HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT Điều 154. Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật
1. Văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung phải được hợp nhất với văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung nhằm góp phần bảo đảm cho hệ thống pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
2. Việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
a) Chỉ hợp nhất văn bản do cùng một cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
b) Việc hợp nhất văn bản không được làm thay đổi nội dung và hiệu lực của văn bản được hợp nhất.
3. Văn bản hợp nhất được sử dụng chính thức trong áp dụng và thi hành pháp luật.
4. Việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Điều 155. Pháp điển hệ thống quy định trong văn bản quy phạm pháp luật
1. Pháp điển hệ thống quy định trong văn bản quy phạm pháp luật là việc cơ quan nhà nước sắp xếp các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển.
Bộ pháp điển được cấu trúc theo các chủ đề. Mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục. Trong đề mục, tùy theo nội dung có thể có phần, chương, mục, điều, khoản, điểm.
2. Bộ pháp điển được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua là Bộ pháp điển chính thức của Nhà nước, được viện dẫn, sử dụng chính thức trong áp dụng và thi hành pháp luật.
3. Việc pháp điển hệ thống quy định trong văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Điều 156. Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật
1. Cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật; nếu phát hiện có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội thì tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới hoặc thay thế văn bản quy phạm pháp luật.
Cơ quan, tổ chức và công dân có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới hoặc thay thế văn bản quy phạm pháp luật.
Nội dung bị bãi bỏ của văn bản được rà soát hết hiệu lực thi hành kể từ ngày văn bản làm căn cứ pháp lý để rà soát văn bản đó có hiệu lực.
2. Hoạt động rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát văn bản. Hoạt động hệ thống hóa văn bản phải được tiến hành định kỳ, kịp thời công bố Tập hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực.
3. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; các cơ quan nhà nước quyết định rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước.
Chương XVI