Mỹ sẽ thảm bại vì Donald Trump

Một phần của tài liệu BCA060 (Trang 32 - 34)

III. CÁC VẤN ĐỀ QUỐC TẾ

Mỹ sẽ thảm bại vì Donald Trump

TTXVN (project-syndicate.org) - Một đại dịch đang bao trùm toàn thế giới, gây nguy hiểm cho sinh mạng và kế sinh nhai của hàng triệu người, còn Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang suy nghĩ về cách để có thể vượt trội hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh của ông với một chiến thắng trong cuộc cạnh tranh siêu cường này - điển hình như sự thiển cận của chính quyền của ông khi khăng khăng gọi virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) là “virus Trung Quốc” hay “virus Vũ Hán” - đang khiến cho chiến thắng này ngày càng trở nên xa vời.

Không ai nghi ngờ gì về việc SARS-CoV-2 đã xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc. Cũng không ai chối bỏ rằng các quan chức Trung Quốc đã sai lầm khi bưng bít thông tin về nó từ đầu, thay vì lập tức hành động để ngăn chặn nó. Tuy nhiên, đối với hầu như toàn bộ thế giới, vấn đề về xuất phát điểm của đại dịch không phải quá quan trọng, mà quan trọng là cách thức để chấm dứt nó. Giờ đây, Trung Quốc đang làm nhiều hơn Mỹ để chấm dứt sự lây lan bệnh dịch.

Bất chấp những sơ suất ban đầu của mình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không mất quá nhiều thời gian để nhận ra sai lầm của họ và thực hiện những hành động quyết đoán. Chính phủ đã phong tỏa các khu vực ổ dịch, cấm một lượng lớn người dân ra khỏi nhà, xây dựng các bệnh viện dã chiến cho bệnh nhân COVID-19, tăng cường sản xuất các thiết bị cần thiết như là bộ xét nghiệm, khẩu trang và quạt thông gió.

Sự phong tỏa này có thể rất khắc nghiệt, song chiến lược của Trung Quốc dường như đã có hiệu quả. Chỉ trong vòng vài tuần, số lượng các ca nhiễm mới đã bắt đầu giảm, số ca nhiễm mới đã không phát sinh thêm. Hiện đã bắt đầu có những bước đầu tiên để nới lỏng sự phong tỏa.

Khác với Trung Quốc, Mỹ đưa ra vô số cảnh báo rằng COVID-19 đang đến gần. Thế nhưng, thay vì hành động, Trump lại xem nhẹ mối đe dọa này, chần chừ mãi mới thực hiện cam kết sử dụng Luật sản xuất quốc phòng để buộc các công ty tư nhân phải chế tạo

các trang thiết bị thiết yếu, và còn từ chối ban bố một sắc lệnh yêu cầu người dân trên toàn đất nước ở yên một chỗ.

Thêm vào đó, rõ ràng vì lo sợ cho triển vọng tái đắc cử của mình trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nên Trump đã thông báo ý định mở lại các hoạt động kinh tế Mỹ từ nay đến Lễ Phục sinh, bất chấp số ca nhiễm virus và tử vong đang tăng vọt. Đơn giản là vì ông coi trọng chính trị hơn là y tế công cộng, và đây chính xác là những gì ông đã chỉ trích giới chức Trung Quốc làm khi COVID-19 bùng nổ. Cảnh báo mới đây của Tổ chức y tế thế giới (WHO) rằng Mỹ có thể trở thành tâm dịch mới của đại dịch này dường như đã trở thành sự thật: số ca nhiễm virus tại đất nước này hiện đã cao nhất thế giới.

Trong khi đó, nhiều nơi tại châu Âu đang phải vật lộn để đối phó với đại dịch, trong đó Italy và Tây Ban Nha hiện đã vượt qua Trung Quốc về số ca tử vong vì COVID-19. Điều này, cùng với những thất bại trên cương vị lãnh đạo của Trump, đã tạo ra một niềm tin vào những tuyên bố rằng hình mẫu lãnh đạo do nhà nước chỉ huy của Trung Quốc được trang bị tốt hơn so với các hệ thống dân chủ - thường thiếu hiệu quả và trì trệ trong các vấn đề chính trị - khi phải đối phó với các cú sốc bất ngờ (hay còn gọi là các sự kiện “thiên nga đen”).

