Những chính sách giảm nghèo mà nhà nước ta đang tiến hành hiện nay tập trung vào ba mảng chính: (1) Tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập bằng cách hỗ trợ vốn, đất đai, dạy nghề. (2) Tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội bằng cách cung cấp y tế, giáo dục miễn phí. (3) Nâng cao năng lực, nhận thức bằng
việc nâng cao năng lực cán bộ, hoạt động truyền thông về xóa đói giảm nghèo, hoạt động giám sát và đánh giá. (Nguyễn Thị Hoa, 2009)
Ta có thể thấy những chính sách trên vẫn tập trung vào những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo chung, mà chưa tác động đến nguyên nhân đặc trưng dẫn đến tình trạng nghèo của người Khmer, nên vẫn chưa đạt được mục tiêu giảm nghèo hiệu quả cho đồng bào Khmer. Kết quả phỏng vấn ông Lâm Văn Mẫn, phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng cho thấy biện pháp duy nhất mà chính quyền sử dụng nhằm thay đổi nhận thức ở người Khmer là thông qua tuyên truyền. Và biện pháp này có rất ít hiệu quả trong thực tế. Chính sách giảm nghèo hiện nay ưu tiên cho người dân tộc thiểu số trong việc hỗ trợ vốn và đất đai. Mặc dù những sự hỗ trợ đó là vô cùng cần thiết, nhưng điều cần tác động nhất để giảm nghèo cho người dân tộc Khmer là tác động đến nhận thức và thay đổi cách suy nghĩ của họ thì lại chưa được chú trọng đúng mức. Một hướng tác động duy nhất của chính sách đối với nhận thức của người Khmer hiện nay chỉ thông qua công tác tuyên truyền. Việc này đã không phát huy được hiệu quả trong thực tế.