6. Đóng góp của luận văn
1.2.2. Phê bình Truyện Kiề uở miền Nam giai đoạn 1954-1975
Từ sau 1954, đất nước bị chia cắt làm 2 miền. Ở miền Nam, dưới sự ủng hộ của Mỹ, chính phủ Ngô Đình Diệm được thành lập, thể chế cộng hòa từng bước được củng cố. Bối cảnh chính trị ở nền đệ nhất cộng hòa vừa diễn ra phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân, vừa diễn ra những cải tổ và tiến hành kế hoạch xây dựng đời sống ở tất cả các lĩnh vực. Diễn biến lịch sử - xã hội ở miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 phản ánh quá trình can thiệp của Mỹ từ gián tiếp đến trực tiếp. Bắt đầu là đứng sau bảo trợ cho chính quyền
Ngô Đình Diệm (nền Đệ nhất Cộng hòa), các cuộc đảo chính cho đến sự ra đời của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu (nền Đệ nhị Cộng hòa).
Bối cảnh văn hóa ở miền Nam Việt Nam có những đặc sắc và mạch ngầm các giá trị phong phú, vừa thống nhất trong mạch chảy của văn hóa dân tộc, vừa có xu hướng chuyển mình theo diễn biến biến lịch sử những năm đất nước bị chia cắt. Đó là quá trình ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, thêm vào đó là văn hóa châu Âu và văn hóa Mỹ. Về cơ bản, nền tảng tư tưởng tác động đến các lĩnh vực chủ yếu được du nhập từ phương Tây, đặc biệt là Pháp.
Quá trình vận động của văn học gắn bó mật thiết cùng hoạt động báo chí, xuất bản. Giao lưu văn hóa phương Tây trở nên sâu rộng nhờ sức mạnh hỗ trợ của lĩnh vực in ấn, báo chí và xuất bản. Từ đó kích thích năng lực sáng tác của người nghệ sĩ nhằm thu hút các thành phần độc giả, văn học làm tăng sức hấp dẫn cho hoạt động báo chí và đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận. Đời sống báo chí và sáng tác văn học thể hiện ở mục tiêu hoạt động: phản ánh chủ trương, chính sách về các lĩnh vực đời sống của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (Tự do, Ngôn luận, Sáng tạo, Sáng dội miền Nam, Văn nghệ tiền phong,…); bộc lộ quan điểm chính trị trên cơ sở lập trường dân tộc, phê phán chế độ thực dân mới và ủng hộ kháng chiến (Lập trường, Hành trình, Trình bầy, Văn mới, Đại dân tộc,…); phổ biến các tri thức khoa học chuyên ngành, tôn giáo hoặc hoạt động theo đường lối trung lập (Độc lập, Tia sáng, Bách khoa, Văn đàn, Đại học, Tư tưởng, Tri thức,…).
Đời sống văn học miền Nam chịu ảnh hưởng bởi các biến cố của biến động chính trị, hoạt động tôn giáo; của phong trào đấu tranh thống nhất đất nước và bảo vệ văn hóa dân tộc. Sau khi thành lập, chính quyền Ngô Đình Diệm củng cố các cơ sở hành chính, tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, giáo dục. Vào thời kỳ này, ngoài việc cho xây dựng các trường tiểu học cấp xã và trường trung học cấp quận, giáo dục đại học còn được chú trọng. Nhiều
trường đại học thành lập ở Sài Gòn, Đà Lạt, Cần Thơ, Huế. Những thay đổi quan trọng về giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học cùng với hoạt động sôi nổi của báo chí - xuất bản đã từng bước hình thành lớp nghệ sỹ, những nhà phê bình văn học mang diện mạo mới, sức sống mới. Đội ngũ các nhà phê bình khá đa dạng bao gồm người bản địa và người di cư: “Sau 1954, có hàng triệu đồng bào miền Bắc di cư vào miền Nam… Riêng trong phạm vi văn học nghệ thuật, vai trò của khối văn nghệ sĩ di cư thật quan trọng. Sự hoạt động hăng hái của họ đã tạo không khí sôi nổi trong hoạt động văn nghệ. Trong số những người di cư đó có những người về sau trở thành những nhà văn nổi tiếng như Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Lê Tất Điều, Viên Linh, Duyên Anh, Trần Dạ Từ, Hà Thúc Sinh...”[63]. Những người đi đầu tích cực trong việc tiếp thu, phổ biến các lý thuyết văn học phương Tây vào miền Nam tập trung phần đông là trí thức được đi du học ở châu Âu, chủ yếu du học ở Pháp. Thời kỳ này có nhiều cây bút và tác phẩm lý luận phê bình nổi bật, gây sự chú ý như: Nguyễn Văn Trung (Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết – 1962, Lược khảo văn học – 3 tập, 1963 - 1968), Thanh Lãng (Bảng lược đồ văn học Việt Nam, 1967), Đỗ Long Vân (Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương, Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung), Nguyên Sa (Một bông hồng cho văn nghệ, Quan điểm văn học và triết học), Võ Phiến (Tiểu thuyết hiện đại – 1963; chúng ta, qua cách viết - 1972), Nhất Linh (Viết và đọc tiểu thuyết, 1965), Nguyễn Hiến Lê (Hương sắc trong vườn văn – 2 quyển, 1962), Bùi Giáng (Thi ca tư tưởng, tư tưởng hiện đại), Đặng Tiến (Vũ trụ thơ), Huỳnh Phan Anh (Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Đi tìm tác phẩm văn chương), Vũ Đình Lưu (Phân tâm học áp dụng vào việc nghiên cứu các ngành học vấn, 1969) …
Nền văn học muốn phát triển ngoài việc đầu tư cho yếu tố con người, tinh thần dân chủ còn phải chú trọng đến môi trường giáo dục. Hệ thống các
trường đại học, nhất là các đại học ở đô thị miền Nam là môi trường tiếp nhận, phổ biến và vận dụng thành tựu văn học thế giới trong nghiên cứu và giảng dạy: những trào lưu sáng tác, những trường phái triết học, mỹ học, nghiên cứu và phê bình văn học được giới thiệu rất phong phú và cập nhật.
