Trung Quốc gia tăng tính chất, mức độ khiêu khích trên Biển Đông
TTXVN (Sydney, Kuala Lumpur) - Trang Epoch Times ngày 30/3 đăng bài phân tích về hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông trong bối cảnh Mỹ đang tập trung đối phó với đại dịch COVID-19, nội dung như sau:
Trung Quốc đã triển khai lực lượng “dân quân biển” tiến vào Biển Đông nhằm khiêu khích quân sự trong bối cảnh Mỹ đang “bận rộn” chiến đấu với virus SARS-CoV-2.
Theo dữ liệu theo dõi tàu thuyền và hình ảnh vệ tinh, ngay từ đầu tháng 1/2020, tàu “dân quân biển” Trung Quốc đã qua lại cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo Global Fishing Watch (Hệ thống Giám sát đánh cá toàn cầu), Trung Quốc có các hoạt động đánh bắt cá quy mô nhất và phạm vi xa nhất trên thế giới, thậm chí vượt cả 10 quốc gia lớn nhất cộng lại. Trung Quốc đã triển khai 672.00 tàu cá gắn động cơ, trong đó có 2.500 tàu cá đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, khó có thể tìm thấy cá trên những tàu “dân quân biển” với hàng nghìn thuyền viên được huấn luyện quân sự bài bản này.
Giáo sư Andrew Erickson thuộc Viện nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (CMSI), Đại học Tác chiến Hải quân Mỹ, cho biết “dân quân biển” Trung Quốc đã triển khai ít nhất 84 tàu được đóng có chủ đích với vòi rồng công suất lớn và gia cố vỏ thép cho các vụ va chạm.
Dẫu vậy, hoạt động của các tàu “dân quân biển” thường núp dưới bóng của Hải quân Trung Quốc hoặc lực lượng Hải cảnh. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) năm 2017, Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc đã liên tục cạnh tranh với Mỹ, không hẳn như thời chiến, song cũng không hẳn như thời bình. NSS cũng xác định mỗi một lực lượng trong 3 lực lượng vũ trang biển của Trung Quốc đều đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng và ngày càng tăng đối với lợi ích và các giá trị của Mỹ.
Nhóm tàu sân bay tấn công USS Theodore Roosevelt, cùng Đơn vị Thám hiểm biển số 31 với sự hỗ trợ của các đồng minh, đã tiến hành một “chiến dịch tự do hàng hải” ở Biển Đông, bao gồm chuyến thăm lịch sử tới Đà Nẵng hôm 4/3 vừa qua nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ Mỹ- Việt.
Các tàu “dân quân biển” Trung Quốc bị phát hiện qua lại khu vực Đá Gạc Ma, ở góc phía Tây Nam cụm Sinh Tồn, hôm 14/3 –là khoảng thời gian kỷ niệm trận chiến Gạc Ma năm 1988.
Tháng 2 vừa qua, Trung Quốc đã gia tăng tính chất, mức độ các hoạt động khiêu khích khi các đơn vị quân đội Trung Quốc trong đất liên bắn tia la-ze vào các máy bay tuần tra của Mỹ hoạt động ở Biển Đông.
Không quân Trung Quốc cũng bắt đầu các cuộc tập trận tại Biển Hoa Đông, trong đó máy bay Shaanxi Y-8 thực hiện các hoạt động chống tàu ngầm trong vùng biển tranh chấp ngoài khơi bờ biển Đài Loan.
Ngày 23/3, Mỹ đáp trả bằng cách điều máy bay trinh sát Lockheed EP-3E thực hiện giám sát giữa Đài Loan và Philippines.
Ngày 24/3, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry cùng tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Shiloh tiến hành một vụ phóng tên trên Biển Đông. Trong một động thái bất thường, Hạm đội 7 của Mỹ đã đăng video về việc kích hoạt và phóng tên lửa tầm trung SM- 2 trên trang Facebook của mình.
