Đài BBC dẫn bài viết của tác giả Roland Hughes gửi cho BBC News nhận định rằng sẽ không quá lời khi nói các cuộc biểu tình đã “quét qua” mọi châu lục vào năm 2019, bởi ngay cả Nam Cực cũng có một cuộc biểu tình trong năm 2019.
Các vị tổng thống tại vị quá lâu ở Sudan, Algeria và Bolivia đã buộc phải từ chức sau các cuộc biểu tình. Tình trạng bất ổn bạo lực ở Iran, Ấn Độ và Hong Kong tiếp tục diễn ra vào tháng 12 và có nguy cơ sẽ tiếp tục kéo sang năm 2020.
BBC điểm lại 3 phong trào gây tiếng vang nhất năm 2019. Một số người biểu tình đã chia sẻ lý do tại sao họ làm như vậy và những gì đã thay đổi.
Lebanon
Chuyện gì đã xảy ra?
Lebanon đã phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và gần một phần ba số dân sống dưới mức nghèo khổ.
Vào tháng 10, giá trị đồng bảng Lebanon giảm và chính phủ áp thuế mới đối với thuốc lá, xăng dầu và thậm chí cả các cuộc gọi thoại trên các ứng dụng như WhatsApp, điều đó đã gây ra các cuộc biểu tình phản đối.
Thủ tướng Saad Hariri đã từ chức, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, với các cuộc đụng độ dữ dội diễn ra vào tháng 12/2019.
Tại sao tôi biểu tình?
Nour Myra Jeha, một sinh viên 17 tuổi chia sẻ như sau:
Tôi và bạn bè muốn có một phong trào ngay cả trước khi những cuộc biểu tình này xảy ra. Chúng tôi đang phải chịu những thực trạng kinh tế và xã hội nghiêm trọng và chúng tôi muốn mọi người có thời gian chú ý và hành động.
Lebanon là một quốc gia có những tôn giáo và giáo phái đối đầu với nhau, vì vậy, rất khó để tự mình bắt đầu một điều gì đó. Chúng tôi là một nhóm thiểu số. Tuy nhiên, một cú hích nhỏ đã đến khi chính phủ đánh phí đối với các cuộc gọi trên WhatsApp. Ở Lebanon, WhatsApp rất phổ biến bởi nhiều người không có tiền trả cước điện thoại cho các cuộc gọi bình thường.
Rồi một ngày, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đang ở trong khu vực của các cuộc biểu tình, mọi người bắt đầu biểu tình xung quanh chiếc xe của ông ta, và những người bảo vệ ông ta bước ra khỏi xe và bắt đầu nổ súng nhưng không ai bị giết. Đó là khi người dân cảm thấy như thế là quá đủ. Mọi người bắt đầu nhận ra các chính trị gia thực sự nghĩ gì về chúng tôi. Ngày hôm sau, tôi và bạn bè xuống đường. Chúng tôi bắt đầu gọi nó là một cuộc cách mạng. Vào ngày đó, Lebanon đã bỏ các vấn đề tôn giáo sang một bên. Một trong những vấn đề lớn nhất của Lebanon là toàn bộ hệ thống chính trị của chúng tôi đã bị quyết định bởi tôn giáo [Lebanon công nhận 18 cộng đồng tôn giáo và 3 cơ quan chính trị chính được chia cho 3 cộng đồng lớn nhất]. Tuy nhiên, đêm đó, tất cả người dân Lebanon đã đoàn kết. Thật sự cũng khá kinh ngạc. Chúng tôi nhận thấy nhiều người ở thế hệ trước cũng ở đó. Đó là khi chúng tôi biết có một sự thay đổi đang xảy ra.
Chúng tôi muốn một chính phủ gồm các nhà kỹ trị chứ không phải các chính trị gia, những người đã làm chúng tôi thất vọng hết lần này đến lần khác. Và chúng tôi muốn tuổi bầu cử là 18 chứ không phải 21. Chúng tôi không hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi trong một tháng, hai tháng. Tuy nhiên, nếu chúng tôi bỏ cuộc, mọi công sức vất vả của chúng tôi sẽ đổ xuống sông xuống bể.
Tôi đang xin đi du học. Trước đây, tôi không biết liệu tôi có muốn quay lại không, nhưng bây giờ tôi chắc chắn 100% là tôi sẽ làm. Tôi muốn biết làm thế nào một xã hội với các quy tắc tốt hơn có thể hoạt động, và học hỏi từ họ và quay trở lại.
Chile
Chuyện gì đã xảy ra?
Các cuộc biểu tình bùng phát bởi sự gia tăng giá vé tàu điện ngầm vào tháng 10, một quyết định sau đó đã bị đảo ngược
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình sau đó trở thành một sự bất mãn về những vấn đề như chi phí sinh hoạt và bất bình đẳng, lên đến đỉnh điểm khi một triệu người đã diễu hành ở Santiago
Ít nhất có 26 người đã thiệt mạng và Liên hợp quốc đã lên án các phản ứng của cảnh sát và quân đội
Tại sao tôi biểu tình?
