Yếu tố lạm phát sẽ tác động trực tiếp tới các chủ thể trong nền kinh tế. Thông qua tác động phân phối lại thu nhập, lạm phát ảnh hưởng tới động cơ chi tiêu, đầu tư và tiết kiệm của các cá nhân và doanh nghiệp. Hành vi gửi tiền và đi vay của các chủ thể này lại tác động trực tiếp tới thu nhập, chi phí và khả năng sinh lời của NHTM (Trần Việt Dũng, 2014).
Kinh nghiệm thực tế cho thấy lạm phát cao và khó dự đoán sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế, gây khó khăn cho các quyết định quản trị cũng như thành quả kinh doanh. Tuy nhiên nếu dự đoán được tỷ lệ lạm phát, ngân hàng có thể điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp để doanh thu gia tăng nhanh hơn chi phí và gia tăng lợi nhuận. Giống như một số nghiên cứu trước (Gul và ctg, 2011; Sufian, 2011; Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành, 2015), nghiên cứu kỳ vọng tương quan dương giữa tỷ lệ lạm phát và khả năng sinh lời của NHTM.
Như vậy, nhìn chung trong các nghiên cứu, các yếu tố tác động đến khả năng sinh lời của NHTM thường được được chia làm 2 nhóm: nhóm yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Yếu tố bên trong là các đặc trưng riêng biệt của từng ngân hàng thể hiện hiệu quả quản lý của ngân hàng đó như quy mô, cấu trúc sở hữu, cấu trúc vốn, cấu trúc tài sản, chất lượng tài sản,…; các yếu tố bên ngoài là các nhân tố từ môi trường vĩ mô mà các nhà điều hành ngân hàng không thể kiểm soát được như lạm phát, tăng trưởng kinh tế,…
Tổng hợp một số nghiên cứu gần đây liên quan đến yếu tố vốn và các nhân tố tác động khả năng sinh lời của NHTM được tóm tắt qua Bảng 2.4 như sau:
Bảng 2.4. Tổng hợp các nghiên cứu gần đây
Tác giả Dữ liệu Biến phụ thuộc Kết quả tác động Abreu và Mendes (2002) 21-49 NH của 4 nước Châu Âu giai đoạn từ năm 1986 – 1999 ROA và ROE Tỷ lệ vốn chủ sở hữu (+), tỷ lệ dư nợ (+), lạm phát (-) Athanasoglou và ctg, (2008) Các NHTM tại Đông Nam Châu Âu giai đoạn 1998 – 2002
ROA và ROE
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu (+), sở hữu nước ngoài (+), lạm phát (+), nợ xấu (-)
Trujillo-Ponce (2013)
89 NHTM Tây Ban Nha, giai đoạn 1999- 2009
ROA và ROE
Tỷ lệ dư nợ (+), độ an toàn vốn (+), hiệu quả hoạt động (+), nợ xấu (-), tốc độ tăng GDP (+) và lạm phát (+) Trần Việt Dũng (2104) 22 NHTM Việt Nam, giai đoạn 2006-2012 ROA, ROE và NIM Tỷ lệ vốn chủ sở hữu (+), tốc độ tăng GDP (+), Sở hữu nhà nước(-), nợ xấu (-), lạm phát(-) Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2015) 22 NHTM tại Việt Nam giai đoạn 2007 – 2013 ROA và ROE Tỷ lệ dư nợ (+), lạm phát (+), tỷ lệ vốn chủ sở hữu (-), nợ xấu (-)
Nguồn: tổng hợp của tác giả từ các tài liệu tham khảo
Một số kết quả nghiên cứu thực nghiệm trước đây cho kết luận về sự tồn tại mối quan hệ giữa quy mô vốn chủ sở hữu và khả năng sinh lời của ngân hàng. Một số nghiên cứu cho thấy tác động cùng chiều (Abreu và Mendes, 2002; Francis,
2013; Trần Việt Dũng, 2104; Nguyễn Hồng Sơn và ctg, 2014; ), có nghiên cứu lại cho tác động ngược chiều (Nguyễn Công Tâm và Nguyễn Minh Hà, 2012; Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành, 2015). Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy cấu trúc sở hữu cũng tác động đến khả năng sinh lời của NHTM (Seelanatha, 2010; Trần Việt Dũng, 2104; Nguyễn Hồng Sơn và ctg, 2014).
Thông qua đề tài nghiên cứu, tác giả hy vọng có thể xây dựng được mô hình đánh giá tác động của vốn chủ sở hữu, bao gồm các yếu tố quy mô vốn chủ sở hữu, cấu trúc sở hữu, tốc độ tăng vốn và các yếu tố khác đến khả năng sinh lời của NHTM Việt Nam. Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm gia tăng khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam.