II. Thời sự Chính trị
11. Nghĩa tình từ chuyến bay đặc biệt
(Daidoanket.vn 29/8, Quảng Nghĩa; Nongnghiep.vn 27/8; Đại đoàn kết 29/8, tr7)
Hai chuyến bay chở gần 400 công dân “đặc biệt” từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về Quảng Bình đã được đưa về cách ly tập trung tại ký túc xá trường Cao đẳng Luật miền Trung. Đến nay, việc đảm bảo sức khỏe cũng như mọi điều kiện sinh hoạt cho các bà bầu và trẻ nhỏ được thực hiện chu đáo.
Sau khi được ổn định nơi ăn, chốn ở, có lẽ đối với mỗi công dân đang thực hiện cách ly y tế tập trung tại ký túc xá Trường Cao đẳng Luật miền Trung đều rất hạnh phúc khi được trở về với quê hương và nhận được sự hỗ trợ kinh phí trong suốt thời gian cách ly. Hiện ở khu cách ly này có 372 công dân, trong đó 318 phụ nữ mang thai, 36 trẻ em dưới 6 tháng tuổi và 18 trẻ em 2-3 tuổi.
Trong căn phòng ở khu cách ly tại ký túc xá Trường Cao đẳng Luật miền Trung, bà bầu Trần Thị Nhung (32 tuổi) trông khỏe mạnh, vui vẻ hơn khi được về quê dưỡng thai giữa mùa dịch. Chị Nhung kể, hai vợ chồng đều là người ở huyện Lệ Thủy, gần 5 năm nay hai người sinh sống và làm việc tại Dĩ An (Bình Dương).
Khi tình hình dịch Covid-19 tại nơi cư trú diễn biến phức tạp, cuộc sống của anh chị bị ảnh hưởng nên rất khó khăn, thiếu thốn. Trong khi đó, chị đang mang thai tuần thứ 20 của thai kỳ. Vì dịch nên việc đi lại bị hạn chế nên không thể thường xuyên đi khám thai hay nhận tư vấn của bác sĩ.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp ấy, điều cả hai vợ chồng chị mong muốn là sớm được về quê để dưỡng thai và sinh con. Tuy nhiên việc đưa người vợ đang mang thai ở vùng có dịch về quê rất khó khăn, đường ngái xa xôi. Vậy nên, chị Nhung cùng chồng đành phải bám trụ lại Bình Dương.
Và rồi vợ chồng chị Nhung vui mừng khi nhận được thông tin, tỉnh Quảng Bình tổ chức đón phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ đang sinh sống và làm việc tại TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về quê tránh dịch bằng máy bay. Chị nhanh chóng tìm hiểu để đăng ký, chuẩn bị các thủ tục theo quy định để trở về quê.
Nơi góc giường, chị Nhung cho biết: “Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã khiến cuộc sống của người công nhân khó khăn trăm bề, trong suy nghĩ của em là muốn về quê, nương náu người thân, chứ ở nơi đất khách vất vả muôn phần. Vợ chồng em rất vui khi được về quê trên chuyến bay do tỉnh đưa đón”.
Cũng như chị Nhung là người Quảng Bình xa quê gặp hoàn cảnh khó khăn, chị Trương Thị Lan (27 tuổi) trú ở thị xã Ba Đồn sinh sống và làm việc tại TP Thủ Đức (TP HCM) cùng đứa con 2 tháng tuổi về quê trên chuyến bay nghĩa tình.
Chị Lan kể, chồng không về cùng nên việc di chuyển có nhiều bất tiện. Nhưng với sự giúp đỡ của mọi người, hai mẹ con chị đã về quê an toàn. Trên chuyến bay về quê, chị cảm thấy mọi người ai cũng gặp khó, ai cũng mang trong lòng sự lo lắng nhưng luôn luôn hỗ trợ cho nhau.
Cách ly tập trung tại ký túc xá Trường Cao đẳng Luật miền Trung, chị Nhung, chị Lan cùng nhiều sản phụ, bà mẹ nuôi con nhỏ đã nhận được sự quan tâm, chu đáo của cán bộ tại đây. Những bữa cơm đầy đủ dưỡng chất được đưa tận tay các chị, các mẹ. Những sự quan tâm ấy tạo cảm giác gần gũi, an toàn để các chị, các mẹ an tâm cách ly.