Daniela Benavides, một giáo viên tiếng Anh, 38 tuổi chia sẻ, tuần đầu tiên, tôi xuống đường vì có quân đội trên đường phố nên tôi muốn xem. Bạn thường thấy cảnh sát nhưng quân đội với súng máy, đó là một kịch bản hoàn toàn khác.
Ngày đầu tiên, tôi đi vì muốn chụp ảnh. Tôi có thể thấy nhiều người ở đó biểu tình, đối mặt với quân đội (Chile từng bị cai trị bởi một chế độ độc tài quân sự trong khoảng thời gian từ năm 1973 đến 1990).
Ngày hôm sau, tôi xuống đường vì tôi cảm thấy mình cần phải là một phần của phong trào này, vì tôi ủng hộ tất cả các yêu cầu, bởi tôi đã thấy sự bất bình đẳng ở nơi tôi làm việc. Chúng ta cần thay đổi hệ thống này. Nhiều người đang đau khổ. Bất kỳ người nào, bất kỳ công dân của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới này đều phải có cơ hội về học vấn, sức khỏe, điều kiện sống phù hợp, lương hưu.
Hầu hết các sinh viên của tôi nói rằng đây là một khoảnh khắc rất buồn cho họ, nhưng họ muốn được chiến đấu. Họ đã sống cả đời như thế này. Họ biết thế nào là không có tiền đi khám bệnh. Hoặc nếu không có tiền, họ sẽ không thể đi học.
Khoảnh khắc đáng nhớ nhất là cuộc biểu tình lớn nhất vào thứ Sáu 25/10. Có hơn 1,2 triệu người đã tham gia. Bạn có thể thấy nhiều gia đình, học sinh, trẻ em, mọi người đều ở đó vì chúng tôi cần phải làm gì đó và cho thế giới thấy mọi thứ không hoàn hảo. Chile craptó - Chile thức tỉnh. Bạn có thể thấy ngày hôm đó. Mọi người ở đó vừa hát, vừa đi cùng nhau. Nó thực sự, thực sự tuyệt vời.
Khi tôi thấy rất nhiều người bị cảnh sát làm bị thương, tôi đã tắt tivi. Quá sức chịu đựng của tôi. Không phải là tôi muốn sống trong bong bóng màu hồng của riêng mình. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tâm lý khỏe mạnh, bạn cần phải ngừng xem tất cả những thứ này.
Tôi vẫn đi biểu tình nhưng sau một giờ, hai giờ, tôi rời đi. Chúng tôi cần phải cẩn thận. Bạn không biết bạn sẽ bị cảnh sát bắn trúng hoặc bị trúng phải một quả bom xăng lúc nào.
Hong Kong
Chuyện gì đã xảy ra?
Biểu tình bắt đầu vào tháng 6 về một dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc Đại lục
Dự luật này sau đó bị rút bỏ nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục, khi những người biểu tình đưa ra 5 yêu cầu chính.
Có thời điểm, hàng trăm nghìn người đã xuất hiện trên đường phố Hong Kong. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục.
Tại sao tôi biểu tình?
Helen, 30 tuổi chia sẻ, tôi đã ở đó khi phong trào Dù vàng diễn ra. Nhưng lần này tôi cảm thấy nó rất khác.
Rất nhiều người đã hết sức thất vọng về Phong trào Dù vàng năm 2014. Lần này, chúng tôi cảm thấy nó như là một sự hồi sinh của 5 năm trước. Rất nhiều người mà tôi gặp đã nói rằng nếu [cải cách] không xảy ra, chúng tôi sẽ không bao giờ làm được điều đó và chúng tôi sẽ phải chấp nhận sống như thế. Vì vậy, đây chính là cơ hội để thay đổi.
Trong một thời gian, tôi nghĩ rằng phong trào sẽ chết. Tuy nhiên, cái cách mọi người bị đối xử tàn bạo hơn trước - chúng tôi bị bắn hơi cay trong khi không hề ở gần tiền tuyến, khiến nhiều người rất tức giận.
Rất nhiều lần trong suốt 6 tháng qua, tôi đã lo sợ phong trào sẽ tàn lụi dần và kể từ khi cuộc bầu cử quận [khi các nhóm ủng hộ dân chủ chiếm được lợi thế chưa từng có vào tháng 11], mọi thứ đã dịu xuống. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng nó sẽ dừng lại sớm như vậy. Nhiều người tiếp tục biến mất, nhiều người tiếp tục bị bắt. Và những người trẻ tuổi vẫn đang tiếp tục đấu tranh, đó là điều không thể tin được.
Đó là một sự kiện đau thương mà chỉ đến bây giờ, sau khi tôi rời Hong Kong, tôi mới cảm thấy bình thường hơn một chút. Tôi bị bủa vây bởi tin tức, và tôi có một nhóm trên Telegram mà tôi đã phải tắt tiếng. Tuy nhiên, cứ mỗi giờ, tôi vẫn kiểm tra tin tức.
Tôi khá bi quan về việc những yêu cầu được đáp ứng. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ có được quyền bầu cử phổ thông. Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép nó xảy ra. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng rằng một số nhu cầu sẽ được đáp ứng. Nó sẽ không bao giờ là một chiến thắng đầy đủ, nhưng dù sao chiến thắng nhỏ vẫn tính.