Một tình yêu nhuốm màu bản năng nhưng “cường tráng” và lành mạnh,

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ tình lò ngân sủn (Trang 53 - 60)

7. Đóng góp của luận văn

2.3. Một tình yêu nhuốm màu bản năng nhưng “cường tráng” và lành mạnh,

mạnh, mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Tình yêu trong thơ Lò Ngân Sủn rất hồn nhiên và trung thực. Các cung bậc cảm xúc của tình yêu, các sắc thái của tình yêu luôn được tác giả miêu tả, thể hiện một cách thật nhất, nồng nhiệt nhất. Đó là tình yêu trong sáng, lãng mạn và cũng là thứ tình yêu cuồng, nhiệt, đắm say… mang tính bản năng của người đàn ông miền núi với khát khao giao cảm, giao hòa đến “vô biên” và “tuyệt đỉnh” trong tình yêu đích thực của mình. Nhà thơ thường lựa chọn những hình ảnh thiên nhiên dữ dội, những con vật hoang dã, khỏe mạnh: như “con gấu”, “con hổ”, “con sói”; như “con thác”, “cơn bão”, “cơn giông”; như

“sấm sét”, “nước cuốn’, “cơn lốc”…để so sánh, ví von với cách thể hiện tình yêu nồng cháy và cuồng nhiệt.

Có lẽ trong suốt cuộc đời mình, nhà thơ Lò Ngân Sủn luôn đi tìm những cung bậc cảm xúc tình yêu và thơ là nơi ông trao gửi, giãi bày, bộc bạch bao cung bậc tình cảm của con tim tha thiết yêu đương đến si mê, cuồng nhiệt:

“Em yêu ơi/ Một năm mười hai tháng/ Một tháng ba mươi ngày/ Ngày nào, tháng nào anh cũng chờ đợi em” (Đêm hát đối). Thơ tình của ông khát chứa những ước vọng thành thực đến cháy lòng: tình yêu không chỉ đơn thuần hướng đến sự hòa hợp về tâm hồn: “Hai trái tim - hai hòn than đỏ ủ trong ngực/ Áp vào nhau là bùng lên ngọn lửa/ Ngọn lửa mềm mại êm ái, mát trong/ Ngọn lửa rạo rực, nóng ấm, nhiệt cuồng(Phút); “Ham muốn về nhau/ Mơ ước về nhau/ Mong nhớ về nhau/ Đâu cứ phải vợ chồng/ Trái tim đập cho nhau/ Hơi thở dồn cho nhau/ Ánh mắt gửi cho nhau/ Lời nói dành cho nhau/ Hình bóng ở trong nhau/ Đâu cứ phải vợ chồng(Đâu cứ phải vợ chồng); mà còn khẳng định tình yêu là khao khát được hòa hợp về thể xác với người mình yêu, được sống trong giây phút đắm đuối, cuồng si, được tận dâng và tận hiến cho tình yêu: “Anh muốn là ngọn gió/ Thổi bên em đêm hè/ Anh muốn là ngọn lửa/ Cháy bên em đêm đông…/ Anh muốn là chiếu êm/ Trải ra cho em nằm/ Anh muốn là chăn ấm/ Trải ra cho em đắp/ Anh muốn là trời đất/ Ôm ấp em không rời” (Anh muốn).

Là nhà thơ tiêu biểu cho thơ ca dân tộc thiểu số miền núi của những thập niên về trước, nhưng những bài thơ, câu thơ tình được viết ra từ hơi thở, nhịp đập con tim của người đàn ông xứ núi - Lò Ngân Sủn, chắc chắn cho đến tận bây giờ cũng sẽ làm không ít những bạn trẻ phải “giật mình” bởi nó quá bạo, quá chân thật và rất bản năng: “Hai người/ Con trai/ Con gái/ Ngồi bên nhau/ Nằm bên nhau… / Chân tay/ Quấn lấy nhau/ Buộc chặt nhau/ Miệng húp nhau tới tấp/ Rồi…/ Cả hai/ Cùng nằm lăn/ Thở ra nhè nhẹ/ Mắt nhìn đăm

chiêu/ Sau khi ăn xong/ Bữa tình yêu…” (Bữa tình yêu). Với những động từ như: “ngồi”, “nằm”, “quấn”, “buộc”, “húp”…tác giả đã miêu tả rất chân thực, tự nhiên cái đắm đuối, si mê, cuồng nhiệt trong tình yêu mà người “con trai” và người “con gái” dành cho nhau; nó trong sáng, hồn nhiên, nó thuộc về bản năng của con người. Cái hành động, cảm xúc tưởng như rất khó nói ấy của tình yêu lại được nhà thơ Lò Ngân Sủn cụ thể hóa bằng bữa ăn thường ngày của con người khiến người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, hóa ra những cử chỉ, hành động rất chân thực ấy không phải là nhu cầu để thỏa mãn khát vọng về thể xác của con người, mà chính là biểu hiện cao nhất của nhu cầu được tận hiến, tận dâng cho tình yêu. Sau giây phút đắm đuối, si mê, cuồng nhiệt ấy con người cảm thấy hân hoan, vui sướng như vừa được thưởng thức một bữa ăn rất ngon miệng, rất hấp dẫn, như vừa được thỏa mãn cơn đói, cơn khát, thỏa mãn ước muốn thèm được ăn, thèm được uống vậy. Cái thú vị nhất là khi nhà thơ gọi những giây phút cháy bỏng, nồng nàn, đắm đuối trong tình yêu ấy là “bữa tình yêu”. Quả thật, cách gọi này cho thấy sự phát hiện tinh tế, độc đáo, giàu chất nhân văn và mang tính khám phá ở ngòi bút tài hoa của nhà thơ tình dân tộc Giáy – Lò Ngân Sủn về tình yêu.

