6. Đóng góp của luận văn
3.1.1. Phân tâm học qua cái nhìn tổng quan đến cách tiếp cận của một số nhà
Phân tâm học ra đời từ những kết quả nghiên cứu, thực hành lâm sàng bao gồm các giải pháp điều trị tâm lý, bệnh học tâm thần (các cơ chế thần kinh). Thành tựu của phân tâm học có sức hấp dẫn, ảnh hưởng mạnh mẽ ở đầu thế kỷ XX tới nhiều lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là nghệ thuật.
Về nguồn gốc, phân tâm học là lý thuyết y học của bác sĩ người Áo gốc Do thái là S. Freud (1856 – 1939). Tác giả Freud đã mạnh dạn áp dụng những kinh nghiệm của lý thuyết trên để lý giải bản chất một số vấn đề, hiện tượng văn hóa và văn học. Việc phổ biến phân tâm học vào trong đời sống văn học, đặc biệt là phê bình văn học dựa trên mối tương quan, sự tương tác giữa cơ chế tâm lý con người với cơ chế mô tả và phản ánh đời sống tinh thần của con người trong văn học, mối tương quan trong cách thức làm việc ngôn từ để phân tích, lý giải hiện tượng. Phân tâm học Freud chú ý tới xung đột và mâu thuẫn thường xuyên diễn ra trong tâm thức của mỗi cá nhân, cơ chế tâm – sinh lý của chính cá nhân con người. Cơ chế bao gồm các xung năng ham muốn, xung năng tính dục (libido), ẩn ức nổi lên gây ra nhiễu tâm, con người ám ảnh và tìm đường giải tỏa bằng chiêm bao, nhưng Freud coi sự giải tỏa thăng hoa nhất là hoạt động sáng tạo, nhân đạo và tình yêu. Sự giải tỏa khác nhau do ý thức mỗi người về bản chất sinh tồn giữa bản năng sống (cách nhìn rộng mở, tích cực) hay bản năng chết (cách nhìn hạn hẹp tầm thường, tiêu
cực). Cảm giác được thỏa mãn, được hài lòng tạo ra những cách thức ứng xử để con người đạt tới nó, Từ đây hình thành các cặp phạm trù: ý thức/vô thức (cái mang tính sinh lí tự nhiên cùng sự tác động bên ngoài xã hội); thế giới bên trong/thế giới bên ngoài; cái tôi (bản ngã) – cái siêu tôi (siêu ngã)/ cái nó (tự ngã), bản năng sống/bản năng chết.
Mở đầu từ học thuyết của Freud tại nước Áo, phân tâm học lan rộng ra Tây Âu và Mỹ. Mức độ ảnh hưởng của phân tâm học thể hiện trong việc hỗ trợ, bổ sung cho một số học thuyết văn học và triết học như chủ nghĩa hiện sinh và hiện tượng học, phê bình ấn tượng và xã hội học… Thực tiễn ảnh hưởng, vận dụng phân tâm học chia ra thành nhiều nhánh khác nhau: khuynh hướng chủ trương bảo tồn và củng cố quan điểm của Freud, khuynh hướng chủ trương sáng tạo và bổ sung vấn đề mới cho phân tâm học. Các khuynh hướng vừa nêu biểu hiện ở các phương diện: phát triển định đề của Freud và đi sâu vào thực tiễn sử dụng ngôn ngữ (Jacques Lacan, Jean Laplenche, Anna Freud); hình thành tri thức mới trên cơ sở mối quan hệ về tính chất lưu giữ của vô thức cá nhân và vô thức cộng đồng qua các lĩnh vực văn hóa, tôn giáo, từ đó khai thác bản chất hành vi và tính cách con người (Carl Gustav Jung, Pierre Janet, Alfred Adler, Erich Fromm, Otto Rank,…). Pierre Janet (1859 - 1947) khám phá vai trò của cảm xúc, mối quan hệ giữa cảm xúc với hành vi, không đề cao tính dục. Carl Gustav Jung (1875 - 1961) xác định những vết hằn trong tâm thức con người được lưu giữ vô thức qua các cổ mẫu của huyền thoại, mở rộng biểu hiện của vô thức với tính bao phủ của tâm thức văn hóa cộng đồng qua các thế hệ, những ký ức mối tương quan với phong tục, bản sắc văn hóa từ các biểu tượng. Alfred Adler (1870 -1937) nghiên cứu tính tình học cá nhân trong hành trình đi tìm giá trị của đời sống, bản tính tự do của con người và việc giải quyết những nghĩa vụ văn hóa mà đời sống đặt ra. Erich Fromm (1900 - 1980) chủ trương tiếp nối tinh thần của Freud bằng việc
