Bối cảnh lịch sử Việt Nam

Một phần của tài liệu TIỂU LUẬN LỊCH SỬ ĐẢNG ĐH Bách Khoa hcm (Trang 27 - 30)

III. Những nhiệm vụ cần thiết để hoàn thành nội dung đề tài

3.1.2. Bối cảnh lịch sử Việt Nam

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, đã đưa nhân dân ta từ người mất nước lên người làm chủ đất nước. Nhưng dã tâm xâm lược của thực dân Pháp không dừng lại ở đó, một lần nữa nhân dân ta lại phải tiếp tục cầm súng đứng lên đánh giặc để bảo vệ nền tự do, độc lập. Cuộc kháng chiến dần bước sang giai đoạn mới với những yêu cầu mới, đòi hỏi Đảng ta phải giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách để đưa cách mạng tiến lên. Sau 5 năm thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ dựa vào sức mình là chính, dưới sự lãnh đạo của Đảng sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của Nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Về mặt quân sự, thắng lợi của cuộc phản công lớn ở Việt Bắc là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến, làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh chiến lược này được đề ra với mục đích ban đầu là đánh bại đầu não của quân ta trong vòng ba tuần và kết thúc chiến tranh. Cùng với sự lãnh đạo tài tình của Đảng, quân và dân ta đã giữ vững căn cứ địa kháng chiến của cả nước, bảo toàn và phát triển lực lượng kháng chiến. Qua chiến dịch phản công đầu tiên này, Đảng ta có thêm nhiều kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh. Nhìn toàn cục, chiến thắng Việt Bắc tạo ra sự biến đổi đáng kể trong so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo ra thế chiến lược mới có lợi cho ta. Thực dân Pháp buộc phải chuyển hướng sang đánh lâu dài với âm mưu lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Việt, thực chất của âm mưu trên là việc khai thác tài nguyên, nguồn lực chủ yếu của vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, ở đây là Việt Nam để chu cấp nguồn lực cho chiến tranh và quân đội.

Thực hiện chủ trương của Đảng, hàng nghìn cán bộ, hàng trăm đại đội độc lập và đội xung phong công tác, đội vũ trang tuyên truyền đã được tăng cường vào vùng tạm bị chiếm. Phong trào chống thuế, chống bắt phu, bắt lính, trừ gian... nổi dậy đồng loạt ở nhiều nơi vùng sau lưng địch phát triển thành phong trào tổng phá tề rầm rộ. Chính quyền bù nhìn bị tan vỡ từng mảng. Chính quyền cách mạng được lập lại ở nhiều nơi với những hình thức thích hợp. Nhiều làng chiến đấu được thành lập và đương đầu có hiệu quả với các cuộc càn phá ác liệt của địch. Để tăng cường xây dựng bộ đội chủ lực, tháng 11/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh về nghĩa vụ quân sự. Hưởng ứng theo sắc lệnh của chủ tịch Hồ Chí Minh hàng vạn thanh niên náo nức tòng quân nhập ngũ. Đến đầu năm 1950,

hai đại đoàn chủ lực và nhiều trung đoàn chủ lực của Bộ Tổng Tư lệnh và của các quân khu ra đời. Dân quân tự vệ phát triển lên tới ba triệu người.

Về mặt kinh tế, thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế kháng chiến và đấu tranh kinh tế với địch, Đảng và Chính phủ kháng chiến chủ trương xây dựng nền kinh tế dân chủ nhân dân, vừa tự cấp, tự túc, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc kháng chiến, đồng thời tích cực đấu tranh chống lại những hành động phá hoại của địch.

Về mặt văn hoá, xã hội, nhân dân ta đã thu được những thắng lợi quan trọng, tháng 7/1948, Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ II được triệu tập tại Việt Bắc. Tại Đại hội, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, nêu rõ lập trường, tính chất, nhiệm vụ của văn hóa kháng chiến. Tại đây, hội văn hóa Việt Nam được thành lập và các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong vùng tự do được đẩy mạnh. Đội ngũ văn nghệ sỹ hăng hái hòa nhập vào cuộc sống sôi động của dân tộc. Đời sống văn hóa kháng chiến được nâng cao, phát triển.

Về mặt chính trị, công tác xây dựng chính quyền cũng đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng. Uy tín chính trị của Chính phủ kháng chiến ngày càng được khẳng định. Bộ máy nhà nước từng bước được kiện toàn. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công nhân, nông dân, trí thức ưu tú qua thử thách được kết nạp vào Đảng. Qua cuộc vận động xây dựng chi bộ tự động phân công tác, tổ chức cơ sở đảng được tôi luyện, trưởng thành và thực sự là hạt nhân lãnh đạo kháng chiến ở các địa phương.

