ở tất cả các cấp tuổi rừng trồng quế.
Rừng trồng Quế trên các tuyến điều tra ở cả bốn huyện đều bị bệnh tua mực, trong đó tỷ lệ và mức độ bị bệnh tại các huyện Nam Trà My và Bắc Trà My nặng hơn rất nhiều so với rừng trồng tại huyện Phước Sơn và Tiên Phước.
Các rừng trồng quế ở độ cao trên 700m so với mực nước biển có xu hướng ít bị bệnh hơn so với rừng trồng ở độ cao thấp hơn và đặc biệt rừng trồng ở những nơi có độ cao <300m bị bệnh nặng hơn rõ rệt.
Cây Quế bị bệnh tủa mực có triệu chứng điển hình là trên thân hoặc trên ngọn cây xuất hiện các tổ chức bệnh có dạng như tua mực hoặc nhiều chồi. Bệnh gây hại tập trung vào mùa mưa, khi cây bị bệnh, vùng thân, cành hoặc ngọn cây bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, vỏ cây bị nứt, khả năng sinh sinh trưởng giảm thậm chí gây chết cây.
Bệnh tua mực đã gây hại rất phổ biến và gây thiệt hại rất lớn đến hoạt động gây trồng, phát triển rừng trồng Quế của tỉnh Quảng Nam. Hiện nay tỉnh Quảng Nam đang rất quan tâm đến việc quản lý bệnh tua mực nhằm duy trì và
phát triển rừng Quế đặc sản với tên gọi Quế Nam có chất lượng cao và rất được thị trường ưa chuộng.
Một số hình ảnh về bệnh tua mực hại Quế thu thập trong quá trình điều tra, thu thập mẫu.