7. Đóng góp của luận văn
3.1. Ngôn ngữ thơ rất giàu hình ảnh và mang tính biểu cảm cao
Chất liệu của văn học là ngôn từ. Mỗi một hình tượng nghệ thuật đều gắn liền với một chất liệu cụ thể. Hội họa xây dựng hình tượng bằng màu sắc, đường nét; Âm nhạc xây dựng hình tượng bằng giai điệu, âm thanh; Điêu khắc xây dựng hình tượng bằng hình khối thì văn học xây dựng hình tượng bằng chất liệu ngôn từ. Như vậy ngôn ngữ có một vai trò rất quan trọng đối với văn học đặc biệt là trong thi ca. Nhà văn Nga Macxim Gorki từng nói:
“Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”. Trong quá trình đi tìm chữ
“thần” để câu thơ được “lóe sáng”, bài thơ được “chắp cánh”, các nhà thơ đã phải trải qua một quá trình khổ luyện, tìm tòi, lựa chọn, sàng lọc, tích lũy vốn sống… mới có thể tìm ra cái tinh chất của ngôn từ để đặt vào thơ ca, làm cho hình tượng trong thơ trở nên sống động, có hồn. Nhà thơ Nga, Maia.Cốpxki cho rằng: “Quá trình sáng tác ngôn ngữ thơ ca cũng giống như người lọc quặng radium, lọc lấy tinh chất, tìm ra trong những cái bộn bề của những tấn quặng từ đẹp, ánh sáng kim cương”.Bàn về ngôn ngữ trong thơ, Nguyễn Đình Thi (tác giả bài viết: “Mấy ý nghĩ về thơ”) cũng đã nói: “Điều kì diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, tỏa ra xung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy. Sức mạnh nhất của câu thơ là ở sức gợi ấy”. “Sức mạnh” của câu thơ được gợi ra chính bởi ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu sức biểu cảm.
Ngôn ngữ trong thơ của nhà thơ Lò Ngân Sủn nói chung rất giàu hình ảnh và mang tính biểu cảm cao, ta bắt gặp trong thơ ông những hình ảnh của
thiên nhiên, không gian, cuộc sống nơi miền núi cao: “Suối đi như một đường xanh/ Uốn quanh chân núi, uốn quanh chân đồi…/Suối xanh như lá cây rừng/ Suối xanh như thể đêm đầy trăng xa” (Suối); “Đường như một sợi dây leo/ Chênh vênh đèo dốc, cheo leo đèo trời/ Lên người - ống nước sôi/ Xuống người như trống gõ hồi xuất quân…/ Uốn quanh núi/ Quấn quanh đồi/ Đường như ánh chớp xé trời mà lên/ Dốc Ngài Trồ/ Núi Cô Tiên/ Đường lên Ý Tý như đi trên trời” (Đường lên Ý Tý); “Đường như một sợi dây thôi/ Quanh co đèo dốc nên người vùng cao/ Đường như thang bắc lên sao/ Âm vang là tiếng thác trào xuống thung/ Cỏ lay, mây lượn, ngập ngừng/ Trập trùng đồi núi, trập trùng rừng cây” (Đường về Bát Xát)…Những câu thơ, hình ảnh thơ này đã gợi ra trước mắt người đọc bức tranh thiên nhiên, không gian của núi, rừng, sông, suối hùng vĩ, dữ dội mà thơ mộng, trữ tình cũng như bức tranh cuộc sống đầy sôi động với những chợ phiên, chợ tình, những sinh hoạt mang nét riêng của con người vùng cao. Trên nền cảnh của thiên nhiên, của cuộc sống ấy nổi bật lên là hình ảnh con người miền núi chân chất, mộc mạc, khỏe khoắn, dũng mãnh mà cũng rất lãng mạn, mơ mộng, và say đắm trong tình yêu: “Người miền núi chúng mình/ mỗi người mỗi tính nết/ Mỗi người mỗi vẻ đẹp/ Con gái như chim rừng/ Con trai như suối thác” (Người miền núi);
“Những người con của núi/ Sống ào ào như thác đổ/ Sống dữ dội như lốc cuốn…/ Những người con của núi/ Dù ở đâu vẫn nhận ra nhau/ Đã vui – như chim hót/ Đã cười – tươi như hoa/ Đã buồn – im như đá/ Cả dáng hình cũng là cái dáng hình của núi” (Những người con của núi); “Sinh trên đá/ Lớn trên đá/ Đi trên đá/ Chạy trên đá/ Gieo trồng trên đá/ Ước mơ hiện lên trên đá/ Người Mông ta/ Sống đá nuôi/ Chết đá phủ/ Ngủ trên đá/ Đá cũng mềm như đất như hoa!” (Người trên đá); “Nói như chăng dây/ Cười như gieo cấy/ Nhìn như giăng bẫy/ Hồn nổi mây gió/ Tình yêu cung nỏ/ Cô gái vùng cao/ Như sao trên trời/ Như đào trên cây” (Con gái vùng cao)... Những con người vùng cao từ dáng vẻ bên ngoài lẫn tâm hồn bên trong đều toát lên vẻ
đẹp rất riêng, đậm chất dân tộc miền núi, họ là đối tượng chính và cũng là nguồn cảm hứng vô tận trong thơ ca nói chung và thơ tình yêu nói riêng của nhà thơ Lò Ngân Sủn. Chính vì vậy mà nhà thơ đã lựa chọn những ca từ đẹp nhất, tinh tế nhất, giàu hình ảnh nhất và cũng biểu cảm nhất theo cách tư duy của người DTTS để ngợi ca và thể hiện niềm tự hào, thể hiện tình yêu của mình về những con người vùng cao này. Đặc biệt ở mảng thơ tình, tác giả đã sử dụng triệt để thứ ngôn ngữ thơ rất giàu hình ảnh, với lối so sánh, ví von độc đáo để miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ miền núi – đối tượng yêu của nhà thơ tình dân tộc Giáy này.
