Điểm sáng trong bức tranh thương mại toàn cầu

Một phần của tài liệu BCA246 (Trang 29 - 31)

TTXVN (Tokyo) - Năm 2019, bức tranh thương mại toàn cầu chủ yếu gồm những gam màu tối với hàng loạt xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, một điểm sáng trong bức tranh đó là những tiến triển trong các cuộc đàm phán về các hiệp định thương mại tự do ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản. Phóng viên TTXVN tại Tokyo phân tích với góc nhìn từ Nhật Bản, quốc gia được đánh giá có vai trò lớn trong thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu:

Năm 2019, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng trên thế giới và hệ quả là, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã trở nên gay gắt hơn, trong đó đáng chú ý có cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây được coi là bước thụt lùi quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu sau một thời gian nền kinh tế thế giới đã có những bước tiến dài trong nỗ lực tự do hóa thương mại và đầu tư. Điều này đã tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại toàn cầu, làm suy yếu các thiết chế thương mại đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có ảnh hưởng sâu rộng đến công tác quản trị kinh tế toàn cầu cũng như quan hệ giữa các quốc gia và khu vực.

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản nổi lên như một nước đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại và giữ vai trò chi phối trong các hiệp định thương mại tự do quan trọng trong khu vực.

Thứ nhất, với vai trò chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, Nhật Bản đã thành công trong việc thuyết phục Mỹ và các nền kinh tế chủ chốt khác ủng hộ “một hệ thống thương mại và đầu tư tự do nhằm đảm bảo thương mại tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, có thể đoán trước và ổn định” cũng như cam kết sử dụng "tất cả các công cụ chính sách" để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu giữa lúc có nhiều rủi ro tiêu cực. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều rủi ro xuất phát từ những căng thẳng và bất đồng giữa các nền kinh tế lớn, việc các thành viên G20 nhất trí thúc đẩy thương mại tự do, công bằng và không phân biệt là một điểm nhấn quan trọng, có tác động “định hướng” cho hoạt động giao thương toàn cầu trong tương lai.

Thứ hai, hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực ở 6 nước đầu tiên là Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Mexico, Singapore vào cuối năm ngoái và tại Việt Nam vào ngày 14/1/2019. Đây là thành quả của những nỗ lực không biết mệt mỏi của Nhật Bản nhằm cứu vãn thỏa thuận này sau khi Mỹ quyết định rút khỏi TPP vào cuối năm 2017. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ngày 1/2, Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức có hiệu lực. Hiệp định này giúp cắt giảm mạnh thuế quan giữa EU và Nhật Bản, mở đường cho sự lưu chuyển thương mại đơn giản hơn và nhanh hơn giữa hai bên, và do đó tăng kim ngạch thương mại song phương.

Thứ ba, sau khi thành công trong việc cứu vãn TPP, năm 2019, Nhật Bản tiếp tục đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đối tác. Mặc dù Ấn Độ đã quyết định rút khỏi cuộc đàm phán nhưng 15 nước còn lại vẫn quyết tâm kết thúc cuộc đàm phán về hiệp định này. Nếu được ký kết, RCEP-15 sẽ là một thỏa thuận thương mại khu vực có quy mô lớn và tầm ảnh hưởng mang tính hệ thống trên toàn cầu.

Thứ tư, năm 2019, Nhật Bản cũng thành công trong việc ký kết thỏa thuận thương mại mới với Mỹ nhằm giải quyết vấn đề gai góc trong quan hệ với Washington đó là thâm hụt thương mại. Hiệp định này đã được Quốc hội Nhật Bản thông qua vào đầu tháng 12 và dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm tới.

Tuy nhiên, năm 2019, Nhật Bản cũng có xung đột thương mại với Hàn Quốc, chủ yếu do các vấn đề lịch sử. Hai bên đã liên tục có những hành động trả đũa lẫn nhau trong lĩnh vực thương mại. Mặc dù vậy, có một số dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai nước đang dần cải thiện. Hy vọng rằng với thiện chí của hai bên, các mâu thuẫn sẽ được giải quyết để đưa quan hệ giữa hai nước láng giềng trở lại quỹ đạo trước đây./.

Một phần của tài liệu BCA246 (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(31 trang)
w