Sự hiếu chiến như trên của Trung Quốc thường sẽ buộc Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, vốn đã di chuyển theo hướng Tây về phía Philippines, đảo ngược lịch trình và tái thiết lập ảnh hưởng của Mỹ tại Biển Đông. Tuy nhiên, ngày 24/3, lực lượng đặc nhiệm Hải quân hùng mạnh nhất thế giới này đã buộc phải “án binh bất động” do COVID-19.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc John Aquilino cho biết tàu USS Theodore Roosevelt sẽ di chuyển tới đảo Guam, cách Biển Đông khoảng 2.000 hải lý. Tướng John Aquilino cũng cảnh báo “các đối thủ” của Mỹ rằng hạm đội dưới quyền chỉ huy của ông luôn “trong trạng thái sẵn sàng phản ứng khi cần thiết”.
Trung Quốc đặt cược yêu sách vào các vùng biển nhiều cá của Indonesia
TTXVN (Jakarta) - Tờ News York Times ngày 31/3 đăng bài phản ánh tình trạng các tàu cá Trung Quốc được các tàu hải cảnh có vũ trang hộ tống đã xâm nhập trái phép vùng biển của Indonesia.
Theo bài viết, với sự hộ tống của các tàu hải cảnh có vũ trang, các đội tàu cá Trung Quốc đã đột nhập vào những vùng biển giàu tài nguyên vốn được quốc tế công nhận là vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở Biển Đông để đánh bắt cá.
Trong khi ngư dân Indonesia đánh bắt theo cách truyền thống, tàu cá vỏ thép của Trung Quốc càn quét dưới đáy biển, phá hủy môi trường của các sinh vật biển. Vì vậy, không chỉ vi phạm các đường biên giới trên biển, tàu cá Trung Quốc còn tàn sát sự sống ở những nơi đi qua. Dedi, một ngư dân Indonesia, nói: “Họ vào vùng biển của chúng tôi và giết tất cả mọi thứ. Tôi không hiểu tại sao chính phủ Indonesia không bảo vệ chúng tôi”.
Các quan chức Indonesia đã giảm nhẹ tầm quan trọng của các vụ đột nhập của tàu cá Trung Quốc để cố gắng tránh xung đột với Bắc Kinh xung quanh các yêu sách chồng lấn của Trung Quốc tại các vùng biển này. Lý do là họ tránh xúc phạm đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia. Tuy nhiên, với sự hiện diện ngày càng hung dữ của Trung Quốc, ngư dân ở vùng biển Natuna đang cảm thấy bị tổn thương. Ngesti Yuni Suprapti, Phó huyện đảo Natuna nói: “Sau một khoảng thời gian vắng mặt, Trung Quốc đã quay trở lại. Ngư dân của chúng tôi đang cảm thấy sợ hãi”.
Theo các ngư dân, lần đột nhập gần nhất diễn ra vào tháng 2/2020. Các tàu cá Trung Quốc được các tàu hải cảnh hậu thuẫn đã thả lưới rê trong vùng biển của Indonesia.
Có vẻ như việc dịch bệnh COVID-19 đang lên đến đỉnh điểm ở Trung Quốc vào thời điểm đó đã không tác động gì đến tham vọng toàn cầu của nước này.
Tuy nhiên, Bộ Biển và Nghề cá Indonesia đã phủ nhận mọi hành động xâm nhập của Trung Quốc. Chính phủ Indonesia cũng không cung cấp số liệu về các vụ xâm nhập của các tàu đánh cá nước ngoài.
Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc gần quần đảo Natuna đã nhắc nhở chính phủ các nước trong khu vực về động thái Bắc Kinh mở rộng yêu sách đối với tuyến đường thủy vốn chiếm tới 1/3 giao thương hàng hải thế giới.
Các nhà lãnh đạo địa phương ở Natuna không kiểm soát các hoạt động diễn ra gần bờ biển của họ. Người đứng đầu Hội đồng Natuna, ông Andes Putra nói: “Chúng tôi chỉ có thẩm quyền đối với vùng đất của mình. Chính quyền tỉnh và trung ương quản lý phần biển”. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng thẩm quyền ra quyết định lại đang bị phân tán giữa nhiều cơ quan cùng chịu trách nhiệm bảo vệ biển, ví dụ như hải quân, lực lượng tuần duyên, cảnh sát biển, Bộ Biển và Nghề cá. Evan Laksmana, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Jakarta nói: “Indonesia đang thiếu một cơ quan lãnh đạo nhất quán hoặc một chính sách xuyên suốt về an ninh hàng hải. Người Trung Quốc có thể tận dụng điều đó”.