Như ta đã biết, tình yêu trong thơ Lò Ngân Sủn là một thứ tình yêu cuồng nhiệt, say đắm, cháy bỏng, đầy bản năng của một người đàn ông miền núi đích thực. Đến với những trang thơ tình của ông, người đọc không khỏi bị cuốn vào dòng cảm xúc mãnh liệt như thác lũ, như bão dông của nhà thơ DTTS tài hoa, lãng mạn và cháy hết mình này trong tình yêu đôi lứa. Để bộc lộ được những cảm xúc ấy nhà thơ đã sử dụng lối so sánh, ví von cùng những từ ngữ giàu hình ảnh, mang tính biểu cảm cao, đặc biệt khi ông miêu tả vẻ đẹp về hình thể cũng như vẻ đẹp về nội tâm bên trong của người mình yêu - người phụ nữ vùng cao xinh đẹp, rực rỡ, khỏe khoắn, đầy khả năng làm vợ, làm mẹ, làm người tình đắm say, nồng nhiệt. Phải là người có tình yêu dữ dội và cuồng nhiệt lắm - người “đàn ông đá núi” ấy mới có thể viết nên những câu thơ vừa chân thực, lãng mạn, bay bổng, vừa mang tính bản năng mãnh liệt, giàu chất trí tuệ… khi miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ miền sơn cước:
“- Người đẹp trông như tuyết Chạm vào lại thấy nóng Người đẹp trông như lửa Sờ vào lại thấy mát
Người không khát - nhìn thấy người đẹp cũng khát Người không đói - nhìn thấy người đẹp cũng đói
Người muốn chết - gặp người đẹp lại không muốn chết nữa”
(Người đẹp)
Trong bài thơ này, tác giả đã sử dụng những hình ảnh mang tính chất rất trái ngược nhau trong cùng một tính chất như: “Tuyết/nóng”, “Lửa/mát”,”Không khát/ cũng khát”, “Không đói/cũng đói”, “Muốn chết/ không muốn chết nữa”…để khắc họa vẻ đẹp, sức sống mãnh liệt và khả năng làm thức dậy, làm sống lại lòng ham sống cùng sự khao khát tình yêu…của “người đẹp” đối với con người nói chung, đối với người đàn ông miền núi nói riêng. Đây là một cách diễn đạt rất đặc biệt, rất chân chất nhưng cũng rất nghệ thuật, rất trí tuệ của người nghệ sĩ tài hoa Lò Ngân Sủn khi miêu tả “Người đẹp” của mình trong thơ.