Bên cạnh đó, tình yêu còn được nhà thơ diễn đạt một cách chân thật, gần gũi như qui luật tất yếu của cuộc sống, qui luật tồn tại của con người, nó rất phồn thực mà không hề dung tục, tầm thường: “Không phải bắp chuối/ Không phải trăng đêm/ Là thịt da em/ Bao bọc hình dáng em/ Ôm ấp thân hình em/ Rạo rực/ Lửa tình yêu” (Lửa tình yêu). Từ cái nhìn của kẻ si tình, cuồng nhiệt đó, nhà thơ đã “nhân cách hóa” cả cảnh vật thiên nhiên trong những cái hôn mãnh liệt của tình yêu đầy sự đam mê: “Lúc dồn dập dữ dội/ Khi âm thầm lặng lẽ/ Khẽ hôn lên cồn đất/ Khẽ hôn lên cồn cát/ Hôn đến sạt cả núi/ Hôn đến mòn cả núi/ Là cái hôn của suối/ Hôn không dừng không dứt/ Hôn không dứt không thôi/ Cái hôn hình uốn khúc/ Cái hôn dài chân

thung…” (Suối hôn). Những hình ảnh thiên nhiên gần gũi, quen thuộc với cuộc sống của người miền núi như: núi, rừng, sông, suối cũng trở thành đối tượng yêu qua bút pháp lãng mạn, đậm chất trữ tình của nhà thơ Lò Ngân Sủn. Dùng hình ảnh đối lập: “dữ dội” với “lặng lẽ”, tác giả vừa miêu tả sự biến chuyển theo quy luật tự nhiên của thiên nhiên, lại vừa gợi ra những trạng thái đối lập của cảm xúc: khi sôi nổi, mãnh liệt; khi lại đằm thắm, dịu dàng, thiết tha của con người trong tình yêu. Từ “hôn” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một điệp khúc, kết hợp với những hình ảnh gợi liên tưởng sâu xa như: “Hôn lên cồn đất”, “hôn lên cồn cát”; “hôn” đến “sạt cả núi”, “mòn cả núi”, “không dừng”, “không dứt”, “không thôi”, “cái hôn hình uốn khúc”, “cái hôn dài chân thung”…đem đến cho người đọc sự thích thú trong cảm nhận về nụ hôn của “suối”, hay cũng chính là nụ hôn thật đắm say, thật mãnh liệt, thật bản năng mà cũng thật trong sáng và lành mạnh của đôi lứa yêu nhau. Không những hình tượng hóa “nụ hôn của suối”, Lò Ngân Sủn còn hình tượng hóa hình ảnh “trăng”: “Trăng non/ Như ngô non/ Trăng non lồng lộng xa xôi lắm/ Trăng non ngồn ngộn ngay trước mặt/ Ta ăn, ta uống, ta ngụp lặn trong trăng”

(Trăng non); “Chảy ra một dòng tươi mát/ Chảy ra một dòng ánh sáng/ Mơn man làn mây buông xõa/ Mơn man vầng trăng nõn nà” (Tắm máng). Trăng vốn là hình ảnh làm nên không gian thơ mộng, lung linh, huyền ảo của tình yêu lứa đôi, ở đây thi sĩ đã nhân hóa “trăng” trở thành nhân vật rất sống động, rất tình tứ để cụ thể hóa cái khát khao, rực cháy trong tình yêu của mình.

Nói về tình yêu nhuốm màu bản năng trong thơ tình Lò Ngân Sủn, không thể không nói đến những bài thơ viết về vẻ đẹp của người phụ nữ miền núi - những cô gái vùng cao xinh đẹp, rực rỡ, khỏe khoắn, đầy khả năng làm vợ, làm mẹ, làm người tình đắm say, nồng nàn. Và chính vẻ đẹp đầy chất phồn thực của người phụ nữ miền núi đã trở thành “đối tượng thẩm mỹ”,

hoang dại của cô gái miền sơn cước, trở thành “đặc sản” riêng trong thơ Lò Ngân Sủn. Phải là người đam mê, đắm đuối, nồng nhiệt trong tình yêu và phải biết yêu thật sự mới trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp cơ thể của người mình yêu và biết thưởng thức vẻ đẹp ấy với niềm say đắm của “nhục cảm lành mạnh” (F. Engels). Với Lò Ngân Sủn thân thể người phụ nữ là một giá trị cao quý xứng đáng được ca tụng, tôn vinh:

