TTXVN (eurasiareview.com) - Chiến lược an ninh quốc gia của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ tái tập trung những nỗ lực của quân đội Mỹ để đối phó với những mối đe dọa từ các cường quốc lớn như Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, giống như chính sách “xoay trục sang châu Á” của Chính quyền Barack Obama trước đây, chính sách của Trump về an ninh quốc gia đã bị “đánh chìm” trên phần lớn khu vực Trung Đông vốn đang cần sự hỗ trợ của các cường quốc hơn bao giờ hết.
Ví dụ, các nguồn tin từ Lầu Năm Góc thừa nhận rằng mặc dù chiến lược an ninh của Trump và cam kết của ông chấm dứt “những cuộc chiến không có hồi kết” ở khu vực Trung Đông rộng lớn hơn, nhưng Tướng Mike Milley, tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ lại nhấn mạnh đến Iran và Syria. Hơn nữa, thay vì cắt giảm các lực lượng Mỹ ở khu vực, Chính quyền Mỹ đã điều động thêm 14.000 binh sĩ đến vùng Vịnh kể từ tháng 5, bao gồm hơn 3.000 binh sĩ đến Saudi Arabia. Ngoài ra, Tổng thống Trump đã 2 lần hạ lệnh các lực lượng của Mỹ rút khỏi Syria, chỉ để quân đội phớt lờ mệnh lệnh này và sau đó được bù đắp lại bởi việc điều động vội vàng lực lượng vũ trang hạng nặng để “bảo vệ” các cơ sở dầu mỏ của Syria. Việc “sa lầy” trở lại Trung Đông như vậy là do sự tập trung chiến lược mơ hồ của Chính quyền Trump.
Sự tập trung của chiến lược an ninh quốc gia của Trump đối với các cường quốc lớn là đáng tuyên dương. Tuy nhiên, ưu tiên đó lại chưa được triển khai trên thực địa. Với khoản nợ quốc gia 23.000 tỷ USD, Mỹ không còn sức lực để tiếp tục vai trò “cảnh sát toàn cầu”. Washington phải chọn cách để các đồng minh khu vực lấp những khoảng trống ở một số lĩnh vực nhất định. Sự thiếu kinh nghiệm của Trump trong chính sách đối ngoại, và thực tế là các cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ vẫn sa lầy trong lối tư duy thời Chiến tranh Lạnh 30 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, tất cả điều này đã dẫn đến việc triển khai chiến lược trở nên rối rắm.
Tổng thống Trump thường đi chệch khỏi những mục tiêu của mình, mà ví dụ rõ nét là chiến dịch “gây sức ép tối đa” đối với Iran. Đó chính là sai lầm của Trump khiến Mỹ chưa cắt giảm sự hiện diện ở khu vực có tầm quan trọng chiến lược suy giảm. Iran đang “làm mình, làm mẩy” chủ yếu vì Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế vốn giới hạn khả năng làm chế tạo vũ khí hạt nhân của Tehran. Thay vì nhận được sự nới lỏng trừng phạt quốc tế để đổi lại việc nước này cắt giảm chương trình hạt nhân của mình, Iran lại hứng chịu chiến dịch “sức ép tối đa” mà Trump buộc các ngân hàng và doanh nghiệp quốc tế phải thực hiện đối với Tehran.
Do đó, Iran đã đáp trả bằng cách bắt giữ các tàu chở dầu và tiến hành các cuộc oanh kích nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia, một hành động đã dẫn đến việc Washington điều thêm binh sĩ đến vùng Vịnh. Tình hình bất ổn trong nước ở Iran, vốn một phần là do Washington gia tăng sức ép kinh tế, có thể khiến Iran có thêm nhiều hành động
thù địch hơn đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Ở Syria, binh sĩ Mỹ đang được huy động một cách nực cười để bảo vệ nguồn cung dầu mỏ bị hạn chế của Syria trước các lực lượng của Nga và lực lượng bán quân sự của Iran.
Đã qua rồi cái thời vùng Vịnh từng là một khu vực mang tính chiến lược chưa từng có đối với Mỹ. Việc bùng nổ hoạt động sản xuất dầu khí ở trong nước đã khiến Mỹ một lần nữa trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, thậm chí làm giảm thiểu tầm quan trọng của khu vực Trung Đông. Còn mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố thì sao? Trào lưu tin tưởng tuyệt đối vào Hồi giáo đã tồn tại hàng chục năm qua, song tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda đặc biệt được tạo ra bởi chính chủ nghĩa can thiệp của Mỹ ở khu vực Trung Đông mà Tổng thống Trump được cho là sẽ giảm thiểu sự can thiệp này. Khi Mỹ giảm sự hiện diện ở khu vực có giá trị chiến lược đang suy giảm này thì hai nhóm khủng bố nói trên sẽ ít có xu hướng tấn công các mục tiêu của Mỹ. Tuy nhiên, sự trì trệ trong chính sách của Mỹ hiện nay tiếp tục đẩy Mỹ sa lầy trong khu vực Trung Đông rộng lớn hơn, ở các nước Afghanistan, Syria, Iraq, Libya, Yemen, Somalia, Chad và Mali, đồng thời tiếp tục cuộc đấu với Iran.
Mô hình cho việc Mỹ rút ra khỏi khu vực Trung Đông không giống với mô hình rút quân giả mạo khỏi Syria, vốn không có gì hơn ngoài việc gây nguy hiểm cho quân nhân Mỹ và đột ngột rút khỏi mối quan hệ dưới mức tình bạn với các lực lượng đã từng hy sinh to lớn để hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Bạn bè và đồng minh trong khu vực cần nhận được cảnh báo đầy đủ về kế hoạch rút lui của Mỹ và cần được trang bị đầy đủ vũ khí để họ tự bảo vệ mình. Điều hết sức cần thiết là sự tái sắp đặt các ưu tiên an ninh của Mỹ một cách có trách nhiệm, trong bối cảnh Mỹ đang oằn mình với khoản nợ quốc gia và một Trung Quốc đang trỗi dậy, trong đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể rốt cục đặt ra một vấn đề an ninh thực sự đối với Washington.