Tổ chức tuần tra, kiểm tra

Một phần của tài liệu Tài liệu hướng dẫn thực tập nghề nghiệp 4 (Trang 26 - 28)

Tuần tra

Kiểm lâm địa bàn phải phối hợp với chính quyền địa phương đi tuần tra, kiểm tra trên địa bàn được phân công để phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp (2017) như phá rừng trái phép, khai thác rừng trái phép, săn bắn động vật rừng trái phép, vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy rừng, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản trái phép...; có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tạm thời đình chỉ hoặc đình chỉ những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc những hoạt động có nguy cơ gây thiệt hại đến tài nguyên rừng; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

Tuần tra là một trong những biện pháp giúp Kiểm lâm địa bàn quản lý chặt chẽ, nắm bắt kịp thời các diễn biến về rừng, đất lâm nghiệp và kinh doanh chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn, đồng thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm pháp luật về rừng.

Để làm tốt công tác tuần tra, công chức kiểm lâm địa bàn cần: Xây dựng kế hoạch (thời gian, nhân sự, kinh phí, phương án kiểm tra khi phát hiện vi phạm…), tổ chức tuần tra trên địa bàn được phân công; chú trọng các khu vực có điểm nóng về phá rừng, tụ điểm kinh doanh gỗ, động vật hoang dã trái phép.

Một số lưu ý

- Kiểm lâm địa bàn cần xây dựng một số cộng tác viên nhằm thông tin kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn, mối quan hệ với các bộ phận hữu quan trong địa phương để việc phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đạt hiệu quả cao.

- Lập danh sách các trọng điểm phá rừng, tụ điểm buôn bán, thu gom động vật hoang dã trái phép, các chủ đầu nậu buôn bán gỗ và lâm sản trái phép.

- Báo cáo UBND xã, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm để có phương án kiểm tra, xử lý vi phạm và xoá bỏ các trọng điểm, tụ điểm buôn bán, thu gom và các chủ đầu nậu.

Kiểm tra

- Kiểm tra việc sử dụng rừng, đất lâm nghiệp của các chủ rừng trên địa bàn. - Kiểm tra việc thực hiện phương án, kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm

- Kiểm tra, phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Một số hành vi vi phạm khi kiểm tra rừng thường gặp

- Vi phạm các quy định về phá rừng: Là hành vi chặt hoặc phát hoặc đốt cây rừng và mọi hành vi vi phạm khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được phép nhưng không làm đúng giấy phép quy định gây thiệt hại đến rừng.

- Vi phạm các quy định về phát rừng để làm nương rẫy: Là hành vi phát đốt rừng để làm nương rẫy ngoài vùng quy định.

- Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng: Là hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng hoặc gây cháy rừng.

- Vi phạm các quy định về phòng, trừ sâu bệnh hại rừng: Là hành vi của chủ rừng không chấp hành đầy đủ các biện pháp về phòng, trừ để dịch bệnh gây thiệt hại đến rừng.

- Vi phạm các quy định về chăn thả gia súc vào rừng: Là hành vi chăn thả gia súc vào các khu rừng đã có các quy định về chăn thả gia súc.

- Gây thiệt hại đất lâm nghiệp: Là hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp như đào bới, nổ mìn, làm mất lớp màu mỡ của đất rừng, đào đắp nguồn sinh thuỷ, tháo nước, xả chất độc hại vào rừng không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

- Lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích: Là hành vi lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp hoặc được quyền sử dụng nhưng sử dụng không đúng quy hoạch, quy định đối với diện tích đó.

- Vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã: Là hành vi săn hoặc bắt hoặc giết hoặc mua hoặc bán hoặc tàng trữ hoặc nuôi nhốt hoặc sử dụng động vật hoang dã (kể cả sản phẩm của các loài động vật đó) có nguồn gốc từ tự nhiên mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được phép nhưng đã vi phạm các quy định về quản lý động vật hoang dã (như loài cấm, khu vực cấm, mùa cấm, phương tiện cấm sử dụng, sai chủng loại hoặc vượt quá số lượng cho phép).

Một phần của tài liệu Tài liệu hướng dẫn thực tập nghề nghiệp 4 (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)