Tính sinh động của đời sống báo chí cùng với sự cởi mở trong việc tiếp nhận và truyền bá các vấn đề tư tưởng học thuật đã hình thành nên một quá trình kép: kế thừa những quan niệm phê bình có ý nghĩa thực tiễn, ổn định trong quá khứ; đồng thời tích cực vận dụng nhiều phương pháp phê bình mới từ lý thuyết của văn học phương Tây. Theo suốt quá trình ấy, Truyện Kiều
tiếp tục trải qua dòng chảy tiếp nhận với những lối nhìn phong phú, đa dạng của các nhà phê bình miền Nam thời kỳ 1954 – 1975. Những nhà phê bình trực cảm (Nguyễn Văn Trung gọi là phê bình chủ quan) khám phá tác phẩm bằng cách “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” (Hoài Thanh), thẩm định tác phẩm dựa vào mối giao cảm, đồng cảm giữa bản thân nhà phê bình với Nguyễn Du, với Truyện Kiều. Tác giả Đông Hồ, Thiên Thụ bàn về tình yêu của nhân vật Thúy Kiều cho rằng trong ba mối tình của đời Kiều chỉ có mối tình với Kim Trọng là lý tưởng, còn lại mối tình với Thúc Sinh và Từ Hải là tình yêu chiếm đoạt (Một Thúy Kiều, ba tình yêu, Nghiên cứu văn học số 9, 1971). Nhiều bài viết quan tâm đến ảnh hưởng chi phối của ba nền tảng tư tưởng là Nho – Phật – Lão để lý giải hành vi, số phận nhân vật, vấn đề triết lý Truyện Kiều. Khi luận giải về nỗi khổ đau trong đời Kiều, Thích Thiên Ân cho rằng Nguyễn Du không chỉ thể hiện quan niệm nhân quả nghiệp báo của Phật giáo mà còn đồng nhất với thuyết thiên mệnh, định mệnh của Nho giáo: “Tác phẩm đã vượt lên trên tất cả những quan niệm chật hẹp tầm thường của đương thời để thể hiện một tinh thần tổng hợp linh động của các nền tư tưởng Đông phương là Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo. Ba nền triết học Phật, Lão Nho ấy đã dung hòa đẹp đẽ trong công cuộc đúc kết thành sắc thái đặc biệt và phong phú
của nền văn hóa Việt Nam với mấy nghìn năm lịch sử. Chính sắc thái này đã tạo ra truyền thống dung hòa nhưng không nô lệ, mền dẻo nhưng bất khuất của dân tộc Việt Nam trải qua bao cuộc chống xâm lăng, dành độc lập của Ông cha chúng ta từ xưa và ngay cả thế hệ của chúng ta bây giờ nữa.” (Giá trị triết học tôn giáo trong truyện Kiều, Đông Phương Xb, 1966). Ở một hướng khác, Truyện Kiều được nghiên cứu, phê bình bằng các phương pháp mới mẻ, hiện đại như: phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, cấu trúc luận, xã hội học Marxist… Nhiều nhà phê bình như Nguyễn Văn Trung, Nguyên Sa Trần Bích Lan, Tô Thùy Yên, Nguyễn Sỹ Tế đều khẳng định số phận bạc mệnh của Thúy Kiều không phải do nhân quả, tiền định, nghiệp chướng hay thiên mệnh (theo quan niệm của Phật giáo, Nho giáo). Tiếng than thở, tiếng nghẹn ngào khóc lóc không chỉ là bản sắc riêng của xã hội phong kiến, nó là nỗi lòng phổ quát của mọi thời đại. Nguyên Sa xem xét các sự kiện của đời Kiều, chỉ ra nguyên cớ của