Mỹ có thể thành công trong ván cược cản trở các đồng minh sử dụng công nghệ viễn thông của Trung Quốc, song họ không thể ngăn cản thế giới học theo cách tiếp cận của Trung Quốc trong tổ chức xã hội hoặc y tế công cộng nếu chúng chứng tỏ được sự hiệu quả trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Cho đến nay, thành tích của Trung Quốc thực sự rất đáng thuyết phục.

Hàng loạt bức ảnh về những chiếc máy bay vận tải chở bác sĩ và trang thiết bị y tế của Trung Quốc đáp xuống những nơi như Rome, Tehran, đang tràn lan trên mạng xã hội toàn thế giới, càng gia tăng hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế. Hiện nay, các quốc gia đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc. Sau khi Liên minh châu Âu (EU) giảm xuất khẩu trang thiết bị y tế, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić đã nhờ cậy “bằng hữu và anh em” của ông - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - tiếp viện các nhu yếu phẩm cho đất nước mình. Vài ngày sau, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công khai cảm ơn Trung Quốc vì những đóng góp của nước này.

Không ai nhờ vả Mỹ bất cứ điều gì, và Mỹ cũng chẳng cho ai cái gì, mà chỉ giữ trong mình một sự thiếu đồng cảm theo đúng chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” của Trump. Trên thực tế, chính quyền Trump còn tích cực làm suy yếu năng lực đối phó khủng hoảng nhân đạo của các nước. Họ không chỉ từ chối nới lỏng trừng phạt với Cuba, Iran và Venezuela, mà còn góp phần trong quyết định không cung cấp gói cho vay khẩn cấp trị giá 5 tỷ USD cho Venezuela của Quỹ tiền tệ quốc tế.

Điều mà chính quyền Trump dường như không hiểu là khi bất kể một quốc gia nào không thể kiểm soát được SARS-CoV-2 thì toàn bộ thế giới đều nguy hiểm. Việc duy trì những lệnh trừng phạt đang tác động mạnh đến các hệ thống chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như ở Iran (quốc gia bị ảnh hưởng nhiều thứ ba trên thế giới), không chỉ đáng chê trách trên phương diện đạo đức, mà còn làm suy yếu chính những lợi ích của Mỹ, bởi nó

vừa tạo điều kiện cho virus tiếp tục lây lan, vừa củng cố hình ảnh hung ác của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc, cùng với Nga, đã hối thúc Mỹ thay đổi cách tiếp cận của mình. Tuy nhiên, Mỹ không chỉ dửng dưng với nỗi đau của các đối thủ, mà còn chẳng mấy quan tâm đến các đồng minh. Ngoài việc chẳng hỗ trợ gì cho các đối tác châu Âu, chính quyền Trump còn thẳng thừng và đơn phương ngăn cấm hầu hết du khách châu Âu nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 30 ngày - một động thái khiến các lãnh đạo châu Âu hết sức kinh ngạc, và công khai lên án.

Tuy nhiên, bức xúc hơn cả là nỗ lực của Trump khi muốn sở hữu độc quyền loại vaccine mà công ty CureVac của Đức đang phát triển, điều mà một quan chức Mỹ gọi là “cường điệu quá đáng”. Châu Âu đã quá quen với tính bốc đồng của Trump, song lần này thì mọi thứ đã đi quá xa. EU không còn gì để có thể tin tưởng vào Mỹ nữa, chứ chưa nói là dựa dẫm vào Mỹ. Trung Quốc lẫn Nga từ lâu vẫn mơ về một sự chia rẽ liên Đại Tây Dương như thế.

Trong khi Trump vẫn ầm ĩ trong một nỗ lực nhằm làm chệch hướng sự chú ý khỏi những sai lầm trong lãnh đạo của mình, Trung Quốc đang xây dựng được nền tảng cho vị thế lãnh đạo toàn cầu của họ trong kỷ nguyên hậu COVID-19. Mỹ hầu như chắc chắn sẽ thua trong cuộc cạnh tranh siêu cường, và sẽ mất đi vô vàn sinh mạng của đất nước.

DỊCH COVID-19 TÁC ĐỘNG ĐẾN THẾ GIỚI

Một phần của tài liệu BCA060 (Trang 32 - 34)