Chị Lan chia sẻ, ở đây cán bộ rất quan tâm, chăm sóc chúng tôi như người nhà vậy. Họ luôn hỏi han xem chúng tôi có cần gì, thiếu gì để bổ sung. Trong khi đó, chị Trần Thị Thiết, quê ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy bày tỏ: “Cách ly ở đây tôi thấy rất đảm bảo, ăn uống được lo chu đáo, đảm bảo dinh dưỡng. Cảm ơn những con người chăm sóc, lo lắng cho chúng tôi”.
Bữa ăn trong ngày của các công dân đặc biệt tại khu cách ly tập trung được chuẩn bị khá chu đáo, từ khâu chuẩn bị lương thực thực phẩm, chế biến thức ăn đến phân chia khẩu phần.
Trong ngày, các cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các tình nguyện viên như đoàn thanh niên, hội phụ nữ đảm nhận 3 bữa ăn cho gần 400 công dân. Với số lượng công dân khá đông, nên việc phục vụ đủ các suất ăn cũng như bảo đảm chất dinh dưỡng và hợp vệ sinh cho mỗi khẩu phần ăn luôn được các lực lượng ở khu cách ly quan tâm.
Khu cách ly tập trung Trường Cao đẳng Luật miền Trung được phân làm 2 khu vực chức năng, trong đó vùng “xanh” thuộc khu vực hậu cần bếp ăn và khu trung chuyển hàng tiếp tế từ bên ngoài; khu vực “đỏ” là khu vực cách ly - đây là khu vực được xác định nguy cơ lây nhiễm cao.
Chính vì vậy, để vừa bảo đảm an toàn trong công tác phòng dịch, vừa bảo đảm công tác phục vụ công dân trong thời gian cách ly, trong khu vực này được bố trí thường xuyên 22 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ 24/24h và được phân thành 4 bộ phận, gồm: lực lượng quân y, y tế chăm sóc sức khỏe cho các công dân; bộ phận
lực lượng phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm đảm bảo an toàn cũng như giám sát việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch tại khu cách ly.
Thượng tá Ngô Mậu Quý, Chủ nhiệm Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi đã xác định phải làm tốt các công tác chuẩn bị, từ khâu tiếp đón đến việc ăn nghỉ của bà con. Đảm bảo từ 400-500 suất ăn trong đó xây dựng thực đơn cho bà bầu, trẻ em đồng thời lực lượng tiếp tế sẵn sàng đưa cơm đến tận nơi cho bà con”.
Giữa đại dịch Covid-19, giữa những bộn bề lo toan, thế nhưng toàn xã hội vẫn luôn dành tình yêu, sự quan tâm đến những người yếu thế, nhất là những người mang thai và nuôi con nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Dưới lớp khẩu trang, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, không một ai ở đây biết khuôn mặt những người đang ngày đêm chăm sóc, lo lắng cho chính họ như thế nào. Nhưng những công dân đặc biệt này sẽ luôn ghi nhớ những ngày tháng cách ly tại đây, họ được chăm sóc sức khỏe, lo từng bữa ăn giấc ngủ để khỏe mạnh và sớm trở về với gia đình. Về đầu trang
http://daidoanket.vn/nghia-tinh-tu-chuyen-bay-dac-biet-5663767.html
12. "Mẹ con mình sẽ mãi không quên!"
(Qdnd.vn 28/8)
Lương Thảo Thiên Thư ơi! 14 ngày thực hiện cách ly vừa qua là những ngày mà cả mẹ và con sẽ phải ghi nhớ, mãi không bao giờ quên. Đó là bởi những ngày qua, mẹ con mình nhận được rất nhiều tình yêu thương từ các cô, các chú bộ đội trong khu cách ly phòng, chống dịch (PCD) tại UBND xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và sự chăm sóc tận tình của các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.
Cha mẹ làm ăn ở tỉnh Bình Dương-nơi đất khách quê người, dịch bệnh bùng phát rất phức tạp, mẹ lại mang bầu gần đến ngày sinh nên quyết định về quê tránh dịch và sinh con. Còn cha thì vẫn ở lại Bình Dương để cầm cự, chờ qua đợt dịch rồi tiếp tục làm việc lấy tiền nuôi mẹ con mình. Từ Bình Dương trở về quê hương Quảng Bình là một hành trình vất vả với mẹ con mình. Nhưng may mà có nhiều người giúp đỡ nên hai mẹ con đã về đến quê an toàn. Theo quy định PCD, mẹ con mình phải ở 14 ngày trong khu cách ly tập trung tại UBND xã Hoàn Trạch. Cảm giác lo lắng ban đầu của mẹ đã qua đi rất nhanh khi nhận được tình cảm, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Bố Trạch dành cho hai mẹ con mình và những người về đây cách ly. Không chỉ chăm lo sức khỏe, phục vụ ăn uống cho công dân, các chú bộ đội và quân y còn nấu cháo dinh dưỡng cho những người có bầu và các cháu nhỏ.