Sự vô can của Trung Quốc đã được thể hiện rõ vào tháng 1/2020, khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo có chuyến thăm tới Natuna.
Ông Joko phát biểu: “Chủ quyền của chúng ta là không thể thương lượng”. Trước đó, các tiêm kích của Indonesia gầm rú trên trời, trong khi các tàu chiến tuần tra trên biển. Tuy nhiên, các quan chức địa phương và ngư dân cho biết, một ngày sau khi Tổng thống Joko rời Natuna, người Trung Quốc lại xuất hiện. Đội tàu đánh cá của họ với sự hộ tống của các tàu hải cảnh phải nhiều ngày sau đó mới chịu rời khỏi khu vực này. Trong khi đó, Bộ Biển và Nghề cá phủ nhận mọi thông tin liên quan.
Trên bản đồ Trung Quốc, “đường 9 đoạn” thể hiện hầu hết diện tích Biển Đông là của Trung Quốc. Một trong 9 đoạn này cắt ngang qua vùng biển Bắc Natuna. Trong khi Bắc Kinh công nhận chủ quyền của Indonesia đối với chính Natuna, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại mô tả vùng biển gần đó là “ngư trường truyền thống” của nước này.
Wandarman, một ngư dân ở Natuna nói: “Tôi nghĩ rằng, Trung Quốc sẽ chiếm các vùng biển của Indonesia, của Philippines, và của Việt Nam – từng bước một. Trung Quốc đang khát dầu, khí đốt và cá”.
Các ngư dân Trung Quốc đang giúp đáp ứng cơn thèm khát hải sản ngày càng tăng của người dân nước này bằng cách thả lưới rê trên khắp Biển Đông. Song họ cũng đang phục vụ một mục đích rộng lớn hơn. Ryan Martinson, trợ lý giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nói: “Bắc Kinh muốn các ngư dân Trung Quốc hoạt động tại đây vì sự hiện diện của họ giúp thể hiện các yêu sách hàng hải của nước này”.
Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Joko, Bộ trưởng Biển và Nghề cá Susi Pudjiastuti đã mạnh tay với các tàu cá Trung Quốc và các nước khác đánh bắt trái phép
trong vùng biển của Indonesia. Hải quân đã nổ súng cảnh cáo vào các tàu cá Trung Quốc. Bà Susi đã ra lệnh bắt giữ các tàu cá nước ngoài và đánh chìm hàng chục chiếc trong số đó. Một tàu đánh cá bằng lưới rê của Việt Nam vẫn đang nửa chìm nửa nổi tại một cảng ở Natuna.
Ngư dân Natuna cho biết do chính sách của bà Susi đánh chìm tàu cá nước ngoài, các tàu Trung Quốc đã ngừng xâm nhập với số lượng lớn. Idil Basri, thuyền trưởng một tàu đánh cá ở Natuna nói: “Bà ấy đã bảo vệ chúng tôi và bảo vệ Indonesia”.
Theo giới phân tích, lập trường của bà Susi được người dân ủng hộ, nhưng lại khiến những người trong chính phủ cảm thấy khó chịu vì cho rằng lập trường của bà quá đối đầu. Khi ông Jokowi chọn các bộ trưởng cho nội các nhiệm kỳ hai vào tháng 10/2019, bà Susi đã bị thay thế bằng một bộ trưởng được cho là “ôn hòa” hơn với Trung Quốc.
Tình hình ở Natuna lập tức thay đổi. Ông Dedi nói: “Tàu Trung Quốc đã quay trở lại”.
Vào cuối tháng 10/2019, một ngày sau khi nội các của Tổng thống Jokowi ra mắt, tàu cá của ông Dedi đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý - trong đó chỉ có người Indonesia được luật pháp quốc tế cho phép đánh bắt cá. Một tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện, theo sau đó là một tàu khác. Ông Dedi đã bật máy quay video để đánh dấu tọa độ tàu của mình: cách Natuna 72 hải lý về phía Bắc. Mặc dù các tàu quân sự nước ngoài được phép đi qua vô hại tại vùng biển này, song các tàu hải cảnh Trung Quốc lại đang bảo vệ các tàu cá của nước này.