đau khổ, bất hạnh là do chính sự lựa chọn của Kiều, đó là “tự do lựa chọn định mệnh”: Kiều tự nhận trách nhiệm quyết định bán mình, ý thức sẵn sàng dấn thân vì người khác chứ không ai ép buộc. Cùng chung tinh thần phê bình với Nguyên Sa, Tô Thùy Yên đã lý giải về sự lựa chọn của Kiều rằng: “đứng trước định mệnh thảm khốc, con người vẫn có quyền chọn lựa, vẫn có tiếng nói phê chuẩn của Con người dù sao vẫn tự do và chính Định Mệnh đã làm nổi bật tự do của con người trong những lần lựa chọn cam go. Không ai ép buộc Kiều phải bán mình chuộc cha cả. Trái lại Vương Ông còn cản trở nàng. Tại sao nàng chẳng bắt chước Vân, một mực làm thinh, coi đại họa kia như không hề dính dấp đến mình, mà lại phải hy sinh? Kiều đã hành động trong tự do, đã rước lấy số kiếp đoạn trường với tư cách một người tình nguyện, Cả thân thế Kiều cũng chứng tỏ nàng đã có đầy đủ tự do trong hành động.” [3]. Đặng Tiến giải quyết các vấn đề của Truyện Kiều trên phương diện sự hiện hữu cô đơn, thực trạng phi lý và thảm kịch của kiếp người. Con người tồn tại với kiếp sống lưu đày như là “kẻ tử tội cô đơn”,
chẳng mấy ai hiểu nội tâm Kiều bị giày vò thế nào, chỉ mình Kiều đối diện với bản thân rồi giật mình bừng tỉnh. Trong các phạm trù của lý thuyết hiện sinh, cô đơn là vấn đề thuộc về bản thể của con người, con người cảm thấy mong manh và lạc loài giữa biến động của thời cuộc cùng sự chao đảo các giá trị. Cảm giác cô đơn phản ánh ý thức hiện hữu của chính mình.
Trong phê bình hiện đại, phạm trù thời gian là một trong các phương diện cơ bản của phê bình thi pháp học, nhưng ngay từ trước những năm 60 của thế kỷ XX ở miền Nam, Lê Tuyên đã đi tìm giá trị Truyện Kiều bằng phạm trù thời gian theo thuyết trực giác kết hợp với góc nhìn hiện sinh và cái phi lý: “Đi về tương lai từ quá khứ và qua hiện hữu, nghĩa là đi về phi lý của nấm mồ. Chúng ta hằng sống như vậy mà không biết, và thực sống vô ý thức đẹp đẽ kia sẽ đưa và luôn luôn đưa con người đến hủy diệt. Khi con người minh định còn thanh xuân, thì đồng thời cũng đang qui định mình theo thời gian, nghĩa là đang đặt mình trong vị trí thời gian, biết mình đang ở vào một cứ điểm nào của đường biến thiên đã được vạch ra trong tọa độ sống và tung độ chết.” Kiếp đoạn trường của Kiều là một hành trình hiện sinh, hiện hữu trong suy tư của Nguyễn Du, thi hào diễn tả sinh động nỗi ám ảnh và những trăn trở về tương lai bằng cảm giác sợ hãi trước hiện tại. Dù có sợ hãi, băn khoăn thế nào cũng không thể lẩn trốn nên phải sẵn sàng chấp nhận rằng “Biết duyên mình biết phận mình thế thôi”. Phương hướng phê bình của Lê Tuyên mang tới cách nhìn độc đáo, sáng tạo trong phê bình Truyện Kiều từ triết học hiện sinh, đồng thời tiếp tục mở ra cách thức tiếp cận mới trong lý luận và phê bình văn học.
