Những xu hướng cần lư uý

Một phần của tài liệu BCA060 (Trang 34 - 37)

III. CÁC VẤN ĐỀ QUỐC TẾ

Những xu hướng cần lư uý

TTXVN (Cairo) - Dịch COVID-19 rõ ràng đang tạo ra những thách thức lịch sử đối với nền kinh tế toàn cầu và ngành y tế, đồng thời, có thể để lại những hậu quả chính trị cả trong ngắn hạn và dài hạn. Báo cáo tổng quan của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế đã vạch ra 7 xu hướng nổi lên từ đại dịch này, nội dung như sau:

Thứ nhất: Sự tổn thương của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi xung đột

Dân số tại các quốc gia bị ảnh hưởng từ xung đột hay trong tàn dư chiến tranh đều dễ bị tổn thương trước sự bùng phát của dịch bệnh. Trong nhiều trường hợp, chiến tranh hoặc tình trạng bất ổn kéo dài, đặc biệt là khi kết hợp cùng quản trị sai lầm, tham nhũng hoặc các lệnh trừng phạt nước ngoài, khiến hệ thống y tế quốc gia không được chuẩn bị tốt để ứng phó với dịch COVID-19.

Kinh nghiệm từ sau đợt bùng phát dịch Ebola hồi năm 2014 ở Guinea, Liberia và Sierra Leone cho thấy, virus lây lan không chỉ vì sự giám sát dịch tễ không hiệu quả và năng lực yếu kém của hệ thống y tế, mà còn do người dân hoài nghi về những gì chính phủ tuyên bố hoặc yêu cầu người dân làm theo. Những nghi ngờ này xuất phát một phần từ thông tin sai lệch và tình trạng căng thẳng chính trị dai dẳng ở một số khu vực bị chiến tranh tàn phá trong thập kỷ qua.

Thứ 2: Làm suy yếu quản lý khủng hoảng quốc tế và cơ chế giải quyết xung đột

Tình trạng hạn chế đi lại bắt đầu ảnh hưởng tới các nỗ lực hòa giải quốc tế. Đặc phái viên LHQ tại Trung Đông không thể di chuyển trong khu vực này do nhiều nước

đóng cửa sân bay. Nhiều tổ chức đã đình chỉ các sáng kiến ngoại giao khu vực từ Nam Caucasus đến Tây Phi, trong khi phái viên Nhóm liên lạc quốc tế tại Venezuela (một nhóm các quốc gia châu Âu và Mỹ Latinh đang tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Venezuela) đã phải hủy chuyến đi tới Caracas, vốn bị trì hoãn từ lâu vì những lý do liên quan tới dịch COVID-19. Dịch bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc đàm phán hòa bình Afghanistan được lên kế hoạch theo sau thỏa thuận sơ bộ trong tháng 2 vừa qua giữa Mỹ và Taliban, hoặc ít nhất làm giảm số lượng các bên tham gia đàm phán.

Một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo EU và các quốc gia G5 Sahel (gồm Burkina Faso, Chad, Mali, Mauritania và Nigeria) cũng đã bị hủy bỏ, giáng một đòn mạnh vào nỗ lực thúc đẩy các hoạt động chống khủng bố trong khu vực.

Thứ 3: Rủi ro trật tự xã hội

COVID-19 có thể tạo ra những sức ép lớn đối với xã hội và các hệ thống chính trị, châm ngòi nguy cơ bùng phát bạo lực mới. Trong ngắn hạn, mối đe dọa từ dịch bệnh sẽ là tác nhân ngăn chặn tình trạng bất ổn khi những người biểu tình tránh các cuộc tụ tập đông người.

Dấu hiệu sớm của rối loạn xã hội đã có thể quan sát được tại Ukraine, khi những người biểu tình tấn công xe buýt chở người dân hồi hương từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), với cáo buộc rằng họ đang mang mầm bệnh về nước. Hay những lao động Trung Quốc ở Kenya phải đối mặt với sự quấy rối liên quan đến nghi ngờ rằng các chuyến bay của hãng hàng không China Southern Airline đang mang virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào nước này.

Có nhiều bằng chứng cho thấy có sự gia tăng định kiến đối với người Trung Quốc ở Mỹ và các nước phương Tây khác. Dịch COVID-19 có nguy cơ thúc đẩy hơn nữa tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực nhằm vào người nước ngoài.

Thứ 4: Khai thác chính trị trong khủng hoảng

Trong bối cảnh áp lực xã hội gia tăng, giới lãnh đạo chính trị sẽ có nhiều cơ hội để cố gắng khai thác dịch COVID-19, hoặc để củng cố quyền lực trong nước, hoặc theo đuổi lợi ích của họ ở nước ngoài.

Khi dịch bệnh tạo ra khủng hoảng, một số nhà lãnh đạo có thể ra lệnh áp dụng các biện pháp hạn chế và sau đó kéo dài chúng với hy vọng dập tắt các ý kiến bất đồng khi dịch bệnh thuyên giảm. Những biện pháp như vậy, có thể bao gồm lệnh cấm vô thời hạn đối với các cuộc tụ tập đông người nơi công cộng (vốn được nhiều chính phủ áp dụng để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19) nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình.

