6. Đóng góp của luận văn
2.1.1. Chủ nghĩa hiện sinh
Hình thành và phát triển trên nền tảng của hai cuộc chiến tranh lớn của thế giới, nhiều nhà tư tưởng suy tư về bản chất của sự sống, từ đó thúc đẩy quá trình sinh trưởng của của chủ nghĩa hiện sinh trong triết học và văn học. Bắt đầu xuất hiện sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) với hai nhà tư tưởng là M. Heidegger, K. Jaspers; rồi lan rộng sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, phát triển mạnh mẽ ở Pháp với các tác giả như Jean-Paul Sartre, Gabriel Marcel, Albert Camus,… Chủ nghĩa hiện sinh kế thừa thành tựu di sản tư tưởng của các nhà triết học phương Tây cổ đại (Socrate, Augustin, Pascal,…) trong nhận thức về sự tồn tại, những yếu tính của con người (lầm lỗi, lo âu, nỗi ám ảnh,…); đồng thời quan tâm đến số phận con người, nhất là những người bình thường trong thế giới đầy biến động – nền tảng từ những cuộc chiến, đi sâu vào đời sống tinh thần nhân loại, lớp người trẻ với mối hoài nghi, suy sụp về lý tưởng, đạo đức. Tất cả những điều này cũng là một trong yếu tố quan trọng của quá trình sáng tạo văn học. Có thể nhìn nhận rằng, chủ nghĩa hiện sinh trước tiên là triết học về con người, quan tâm giá trị con người như là thước đo cao nhất; một trào lưu triết học – trào lưu tư tưởng gắn kết chặt chẽ với văn học và nghệ thuật chi phối quan niệm sống, lối sống của con người. Gordon E. Bigelow đã chỉ ra một vài đặc trưng tổng quát của trào lưu này[10], chúng tôi chỉ nêu lại các đặc trưng và cố gắng khái lược theo cách tiếp cận của Bigelow, đó là: Hiện sinh có trước bản chất (từ tồn tại hiện hữu
vốn có, đi tìm các mặt bản chất để suy tưởng và nhận thức), lý trí luôn bất lực khi đề cập đến chiều sâu của đời sống con người (lý trí con người mềm yếu, dễ thay đổi; tính “phi lý trí” của đời sống nội tâm, những khoảng tối trong đời sống tinh thần không thể nào nắm bắt, con người ẩn đầy những mâu thuẫn và căng thẳng… tính thống nhất và đấu tranh trong cái cao cả và cái thấp hèn), sự xung khắc (các nhà hiện sinh quan tâm nhiều tới dạng thức xung khắc bao gồm xung khắc với thượng đế, với thiên nhiên, với người khác – tha nhân và với chính mình), “Run sợ” và âu lo, Tự do (Sartre coi tự do nghĩa là tự do lựa chọn, chấp nhận và gánh vác trách nhiệm đối với sự lựa chọn đó), sự biểu đạt thông qua các biểu tượng cùng sự cách tân hình thức làm nổi bật bản sắc hoặc tư duy kinh nghiệm. Chủ nghĩa hiện sinh được nhắc đến cùng dòng tư tưởng với hiện tượng luận hiện sinh, phân tâm hiện sinh… Các phạm trù trên được vận dụng để lý giải bản chất con người và cuộc sống trong sáng tác văn học, phê bình văn học.
Vào thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa, chính quyền Ngô Đình Diệm lấy thuyết nhân vị (do Emmanuel Mounier khởi xướng ở Pháp) làm hệ tư tưởng cho chế độ. Sau khi nền đệ nhất cộng hòa sụp đổ, thuyết nhân vị không còn thể chế dẫn đường, xã hội miền Nam chưa tìm được nền tảng tư tưởng mới soi đường, theo đó các chủ đề liên quan đến chủ nghĩa hiện sinh được quan tâm, đón nhận trong một thời gian dài. Quá trình du nhập và lan rộng ảnh hưởng tạo thành môi trường thuận lợi cho việc vận dụng lý thuyết chủ nghĩa hiện sinh vào phê bình văn học, trong đó có Truyện Kiều. Số phận Thúy Kiều và quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Du được soi chiếu từ góc nhìn hiện sinh đã cung cấp cho việc tiếp nhận tác phẩm những cái nhìn mới, nhận thức mới về giá trị của Truyện Kiều, điều chỉnh và bổ sung cách đọc từ quan niệm triết học phương Đông.