Sau khi bàn giao video của mình cho giới chức hàng hải địa phương, ông Dedi chờ đợi có hành động. Song không có gì xảy ra, vì vậy ông đã cho đăng đoạn clip lên mạng xã hội Facebook. Các cơ quan an ninh của Indonesia đã gọi cho ông và đưa ra những lời lẽ hăm dọa mơ hồ.
Việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực trên các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông đã giúp tăng cường khả năng hoạt động của các tàu hải cảnh của nước này tại vùng biển gần quần đảo Natuna. Trong các trận bão, tàu cá Trung Quốc cũng có thể trú ẩn tại các đảo nhân tạo này.
Vào năm 2016, khi giới chức Indonesia cố gắng áp giải một tàu cá Trung Quốc hoạt động ngoài khơi Natuna, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã can thiệp và cắt đứt dây kéo để giải thoát cho các ngư dân Trung Quốc.
Để ngặn chặn sự hiện diện của Trung Quốc, Indonesia đã bắt đầu xây dựng một căn cứ quân sự ở Natuna 4 năm trước. Hiện cơ sở này đang gần như bị bỏ trống, ngoại trừ một vài binh sĩ.
Chiến thuật mới nhất của Jakarta là chuyển hàng trăm ngư dân từ đảo Java đông dân đến Natuna để hoạt động như những người lính hải quân. Song ngư dân Natuna phản đối ý tưởng này do ngư dân Java được nhà nước trợ cấp và thực hiện công việc đánh bắt tầm đáy mang tính hủy diệt tương tự như người Trung Quốc.
Ông Wandarman nói rằng hoạt động của các tàu cá nước ngoài trong những tháng gần đây khiến sản lượng đánh bắt của ông giảm đi một nửa. Song đánh cá là kế sinh nhai
của ông. Hòn đảo ông đang sống chỉ có hai cụm đèn giao thông và không có gì nhiều để hỗ trợ cư dân ngoài biển: “Tàu cá của chúng tôi nhỏ bé và bằng gỗ, trong khi tàu hải cảnh Trung Quốc được trang bị vũ khí và hiện đại. Nỗi sợ của tôi ở ngoài kia còn lớn hơn biển”.
Ít nhất 100 thủy thủ nhiễm bệnh, Hạm trưởng tàu Theodore Rooseveltyêu cầu trợ giúp yêu cầu trợ giúp
TTXVN (The New York Times, Wall Street Journal, San Francisco ) - Hạm trưởng tàu sân bay Mỹ với hàng nghìn phi hành đoàn đã kêu gọi sự trợ giúp khẩn cấp để ngăn chặn sự bùng phát của virus corona trên tàu.
Nhiều người trên tàu sân bay Theodore Roosevelt đã có kết quả dương tính với virus corona. Tàu hiện đang cập cảng tại đảo Guam. Trong thư gửi Lầu năm góc ngày 30/3, Hạm trưởng Brett Crozier viết: "Chúng ta không phải đang trong thế chiến. Thủy thủ không cần phải hy sinh tính mạng".
Hạm trưởng Crozier đề nghị cách ly gần như toàn bộ phi hành đoàn. Trong thư, Hạm trưởng Crozier nói rằng với số lượng lớn các thủy thủ sống trong các không gian hạn chế trên tàu sân bay, cách ly các cá nhân bị nhiễm virus corona là không thể. Ông cảnh báo: “Sự lây lan của virus corona hiện vẫn đang tiếp diễn và tăng tốc. Hành động mang tính quyết định là cần thiết. Loại ra phần lớn nhân viên khỏi tàu sân bay hạt nhân được triển khai của Mỹ và cách ly họ trong hai tuần có vẻ như là một biện pháp lớn. Đây là nguy cơ cấp bách."
Hiện chưa rõ có bao nhiêu thành viên phi hành đoàn trên Theodore Roosevelt nhiễm virus corona. Theo tờ San Francisco, tờ báo đầu tiên đăng bức thư, ít nhất 100 thủy thủ đã bị nhiễm bệnh.
Trả lời hãng tin Reuters, một người phát ngôn của Hải quân Mỹ cho biết các dịch vụ "nhanh chóng thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của phi hành đoàn USS Theodore Roosevelt".