Một số nhà lãnh đạo cũng có thể coi COVID-19 là vỏ bọc để bắt đầu theo đuổi cuộc phiêu lưu gây bất ổn ở nước ngoài, nhằm làm chệch hướng sự bất mãn trong nước, hoặc vì họ cảm thấy sẽ gặp phải ít cản trở hơn trong bối cảnh thế giới đang mải mê đối phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ chĩa “mũi dùi” vào Trung Quốc sau các cáo buộc về nguồn gốc của dịch bệnh, mà còn chỉ trích các nước Liên minh châu Âu (EU) không thể ngăn chặn dịch bệnh này.

Trung Quốc, sau khi phải đối phó với hậu quả của sự bùng phát dịch bệnh ban đầu, Bắc Kinh bắt đầu đáp trả Washington bằng cách cáo buộc Mỹ tiến hành một chiến dịch thông tin sai lệch vô trách nhiệm. Trung Quốc cũng nhận thấy cơ hội trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu để có được ảnh hưởng lớn hơn đối với các quốc gia khác, thông qua nghĩa cử nhân đạo. Trung Quốc đã sử dụng bộ máy ngoại giao của mình để xác định vị thế như một bên quốc tế dẫn dắt cuộc chiến chống lại sự bùng phát tiềm tàng của COVID-19 trên lục địa châu Phi.

Ngày 19/3, Bắc Kinh tiếp tục củng cố chính sách ngoại giao của mình trong vấn đề này, công bố kế hoạch xây dựng một Trung tâm nghiên cứu phòng chống dịch bệnh châu Phi ở thủ đô Nairobi của Kenya. Bắc Kinh cũng đã đưa ra lời đề nghị hỗ trợ các nước thành viên EU, nhằm giảm bớt những chỉ trích của châu Âu nhằm vào Trung Quốc về công tác xử lý ban đầu đối với “ổ dịch” tại Vũ Hán.

Thứ 6: Những cơ hội nắm bắt

Mặc dù các dấu hiệu cảnh báo liên quan đến COVID-19 là rất đáng lo ngại, song cũng có những tia hy vọng mong manh. Quy mô của dịch bệnh tạo ra những “dư địa” cho nghĩa cử nhân đạo giữa các đối thủ với nhau. Ví dụ, UAE đã vận chuyển hơn 30 tấn hàng viện trợ nhân đạo cho Iran để đối phó với dịch bệnh (ngược lại, Bahrain đã nhân cơ hội này để buộc tội Cộng hòa Hồi giáo Iran có hành vi “tấn công sinh học”). Các quốc gia có quan hệ chặt chẽ hơn với Iran như Kuwait và Qatar, cũng đã có các hình thức hỗ trợ khác nhau. Trong khi đó, Tổng thống Trump đã viết thư cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong- un, bày tỏ sẵn sàng giúp Bình Nhưỡng đối phó với dịch bệnh này. Mặc dù đóng cửa biên giới với Venezuela, chính phủ Colombia cũng đã có liên hệ chính thức đầu tiên với Caracas kể từ hơn một năm qua, thông qua sự bảo trợ của Tổ chức Y tế liên châu Mỹ, để thảo luận về cách thức ứng phó y tế chung ở khu vực biên giới. Các chính trị gia chống cánh tả tại Venezuela đã lên kế hoạch làm việc với đối thủ của họ để giải quyết cuộc khủng hoảng. Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố đơn phương ngừng bắn một tháng với phiến quân, nhằm cho phép chính phủ có thời gian tập trung đối phó dịch bệnh.

Khảo sát cho thấy, các phe phái đối địch thường xuyên ứng phó với thảm họa thiên nhiên bằng các thỏa thuận giảm bạo lực. Động lực tương tự có thể áp dụng đối với các cuộc xung đột khi xử lý COVID-19, dù dịch bệnh này sẽ gây nhiều khó khăn hơn cho các bên trung gian hòa giải và các tổ chức đa phương trong hỗ trợ nỗ lực kiến tạo hòa bình.

Thứ 7: Giải pháp giảm thiểu khủng hoảng tiềm tàng

Trong tương lai, các chính phủ sẽ phải quyết định có nên ủng hộ cách tiếp cận mang tính hợp tác hơn trong xử lý khủng hoảng hay không, không chỉ về mặt y tế toàn cầu mà còn về thách thức an ninh và chính trị. Giới lãnh đạo phải đối mặt với áp lực tập trung và dành ngân sách cho các ưu tiên trong nước, đặc biệt là sẵn sàng bỏ qua rủi ro xung đột ở các quốc gia nhỏ bé hoặc không quá quan trọng. Tuy nhiên, nếu khủng hoảng không

được xử lý một cách khéo léo, tình hình tại các khu vực chìm trong xung đột, bạo lực leo thang và hệ thống đa phương sẽ càng trở nên mong manh hơn. Một điểm quan trọng cần quan sát là các quốc gia và thể chế đa phương sẽ triển khai những biện pháp phòng ngừa, giảm nhẹ tác động của dịch bệnh đối với vấn đề hòa bình và an ninh như thế nào.

Tóm lại, dịch COVID-19 có nguy cơ diễn biến phức tạp và gây ra những tác động trong dài hạn. Dịch bệnh sẽ khiến các nỗ lực ngoại giao, đặc biệt là ngoại giao khủng hoảng, trở nên khó khăn hơn. Điều quan trọng là các chính phủ cần phải giữ kênh liên lạc và tinh thần hợp tác trong giai đoạn hệ thống quốc tế dường như đã sẵn sàng bước vào chu kỳ phân tách mới./.

Một phần của tài liệu BCA060 (Trang 34 - 37)