Thời gian ở khu cách ly, mẹ mang bầu được 36 tuần tuổi thì có dấu hiệu chuyển dạ. Các cô, các chú rất quan tâm, thăm khám sức khỏe, rồi chuyển mẹ vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới để sinh. Và rồi con-bé Lương Thảo Thiên Thư yêu thương của mẹ, nặng 2,5kg, đã chào đời. Ở bệnh viện, mọi người cũng đều chu đáo, chăm lo cho hai mẹ con mình. Sự tận tình và gần gũi của các bác sĩ ở bệnh viện khiến mẹ cảm thấy như được sinh con ra ngay tại nhà mình.
Sau 4 ngày ở bệnh viện, mẹ con mình lại trở về cách ly tại khu cách ly PCD tại UBND xã Hoàn Trạch. Biết mẹ sức khỏe yếu, các cô, các chú, các em thường xuyên hỏi thăm, hằng ngày chuẩn bị nước ấm, cháo dinh dưỡng cho mẹ con mình rất chu đáo. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, khi mẹ cần sự trợ giúp là các cô, các chú trong bộ trang phục bảo hộ kín mít đều có mặt rất kịp thời. Cùng với đó, các cô ở Ban CHQS huyện Bố Trạch còn mua sữa tươi, sữa hộp tặng mẹ con mình...
Ngày 19-8, tròn 14 ngày cách ly, mẹ con mình được về nhà. Hôm ấy, cán bộ Ban CHQS huyện Bố Trạch đến động viên, hỗ trợ mẹ con mình 2 triệu đồng và mỗi người có hoàn cảnh khó khăn 1 triệu đồng. Người ta thường nói "quân với dân như cá với nước". Qua hoạn nạn ở đợt dịch Covid-19 này, mẹ cảm nhận được rõ hơn tình cảm của Bộ đội Cụ Hồ dành cho nhân dân. Tình cảm ấy thật trong sáng. Nó thể hiện ở sự ân cần, trách nhiệm, chân thành của các cô, các chú bộ đội với mẹ con mình. Mẹ con mình sẽ mãi không quên! Về đầu trang
https://www.qdnd.vn/nhat-ky-doi-mat-covid-19/me-con-minh-se-mai-khong-quen- 669750
13. Nữ lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và chuyến đi "đặc biệt" vào tâm dịch
(Dantri.com.vn 29/8, Tiến Thành)
Là một trong 12 thành viên của Tổ công tác "đặc biệt", bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình nhớ mãi những cảm xúc khi vào tâm dịch tại TPHCM, đón phụ nữ và trẻ em về quê.
Đây là chuyến đi mang ý nghĩa hết sức quan trọng và nhiều cảm xúc với vị Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình cũng như các thành viên của tổ công tác khi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, đón và đưa gần 400 công dân là lao động nữ có thai và trẻ em có người đi kèm về quê tránh dịch Covid-19.
Nhớ lại chuyến đi với nhiều cung bậc cảm xúc đó, bà Đinh Thị Ngọc Lan cho biết: "Công tác đưa lao động nữ có thai và trẻ nhỏ về quê tránh dịch từ khi ban hành kế hoạch đến lúc đón công dân chỉ vỏn vẹn trong vòng 4 ngày".
Công tác thông tin, tiếp nhận đăng ký, rà soát lên danh sách được tỉnh Quảng Bình triển khai một cách "thần tốc".
Việc đưa lao động nữ có thai và trẻ em về quê tránh dịch trong đợt vừa qua đã thể hiện rõ nhất về chính sách nhân văn, sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, cùng với đó là sự phối hợp nhịp nhàng trong triển khai của các sở, ngành và sự quyết tâm, vượt mọi khó khăn của tổ công tác "đặc biệt".
Chiều 20/8, tổ công tác "đặc biệt" của tỉnh Quảng Bình gồm 12 người đã lên xe tiến về "tâm dịch" TPHCM. Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh này là Phó đoàn.
