II. Thời sự Chính trị
1. Bản vùng cao "khát" nước sinh hoạt
(Baoquangbinh.vn 27/8, Xuân Vương)
Cứ đến mùa nắng nóng là hàng trăm hộ dân ở bản Km14, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) lại thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Để giải quyết bài toán nước sạch, bà con đã đào, khoan hàng chục cái giếng nhưng đến mùa khô vẫn không đủ nước để dùng. Chúng tôi trở lại bản Km14, xã Ngân Thủy vào một buổi chiều giữa tháng 8. Ông Nguyễn Văn Thạch, trưởng bản Km14 cho biết: “Đến mùa nắng nóng là 172 hộ dân trong bản bị thiếu nước sinh hoạt khiến cuộc sống của bà con đảo lộn. Nhiều người đang trong thời gian đi làm rẫy cũng phải tranh thủ vượt chặng đường khoảng 3km ra khu vực bản Khe Sung để tắm, giặt, lấy nước về sinh hoạt”.
Nói xong, ông dẫn chúng tôi ra Khe Sung xem. Lúc này, khoảng 16 giờ nhưng đã có nhiều người tập trung về đoạn suối nhỏ có những vũng nước đọng để giặt giũ, tắm rửa, rồi dùng xô, can nhựa lấy nước đưa về nhà. Cách đó không xa, một vũng nước đọng có 4 con trâu đang tắm, xung quanh còn có cả đàn bò đến uống nước và phóng uế.
Bà Hồ Thị Bê chia sẻ: “Để có nước sinh hoạt, gia đình tôi phải bán con trâu duy nhất để khoan, đào tới 3 cái giếng trong vườn nhưng đến mùa khô vẫn thiếu nước sinh hoạt. Bởi giếng khoan hoặc đào xuống sâu thì gặp đá vôi nên không có nước. Muốn có nước ăn, uống, tôi phải đi bộ ra giếng khoan của cộng đồng để gánh nước về. Còn tắm giặt thì phải nhờ con, cháu chở nước từ con suối ở Khe Sung”.
Gia đình bà Bê thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm nay, đã gần 60 tuổi nhưng hàng ngày, bà phải còng lưng đi gánh nước từ 2 đến 3 lần. Hiện, một cái giếng đào của bà đã lấp lại, 2 cái giếng khoan vẫn có ống và máy bơm đặt sẵn nhưng không có nước để bơm trong những ngày nắng nóng.
Trên địa bàn của bản vẫn còn 2 cái giếng có nước là giếng sinh hoạt cộng động và giếng của Trường phổ thông bán trú tiểu học và THCS Ngân Thủy. Tuy nhiên, 2 giếng này cũng đang cạn dần do nắng nóng nên không đủ cung cấp nước sinh hoạt cho bà con.
Bà Hồ Thị Mó than thở: “Nhà tôi có đào 2 giếng nhưng vẫn không có nước để dùng. Do đó, mỗi buổi sáng, tôi phải dậy thật sớm ra giếng cộng đồng gánh nước chứ chờ đến trưa thì không còn nước nữa. Với lại, giếng ở đây nước đục, đem về nấu lên thì đọng lại một lớp cặn màu trắng nên chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe. Còn muốn tắm giặt thì phải xuống khe, suối. Nhưng mùa này, khe suối trên địa bàn cũng cạn, chỉ còn lại những vũng nước đọng, có khi tắm còn ngửi thấy mùi hôi của chất thải gia súc”.
Thực trạng thiếu nước sinh hoạt ở bản Km14 đã xảy ra từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để. Đặc biệt, năm 2020 là năm hạn nhất trong lịch sử, trên 40 cái giếng khơi, giếng khoan của bà con trong bản đều bị cạn nước không thể sử dụng được. Các khe, suối trong bản cũng cạn phơi đáy trong thời gian dài. Thời điểm đó, mỗi ngày Đoàn Kinh tế quốc phòng 79 (đơn vị đóng trên địa bàn xã) phải chở 3 xe nước phục vụ cho bà con sinh hoạt. Còn muốn tắm giặt thì bà con phải đi khoảng 3km vào bản Cây Sung nhưng nước ở đó cũng cạn và ô nhiễm do trâu bò, phóng uế.
Ông Hồ Văn Núi, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy cho biết: “Để giải quyết bài toán “khát” nước sạch ở bản Km14, trước mắt, xã phân chia người dân từng khu vực luân phiên đến giếng cộng đồng để lấy nước sinh hoạt theo khung giờ nhất định. Đồng thời, xin nguồn nước từ trường học cho bà con sử dụng. Nhưng nguồn nước này chỉ được sử dụng đến khi học sinh trở lại trường. Để làm các công trình nước sạch có quy mô lớn cần nhiều vốn nhưng ngân sách của địa phương lại có hạn. Vì vậy, xã rất mong các cấp, ngành có thêm những chính sách hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch cho bà con bản Km14”. Về đầu trang
https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202108/ban-vung-cao-khat-nuoc-sinh-hoat- 2192758/