Từ điểm nhìn phân tâm học và cấu trúc luận, một số nhà phê bình dựa vào vận động trong tâm lý Nguyễn Du, sự vận động của vô thức (nghiên cứu của Thanh Lãng, Nguyễn Đình Giang), vận động tâm lý của nhân vật Thúy Kiều (nghiên cứu của Đàm Quang Thiện). Các tác giả phê bình kết hợp quan
niệm của Freud với các quan niệm mới của Alfred Adler, Erich Fromm chú ý vào biểu hiện tính tình của con người để chỉ ra tư tưởng Truyện Kiều. Tâm lý, tính cách con người trước tiên là yếu tố bẩm sinh, sau đó diễn ra chuyển biến và hoàn thiện thông qua trải nghiệm trong cuộc đời. Nguyễn Đình Giang cho rằng Nguyễn Du là con người sống hướng nội (nhạy cảm, đa sầu đa cảm), tính cách va chạm với hoàn cảnh xã hội khiến người nghệ sỹ lúc nào sống trong mâu thuẫn, dễ đồng cảm, suy tư, buồn khổ và bi quan; suy tưởng mơ hồ về số kiếp, định mệnh (muôn sự tại trời, con tạo xoay vần, …). Trong bài viết “Thử tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều theo một phương pháp mới” (Đại học số 8, 1959), Nguyễn Đình Giang nắm rõ được bản chất cách tiếp cận của mình nên ông xem những vấn đề lý thuyết phân tâm học mà mình vận dụng chỉ góp phần hỗ trợ, bổ sung cho việc tìm hiểu Truyện Kiều. Những vấn đề của tâm lý học tính cách, kết quả khảo đính và hiệu đính chưa hằn là đầy đủ nên không thể giải mã trọn vẹn người nghệ sĩ nói riêng và văn chương nói chung. Ở một trường hợp khác, xuất thân từ bác sĩ giống như Freud, yêu thích văn chương
Truyện Kiều, Đàm Quang Thiện đã vận dụng lý thuyết của phân tâm học tìm hiểu vận động tâm lý của nhân vật Thúy Kiều với công trình “Ý niệm bạc mệnh trong cuộc đời Thúy Kiều”. Đàm Quang Thiện xuất phát từ các yếu tố của văn bản, lý giải số phận Thúy Kiều theo nền tảng phân tâm học văn bản. Thúy Kiều luôn ám ảnh về lời dự báo số phận của của ông thầy xem tướng ngay lúc còn thơ. Ý niệm bạc mệnh chi phối Kiều từ đời thực tới chiêm bao qua cách ứng xử với những tình huống của đời sống (sáng tác bản đàn bạc mệnh, viếng mộ Đạm Tiên, tương tư Kim Trọng…). Như vậy, Kiều sống bằng niềm tin số trời, định mệnh, cố gắng tìm cách trốn thoát nỗi ám ảnh mệnh bạc, có khi an phận, chấp nhận, và nhiều khi Kiều mang mặc cảm thân phận. Ý niệm bạc mệnh từng bước bám chắc vào trong vô thức của Kiều, các hành vi có ý thức trong đời sống hình thành từ mặc cảm trong vô thức. Phương pháp phê bình của Đàm Quang Thiện vừa thể hiện tinh thần khoa
học, vừa mang tính thẩm mỹ và sự tinh tế trong tiếp nhận tác phẩm văn học, mặc dù có chỗ khiên cưỡng nhưng không có những đánh giá vượt quá giới hạn giá trị tác phẩm văn học như cách đọc phân tâm học của Nguyễn Bách Khoa ở miền Bắc. Đặng Tiến nghiên cứu hình thức cấu trúc Truyện Kiều
trong bài Nghệ thuật như một chiến thắng (Văn, số 44, 15-10-1965)… Những kết quả tìm hiểu của Thanh Lãng là đi tìm những cấu trúc thuộc về con người, về thế giới nhân vật đã chi phối đến hành động, tâm lý của họ như thế nào. Tác giả mở rộng khám phá thế giới quan Nguyễn Du trong cac tư liệu liên qua đến thời đại Nguyễn Du (Khâm định Việt sử, Vũ trung tùy bút, Hoàng Lê nhất thống chí…). Thanh Lãng đặt Truyện Kiều trong hình thái cấu trúc con người với lịch sử và cấu trúc xã hội, nhóm nhân vật và các phương thức nhìn nhận
Truyện Kiều. Ông xác lập cấu trúc chung chìm ẩn để nắm bắt, nhìn nhận cuộc đời Nguyễn Du như một hiện hữu quái gở, từ đó chi phối đến các yếu tố khác của Truyện Kiều: cái bóng về sự quái gở của cuộc đời chấm dứt cuộc sống êm đềm và diễn cuộc bể dâu của kiếp người, lấy ngôn ngữ nhân vật – vai truyện đưa ngôn ngữ tác giả chuyển hóa lời độc thoại của tác giả thành lời độc thoại nhân vật, bản chất con người qua các nhóm nhân vật và một Nguyễn Du được phản ánh trực tiếp hoặc ngụy trang sau các nhân vật (vô tình, thất ước, kiêu hùng, ngã lòng... Mở rộng đến cấu trúc văn hóa xã hội tư tưởng chi phối cách đánh giá Truyện Kiều từ cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX sau khi Nguyễn Du qua đời, nhấn mạnh vào tính sinh động và sức cuốn hút của Truyện Kiều trong tâm thức đọc của các thế hệ. Vì vậy, hành trình tiếp nhận Truyện Kiều cũng là hành trình đa truân như chính số phận nhân vật chính và tác giả Nguyễn Du. Về cơ bản, phê bình văn học miền Nam thời kỳ 1954 – 1975 vận động