"Sau thời gian gần 20 giờ đồng hồ di chuyển liên tục, chúng tôi đã vào đến TPHCM, lúc đó thực sự bản thân tôi cũng rất rối vì không biết bắt đầu từ đâu. Vì tối ngày 20/8 mới có danh sách chính thức của chuyến bay, người dân lại liên tục gọi điện thông báo chưa thể đi làm xét nghiệm, không di chuyển được qua các chốt", bà nhớ lại.
Với sự hỗ trợ tích cực từ Quảng Bình để liên hệ với Sở LĐ-TB&XH các tỉnh giúp đỡ, tổ công tác nhanh chóng rà soát danh sách để gửi hãng hàng không cấp code vé cho công dân. Liên hệ từng người lao động để xác minh xem họ đã nhận được thông tin chưa, có thể đến sân bay không. Tiếp đó gửi danh sách công dân cho các tỉnh phía Nam và TPHCM để hỗ trợ công dân Quảng Bình qua chốt, ra sân bay. "Cái khó của chúng tôi là thời gian gấp gáp, một số công dân do xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 phải ở khu vực phong tỏa không thể đến sân bay. Chúng tôi lại phải cập nhật liên tục, thay đổi danh sách, rà soát lại để cấp vé cho những người bổ sung. Bên cạnh đó, nhiều người điện thoại liên tục phản ánh chưa xét nghiệm được, chưa có đồ bảo hộ… Mọi thứ dồn đến trong cùng một thời điểm khiến chúng tôi vô cùng nóng ruột", bà Đinh Thị Ngọc Lan cho biết thêm.
Sự lo lắng lúc một nhiều hơn đối với bà Lan và tổ công tác khi đến sáng 22/8. Chỉ còn ít giờ nữa là máy bay cất cánh nhưng vẫn còn rất nhiều lao động mắc kẹt, không qua được chốt, chưa có đồ bảo hộ, không có phương tiện ra sân bay…
Bà Đinh Thị Ngọc Lan và tổ công tác đã quyết định lên phương án hỗ trợ từng người, từ việc mua bảo hộ, thực hiện test nhanh, đồng thời liên hệ với các đơn vị liên quan giúp đỡ, để làm sao tất cả công dân đã đăng ký đến được sân bay và lên máy bay trở về.
"Tối trước khi chuyến bay cất cánh, nhiều bạn gọi báo khó khăn, sợ không đến sân
pháp để họ được trở về quê hương. Cũng may là với sự nỗ lực của tổ công tác và sự hỗ trợ từ Quảng Bình và các tỉnh phía Nam mọi việc đã tốt đẹp. Chỉ khi bà con lên được máy bay, anh em mới thở phào và cười được", bà xúc động nói.
Chia sẻ về chuyến đi "đặc biệt" vào "tâm dịch", bà Đinh Thị Ngọc Lan bày tỏ sự lo lắng nhất lúc đó là không giúp được hết bà con lên máy bay và day dứt với những lao động phải ở lại do nhiều lý do khác nhau.
Bà Đinh Thị Ngọc Lan và tổ công tác đã phải cố gắng, tranh thủ từng giờ, từng phút, tính toán hết mọi phương án có thể để khai thác hết chỗ ngồi trên máy bay cho công dân.
Đây là chuyến bay mà phần lớn thành phần là bà bầu và trẻ nhỏ nên vấn đề sức khỏe rất được quan tâm. Tổ công tác "đặc biệt" của tỉnh Quảng Bình với mong muốn đưa được càng nhiều lao động lên máy bay nên đã quyết định di chuyển trở về bằng xe ô tô.
Có thể nói, để đưa được các lao động mang thai và trẻ em về quê tránh dịch là cả một sự nỗ lực của ngành lao động Quảng Bình nói riêng và tỉnh này nói chung. "Thời gian tổ công tác trở về tới Quảng Bình hết 68h. Các thành viên đều chủ động mang theo đồ ăn nhanh để giảm bớt thời gian. Mặc dù rất mệt nhưng trên đường về ai cũng vui cả, càng vui hơn khi ở quê nhà báo tin cả 2 chuyến bay đưa gần 400 công dân đã hạ cánh an toàn, nhiệm vụ đã hoàn thành. Thực sự lúc đó tôi xúc động quá, không kìm được nước mắt luôn", nữ lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình tâm sự.
Là một trong số 183 bà bầu được đón về quê tránh dịch trong đợt vừa qua, chị Trần Thị Liên (SN 1993, trú huyện Tuyên Hóa) bày tỏ sự xúc động và biết ơn sự quan tâm của tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là những cán bộ đã trực tiếp vào TPHCM hướng dẫn, đón công dân.