Kính thưa Chủ tọa kỳ họp. Kính thưa Quốc hội.
Trước hết tôi xin nhất trí với những nội dung chủ yếu Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Có thể khẳng định rằng trong những năm qua thực hiện Nghị quyết 41 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Quốc hội đã ban hành Luật bảo vệ môi trường năm 2005 đến nay chúng ta đã đạt được những kết quả đó là vấn đề bảo vệ môi trường về tổ chức thực hiện bảo vệ môi trường ngày càng được sự quan tâm của các cấp quản lý, các doanh nghiệp và cả cộng đồng. Các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường được từng bước bổ sung và hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn có những hạn chế. Qua báo cáo đánh giá cho thấy có nhiều khu kinh tế, làng nghề gây ô nhiễm môi trường, hệ thống xử lý nước thải, bãi đổ rác thải nhiều nơi có quy hoạch nhưng chưa được xây dựng, cho nên ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí hiện nay cũng như những năm tới khi các khu kinh tế, các khu cụm công nghiệp, làng nghề ngày càng trầm trọng hơn nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường. Như chúng ta đã biết bảo vệ môi trường là một trong những trụ cột để phát triển bền vững của mỗi quốc gia, vì vậy tôi xin kiến nghị như sau.
Một, cần tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, Nhà nước cần tăng đầu tư trong công tác nghiên cứu ứng dụng và triển khai các biện pháp xử lý nước thải, rác thải, có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, có văn bản quy định về nghĩa vụ phải đóng góp kinh phí cho việc xử lý các chất thải, nước thải trong quá trình sản xuất, tăng cường đầu tư các thiết bị về quan trắc môi trường.
Thứ hai, đổi mới hoàn thiện bộ máy quản lý Nhà nước và nguồn nhân lực về môi trường, cần phải tăng cường quản lý Nhà nước về môi trường, công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, giữa các cơ quan ở Trung ương, ở địa phương và phối hợp trong quản lý khu kinh tế, cụm khu công nghiệp và làng nghề, quan tâm đào tạo bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ về môi trường.
Ba, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về môi trường, công tác thanh tra, kiểm tra cần được quan tâm, trong đó có các quy định thanh tra liên ngành nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý những đơn vị sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Xử lý nghiêm minh, thậm chí quy định những đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ phải đình chỉ sản xuất. Ngoài những nội dung ô nhiễm môi trường trong báo cáo giám sát đề nghị thời gian tới tiếp tục giám sát về việc ô nhiễm môi trường đối với các đơn vị sản xuất ngoài các khu kinh tế, cụm công nghiệp và làng nghề, các khu đông dân cư. Hiện nay theo báo cáo đánh giá hàng năm, nhiều đơn vị gây ô nhiễm môi trường nặng ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, thành phần chất ô nhiễm trong nước thải DOD vượt 2,2 lần, COD vượt 1,75 lần, sufua vượt 2,78 lần, như vậy sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
Bốn, vấn đề môi trường ở các làng nghề cần có những phương án lộ trình quy hoạch đất để di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, cùng với đó phải đầu tư nghiên cứu áp dụng các biện pháp khoa học để xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
Kính thưa Quốc hội! Môi trường, bảo vệ môi trường đặt ra vấn đề bức thiết, vì vậy Quốc hội cần tiếp tục ban hành các quy định nhằm hoàn thiện hơn về mặt cơ chế chính sách, đáp ứng kịp thời trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tôi xin hết.