khám phá sự thật trong thế giới nội tâm của cá nhân nhằm giải thoát chính mình, đạt đến tự do. Lý thuyết của Fromm đề cập tâm lý tình yêu cho rằng tình yêu và tình dục không đồng nhất nhưng một tình yêu sôi nổi thường dẫn tới tình dục; khát vọng tình dục thúc đẩy ước muốn chiếm đoạt, nhớ nhung, tương tư, hờn ghen, thù hận… Nhìn một cách tổng quát, lý thuyết phân tâm học trong phê bình văn học là đi tìm “ẩn ức”, các xung đột tinh thần từ tiểu sử tác giả tái hiện bằng vô thức như là cách giải thoát ám ảnh hay mặc cảm (vô thức cá nhân, vô thức tập thể), giữa hệ thống hình tượng, hệ thống ngôn ngữ với cơ chế thăng hoa của bản năng vô thức; sự dồn nén tâm lý trong hình thức chuyển nghĩa, tầng hàm nghĩa của ngôn từ. Lý thuyết phân tâm học trở thành phương tiện phù hợp cho việc khám phá, tiếp nhận tác phẩm trên cơ sở xác định các vấn đề thuộc về tâm lý con người để đạt tới ý nghĩa sâu xa nhất. Nhìn vào sự vận động của đời sống và văn học, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử nhấn mạnh rằng dù ở bất cứ thời đại nào, bối cảnh nào con người luôn ý thức về bản thể. Mặc dù có thời kỳ con người phải hi sinh, kìm nén những ham muốn cá nhân để hành động vì lý tưởng, hướng tới điều lớn lao vĩ đại. Với cái gì là đời thường, người ta không thể lẩn tránh bản chất về sự tồn tại trong mỗi người: “cái phần ham muốn dù bị cấm kỵ vẫn sống, vẫn ẩn mình len lỏi hoặc biến tướng thành các hoạt động khác, và dù muốn dù không, nó vẫn có phần chi phối thế này hay thế khác đối với sáng tác văn học. Rồi đến một lúc nào đó phê bình văn học không thể không đề cập đến nó. Và thế là phê bình phân tâm học tái xuất giang hồ, có chỗ đứng trong đời sống văn học. Lẽ tất nhiên phê bình phân tâm học không phải là tất cả, song trong tất cả không nên thiếu phân tâm học”[61].
Nghiên cứu, phê bình phân tâm học phân hóa phong phú và đa dạng ở miền Nam thời kỳ 1954 - 1975. Các tác giả chủ yếu vận dụng tổng hợp các phương diện của phân tâm học chứ không dồn sự chú ý vào phân tâm học
nguyên bản của Freud giống như Nguyễn Bách Khoa từng vận dụng và phê bình Truyện Kiều. Vũ Đình Lưu từ những kết quả nghiên cứu toàn diện ảnh hưởng của phân tâm học (trong biên khảo Phân tâm học áp dụng vào việc nghiên cứu các ngành học vấn) đã nhấn mạnh: “Nghệ thuật là một yêu cầu của chức vụ biểu tượng trong phạm vi nó còn là một phát động. Và khi đã có hình thức ấy thì ta có thể thấy qua lăng kính xã hội, đạo đức, siêu hình, nhân sinh quan, v.v. Phần nhiều người lý luận văn nghệ chỉ nhìn những hình thức phát động chứ không nhìn cái tiềm năng phát động. Bởi vậy họ chỉ đeo một lăng kính xã hội, hay siêu hình, hay đạo đức, v.v. để suy luận và không kể đến sự kiện tâm lý nguồn cội của nghệ sĩ sáng tác. Không có điều kiện tâm lý nguồn cội đó thì không có tác phẩm, vì nghệ sĩ trước hết là một người, con người không thể sáng tác cái gì ở ngoài điều kiện sinh lý và tâm thần của họ.”[23] Nguyễn Văn Trung xếp phân tâm học thuộc nhóm phương pháp phê bình tâm lý, nhà phê bình chú ý tìm hiểu động cơ và nguốn gốc tâm lý của văn chương, khám phá “động cơ thầm kín vô thức” của đời sống nghệ thuật. Hoặc là tìm hiểu nguồn gốc sinh ra những tình cảm, thái độ phản ánh tính tình con người bởi vì văn chương thể hiện cuộc đời nhằm bộc lộ tiếng nói tình cảm. Đặc biệt hơn, Nguyễn Văn Trung đưa ra một vài khó khăn và một số lưu ý khi vận dụng lý thuyết phân tâm học: “Trong thực tế áp dụng vào văn học, còn gặp những khó khăn khác đôi khi không thể vượt qua. Phân tâm là một kỹ thuật chữa bệnh, đòi hỏi sự ưng thuận và sự công tác tích cực của bệnh nhân” [55,187-188] nhằm đạt tới “mối thiện cảm tín nhiệm hoàn toàn”. Vậy nên, “phân tâm học chỉ có thể thực hiện được với những người còn sống đối với người chết, làm sao có thể hỏi hay đối thoại được. Hơn nữa, nếu người chết không để lại tài liệu gì liên quan đến đời tư, đời sống thầm kín của đời tư đó, làm sao có dữ kiện để phác họa một giả thuyết?”[55,188] Khi không đủ tài liệu tin cậy thì nhà phê bình không thể bằng mọi giá áp dụng phân tâm học vào văn chương.