Về nông nghiệp, tháng 2/1949, Chính phủ ra sắc lệnh tịch thu ruộng đất của thực dân và Việt gian phản động, tạm chia cho dân cày. Thực hiện xóa nợ cũ, giảm tô, giảm tức cho nông dân. Đẩy mạnh công tác thủy lợi, hướng dẫn nông dân đi vào làm ăn tập thể với nhiều hình thức thích hợp, khuyến khích nhân dân khai hoang, phục hóa. Đến đầu năm 1950, sản lượng lương thực ngày càng tăng đất nước từng bước ổn định và phát triển. Đồng thời trong giai đoạn này, từ Liên khu IV trở ra, sản lượng lúa tăng mạnh và có sản lượng cao nên vấn đề về lương thực cho kháng chiến cơ bản đã được đáp ứng.

Về sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, có những bước phát triển mạnh mẽ. Ngành công nghiệp quốc phòng đến năm 1949 có nhiều xưởng sản xuất vũ khí được thành lập nhằm phục vụ cho quốc phòng và công tác chiến đấu. Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo và một số xưởng chế tạo đã sản xuất được các loại máy như: máy in, máy khoan, máy tiện, máy cưa. Các mỏ than trong vùng tự do như Tân Trào (Tuyên Quang), Quán Triều (Thái

Nguyên) được phục hồi và khai thác phục vụ sản xuất công nghiệp. Nghề làm giấy, dệt vải, làm muối, xà phòng, thuốc lá, đường, phát triển mạnh tại nhiều nơi trong cả nước. Cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho công cuộc kiến thiết lại quốc gia trong giai đoạn chiến tranh và giai đoạn phục hồi kinh tế sau chiến tranh.

Về giáo dục, phong trào xóa nạn mù chữ và phát triển các loại trường lớp được đẩy mạnh. Năm 1948 có thêm bốn triệu người biết chữ. Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên xóa nạn mù chữ. Năm 1950, Bộ Giáo dục thực hiện chương trình cải cách giáo dục. Từ Liên khu IV ra đến Việt Bắc đã có gần 1.000 trường tiểu học và trung học. Ở Liên khu V, phần lớn các huyện có trường cấp II và tỉnh có trường cấp III. Ở Nam Bộ, tình hình có khó khăn hơn. Các tỉnh mới lập được trường tiểu học, toàn miền mới có hai trường trung học là trường Nguyễn Văn Tố và trường Thái Văn Lung. Đến năm 1949, chúng ta cũng đã có các trường đại học Y khoa, Sư phạm, Mỹ thuật tại Việt Bắc.”18 Qua đây ta có thể thấy những nỗ lực của Đảng ta trong công cuộc xoá mù chữ và nâng cao tri thức cho nhân dân ta và thành quả đạt được xứng đáng với những nỗ lực đó, đó là thành quả đáng tự hào của Đảng ta.

Về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đã có những thành công rất cơ bản. Phong trào

ăn sạch, uống sạch, ở sạchđược tuyên truyền khắp cả nước nhằm thực hiện nếp sống vệ sinh và đưa đất nước từng bước phục hồi sau chiến tranh. Việc chữa bệnh đã và sẽ đi liền với phòng bệnh. Đảng đã xây dựng được một hệ thống cơ sở y tế từ Trung ương đến liên khu, tỉnh, huyện và xã. Qua những việc làm và chính sách trên ta có thể thấy được tầm nhìn cũng như sự nỗ lực của Đảng trong quá trình xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển một bền vững của quốc gia Chủ nghĩa xã hội.

Về mặt ngoại giao, đầu năm 1950 cùng với việc Liên Xô, Trung Quốc,Triều Tiên và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ ta, nhân dân nhiều nước châu Á, châu Phi đã dành cho nhân dân Việt Nam tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ tích cực. Phong trào phản chiến của nhân dân Pháp phát triển rầm rộ. Mối quan hệ truyền thống, liên minh chiến đấu của ba nước Đông Dương được tăng cường. Với sự giúp đỡ, phối hợp của quân và dân ta, các khu căn cứ kháng chiến ở Trung Lào, Hạ Lào được thành lập, uỷ ban Dân tộc giải phóng Khơme ra đời. Thế liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương càng thêm vững chắc.

Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc kháng chiến, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã được triệu tập. Đại hội đã nghiên cứu và thông qua Chính cương Ðảng Lao động Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo soạn thảo. Qua đó đã hoạch định ra đường hướng phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Có thể nói, Đại hội lần thứ II của Đảng là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Đảng về mọi mặt và Chính cương Đảng lao động Việt Nam đã trở thành một vũ khí lý luận sắc bén, quyết định cho sự thành công của cách mạng Việt Nam giai đoạn sau này.

Một phần của tài liệu TIỂU LUẬN LỊCH SỬ ĐẢNG ĐH Bách Khoa hcm (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(44 trang)
w