ĐẠI CƯƠNG VỀ HỆ TIÊU HÓA
MỤC TIÊU:
1. Mô tả được giải phẫu sinh lý của thành ống tiêu hóa.
2. Giải thích các dạng sóng của cơ trơn.
3. Trình bày hệ thần kinh nội tại và thần kinh thực vật của hệ tiêu hóa.
4. Nêu được các hormone kiểm soát quá trình vận động của cơ trơn.
5. Phân tích tuần hoàn máu của hệ tiêu hóa.
1. VẬN ĐỘNG:
1.1. Giải phẫu sinh lý của thành ống tiêu hóa:
Hình 19.1. Hình cắt ngang ruột
Hình trên cho thấy các lớp của thành ống tiêu hóa từ ngoài vào trong. Chức năng vận động do các lớp cơ trơn đảm nhiệm. Chức năng của cơ trơn đường tiêu hóa tương tự như hợp bào. Tức là các sợi cơ trơn có đường kính 2-10 m, chiều dài 200- 500 m và chúng sắp xếp thành bó có khoảng 1000 sợi nằm song song với nhau. Trong các bó cơ các sợi liên hệ với nhau thông qua các khớp nối (gap junction) cho phép các ion di chuyển với trở kháng thấp từ sợi cơ này sang sợi cơ lân cận. Vì thế tín hiệu được truyền rất nhanh, về phương diện chức năng coi như là hợp bào.
1.2. Cơ chế điện sinh lý:
Gồm 2 loại : sóng chậm và sóng nhọn.
- Sóng chậm có nguồn gốc từ các tế bào tạo nhịp (pacemarker) gọi là tế bào kẻ Cajal nằm trong lớp cơ trơn, tạo thàng mạng lưới có quá trình khử cực, tái cực tự động theo chu kỳ tạo thành sóng chậm. Sóng chậm này lan dọc theo các sợi cơ dọc và đi xuống lớp cơ vòng bên dưới. Tuy nhiên sóng chậm này không tạo nên điện thế hoạt động và cũng không có sự co cơ trơn vì điện thế của nó dưới mức điện thế ngưỡng.
- Sóng nhọn: xảy ra khi có các kích thích từ các chất dẫn truyền thần kinh (acetylcholine), hormone trên nền khử cực của sóng chậm sẽ làm tăng điện thế của nó vượt qua mức ngưỡng, cho phép ion calcium qua các kênh đi vào trong tế bào. Kết quả hình thành sự co cơ. Sự co cơ mạnh hay yếu tùy thuộc vào số lượng các gai hình thành trên đỉnh sóng chậm, trong khi đó tần số của sóng chậm thì không đổi.
- Tần số sóng chậm thay đổi tùy theo phần nào của ống tiêu hóa:
Dạ dầy, ruột già : 3 - 8 l/phút.
Ruột non : 10 - 20 l/phút.