- Cởi áo ra

Em như một vầng trăng Mặc áo vào

Em như một rừng hoa

(Em như là ngày Tết)

- Em như cây ban Mọc lên từ đất Em như bông ban Nở trong mưa nắng Qua gió bão

Đôi mắt em sáng ngời

Đôi tay em như hai tấm cơm lam Đôi chân em như hai bắp chuối Đôi má em như hai quả đào chín Da thịt em mịn màng làn mây trắng Mái đầu em mượt mà bông tóc

Khuôn ngực em căng phồng hai trái núi mùa xuân.

Nhà thơ tình dân tộc Giáy đã miêu tả một cách cụ thể, gợi cảm và rất thật qua lối so sánh, ví von về hình thể của người phụ nữ miền núi với vẻ đẹp rạng rỡ, trong sáng như “vầng trăng”, “rừng hoa”, như “cây ban”, “bông ban”; và vẻ đẹp phồn thực đầy sức sống như: “tấm cơm lam”, “bắp chuối”, “quả đào chín”, “làn mây trắng”, “bông tóc”, “trái núi mùa xuân”…Vẻ đẹp ấy còn được nhắc đến trong những hình ảnh thơ: “Hai bắp đùi em/ Như hai bắp chuối rừng/ Tưng bừng bốc lửa/ Hai bắp tay em/ Như hai ống nếp lam/ Tròn căng mịn màng/ Hai mỏm ngực em/ Như hai mỏm núi/ Hứng đầy mưa gió/ Hai má em/ Như hai quả đào chín/ Giòn tan bát ngát” (Sự sống). Đó là một vẻ đẹp vừa khỏe khắn, nồng nàn, rực lửa, vừa duyên dáng, kín đáo, rất “trần tục” mà không thô tục. Vẻ đẹp và tình yêu của người phụ nữ vùng cao đã “truyền sự sống” cho người đàn ông xứ núi niềm hạnh phúc khôn cùng:

Đêm đêm em truyền sung sướng cho anh Đêm đêm em truyền hạnh phúc cho anh Đêm đêm em truyền sự sống cho anh Em là nỗi đam mê của đời anh!

(Em là nỗi đam mê của đời anh)

Với vẻ đẹp trong sáng, phồn thực đầy sức sống và một tình yêu mãnh liệt, giàu bản năng của người con gái vùng cao đã đem đến niềm “sung sướng”, “hạnh phúc”, đem đến “sự sống” cho người đàn ông “đá núi”. Và còn làm cho trái tim của chàng thi sĩ si tình – Lò Ngân Sủn một “nỗi đam mê” cả cuộc đời. “Đam mê” với tình yêu , “đam mê” tìm cái đẹp cho cuộc đời để tạc nên bức tượng đài bất tử cho “nàng thơ”:

“Người đẹp trông như tuyết Chạm vào lại thấy nóng

Người đẹp trông như lửa Sờ vào lại thấy mát

Người không khát - nhìn thấy người đẹp cũng khát Người không đói - nhìn thấy người đẹp cũng đói

Người muốn chết - gặp người đẹp lại không muốn chết nữa… Ơ!

Người đẹp là ước mơ Treo trước mắt mọi người

(Người đẹp)

Đọc bài thơ “Người đẹp” người đọc nhận thấy những câu thơ vừa mang tính bản năng, vừa mang chất trí tuệ, vừa tự nhiên lại vừa nhuốm màu triết lí nhân sinh sâu sắc. Và người ta còn nhận ra cái bản lĩnh của một nhà thơ miền núi khi đứng trước sự tuyệt mỹ của người đàn bà đẹp “biết diễn tả bằng cách mới những chân lí bình thường”.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Tình yêu trong thơ Lò Ngân Sủn mang nhiều sắc thái khác nhau: Đó là tình yêu trong trẻo, hồn nhiên; tình yêu đắm say, mãnh liệt - yêu đến tan cả đất trời; tình yêu dang dở thời quá khứ - đau đáu, xót xa; đó là tình yêu trong xa cách - đốt cháy lòng người trong nỗi nhớ… nhưng ở bất cứ hoàn cảnh nào tình yêu ấy sẽ luôn được tác giả trân trọng, thiết tha và cháy hết mình vì nó. Chính vì vậy thơ tình yêu của Lò Ngân Sủn luôn toát lên những giá trị nhân văn sâu sắc, làm rung động tâm hồn người đọc bởi cái đẹp, cái thiêng liêng của một thứ tình yêu trong sáng, mãnh liệt, tình yêu mang tính phồn thực bản năng nhưng cũng thật “cường tráng và lành mạnh”.

Chương 3 NHỮNG ĐẶC SẮC

VỀ NGHỆ THUẬT THƠ TÌNH YÊU CỦA LÒ NGÂN SỦN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ tình lò ngân sủn (Trang 53 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)