Việc xây dựng một dòng luân chuyển vật chất bắt đầu bằng sự phân tích hệ thống (system): (Phạm Thị Thúy và Vũ Thị Minh Thanh, 2014)
(i) Các quá trình và tiến trình nào cần được đưa vào hệ thống; (ii) Đâu là ranh giới hệ thống;
(iii) Khoảng thời gian nào sẽ xem xét phân tích dòng luân chuyển vật chất. Trong MFA, các dạng vật chất hay hỗn hợp của vật chất với các chức năng có giá trị đối với dòng luân chuyển của vật chất đó được gọi là “quá trình” (process). Thuật ngữ “dòng vật chất” (flow) biểu thị sự vận chuyển hay tổn thất của các vật chất và quá trình. Hầu hết các dòng luân chuyển vật chất không gây ra thay đổi thành phần của các quá trình, mà chỉ tiêu hao năng lượng trong quá trình luân chuyển vật chất đó. Thuật ngữ “tiêu thụ” (stock) biểu thị năng lượng cần thiết tiêu hao khi luân chuyển vật chất trong một quá trình. Trong MFA, mỗi quá trình đều có một tiến trình xuất phát và một tiến trình đến đích. Kết quả là mỗi tiến trình được nối với các tiến trình khác bởi các quá trình. Một quá trình nào đó đi từ tiến trình A đến tiến trình B, được gọi là “đầu ra” (output) của tiến trình A và là “đầu vào” (input) của tiến trình B. Một quá trình nhập được hiểu như là quá trình đi vào hệ thống và quá trình xuất ra là quá trình ra khỏi hệ thống.
Phân tích dòng luân chuyển vật chất bao gồm:
(i) Thực hiện phân tích hệ thống bao gồm các quá trình và tiến trình.
(ii) Xác định các luồng khối lượng của tất cả các quá trình trên một đơn vị thời gian. (iii) Xác định các thành phần luân chuyển vật chất trong các quá trình này. (iv) Tính toán khối lượng và các luồng vật chất.
(v) Diễn đạt và trình bày các kết quả.
Có nhiều cách để xác định các luồng khối lượng và vật chất như: đánh giá bằng các dữ liệu hiện có, xác định bằng đo đạc ngoài hiện trường, tính toán bằng cân bằng khối lượng trong một tiến trình hay chuỗi tiến trình hay thông qua tổ hợp các phương pháp đó.
Các kết quả được trình bày theo cách thích hợp để hình dung các kết luận và để tạo điều kiện thực hiện các quyết định định hướng mục tiêu. Điều quan trọng cần lưu ý là các thủ tục này không được thực hiện theo cách liên tục nghiêm ngặt. Các quá trình phải được tối ưu hóa lặp đi lặp lại. Các lựa chọn và điều khoản được thực hiện trong quá trình MFA phải được kiểm tra liên tục. Nếu cần thiết, chúng phải được điều chỉnh để phù hợp với các mục tiêu của nghiên cứu.
Nói chung, để đạt hiệu quả tốt nhất thì cần bắt đầu với các ước tính sơ bộ và dữ liệu tạm thời, sau đó liên tục tinh chỉnh và cải thiện hệ thống và dữ liệu cho đến khi đạt được sự chắc chắn về chất lượng dữ liệu (Brunner và Rechberger, 2004).