Với một cảm hứng mãnh liệt, với một trí tưởng tượng phong phú cùng sự liên tưởng độc đáo, nhà thơ Lò Ngân đã miêu tả một cách sinh động, cụ thể, gần gũi, thân thương…vẻ đẹp của người phụ nữ miền núi – “đối tượng yêu” tha thiết, nồng cháy của mình. Ông đã ví: mái tóc của người con gái như “dòng suối”, như “mây cài trên đỉnh núi”; đôi mắt của người yêu như: “sao trên trời”, “như vành trăng tỏ”, “như mỡ nóng trong chảo”, “ngọt như mật ong trong tổ”, “giòn như mía mòi ấy”…Ông cũng ví von vẻ đẹp của cơ thể tràn đầy sức sống, đẹp một cách nóng bỏng, một cách tự nhiên, rực rỡ, khỏe khoắn cũng như vẻ đẹp về tâm hồn của người phụ nữ miền núi với những hình ảnh hết sức cụ thể, sinh động, tưởng chừng có thể “cầm lấy”, có thể nắm chặt, có thể thưởng thức hương vị, có thể “uống” được, “ăn” được…như: “Em như bông Ban”, “như đào mận trên cây”, “như quả khế mới ra”, “như mạ mới nhú”, “như dòng suối”, “như câu hát tháng giêng”, “như cái chăn bông”, “như
tiếng Pí Lè”, “như điệu then”, “điệu khắp”, “như chum rượu ngọt”, “như tấm cơm lam”, “như cái bánh chưng”…Bên cạnh đó, ông còn dùng những hình ảnh rất độc đáo, rất thực, thậm chí để ví với “em”, để miêu tả vẻ đẹp của “em”, tác giả đã sử dụng những hình ảnh như: “Mông em tròn mập như bắp chuối…/ Hai môi em như hai miếng thịt nướng/ Thân hình em như bó củi chắc nịch…Vai em khỏe như vai con trâu” (Con gái Bản Tông); “Em là bếp lửa nhà anh/ Em là vại nước nhà anh/ Em là chõ cơm nhà anh” (Em là nỗi đam mê của đời anh); “Như một cái chăn bông…/Đẹp như cái bánh chưng”
(Em như là ngày tết); “Em là củ mài trong đất/ Anh quyết đào lên” (Giáp hạt)…Đọc những câu thơ này, hình ảnh thơ này chắc hẳn người đọc không khỏi ngỡ ngàng bởi cách ví von, so sánh rất thực, rất mộc mạc, có phần như thô giáp: ví môi như “miếng thịt nướng”, thân hình như “bó củi”, vai như “con trâu”, như “bếp lửa”, “vại nước”, “chõ cơm”, “bánh chưng”, “củ mài”… nhưng những hình ảnh đó lại đem đến cho người đọc sự hình dung cụ thể nhất, chính xác nhất về nét riêng trong vẻ đẹp đậm chất miền núi của các cô gái vùng cao, và đó cũng chính là tình cảm thiết tha, là tình yêu mãnh liệt của người “con trai đá núi” dành cho người yêu của mình.
Vẻ đẹp của người phụ nữ vùng cao luôn là nguồn cảm xúc mãnh liệt không bao giờ vơi cạn đối với các chàng thi sĩ miền núi xưa nay. Vẻ đẹp của họ được ví như “hoa của bản mường”, là “mật ong”, là “khúc mía”, là “nguồn suối trong xanh”, là “mây trắng”, là “mùa xuân”. Miêu tả vẻ đẹp hình thể của người con gái miền núi, Lò Ngân Sủn cũng đã sử dụng ngôn từ rất giàu hình ảnh, lối so sánh, ví von rất chân thực mà không kém phần tinh tế, gợi cảm để làm nổi bật cái vẻ đẹp thuần phác tự nhiên, vẻ đẹp của con người Tây Bắc. Đồng thời bộc lộ những cảm xúc mãnh liệt của mình thông qua một hệ thống từ ngữ rất giàu biểu cảm:
- Em như khe suối bên rừng Anh vừa trông thấy muốn dừng
uống ngay Em như đào mận trên cây
Anh vừa trông thấy muốn tay vịn cành… Em như hoa nở mùa xuân
Anh vừa trông thấy âm thầm bén duyên Em như câu hát tháng giêng
Anh vừa trông thấy ngả nghiêng đất trời
(Xứ tình yêu)
- Em
Bông hoa mới hé Quả khế mới ra Ruộng mạ mới nhú Trăng thu mới tỏ Mặt trời mới lọ
(Nhớ về em)
- Mặt cô em như trăng sáng Dáng cô em như bông chàm
Làm lòng anh ngây ngất, ngất ngây
(Đêm màu tình yêu)
Gương mặt em bập bùng ánh lửa Sóng ngực em phập phồng hơi lửa Toàn thân em tràn ngập ước mơ
(Ước mơ)
- Nên anh mới ví em như dòng suối Uống rồi, uống mãi không vơi cạn Nên anh mới ví em như câu ca bát ngát Hát rồi, hát mãi vần còn lời yêu thương
(Yêu em)
Có thể thấy đi đôi với những hình ảnh rất đẹp, rất tươi tắn, tràn đầy sức sống của “em” như: “suối bên rừng”, “đào mận trên cây”, “như mùa xuân”, “như câu hát”, như “hoa mới hé”, “khế mới ra”, “mạ mới nhú”, “Trăng thu mới tỏ”, “như bông chàm”…là những từ ngữ, hình ảnh có tính biểu cảm cao đã diễn tả những cung bậc xúc cảm của nhân vật “anh” trước vẻ đẹp của người con gái mình yêu như: “muốn dừng uống ngay”, “muốn tay vịn cành”, “âm thầm bén duyên”, “ngả nghiêng đất trời”, “ngất ngây”, “thương nhớ”, “tràn ngập ước mơ”, “uống mãi không vơi cạn”, “hát mãi vẫn còn lời yêu thương”…vẻ đẹp ấy của người con gái vùng cao đã khiến cho tâm hồn thi nhân như được chắp cánh bay bổng, đầy mộng ước, khát khao, tràn ngập tình yêu thương.
Bên cạnh vẻ đẹp hồn nhiên, thuần phác, hình ảnh người phụ nữ vùng cao còn hiện lên với nét đẹp khỏe khoắn, phồn thực, đầy sức sống làm đắm say bao tâm hồn các chàng trai đá núi. Miêu tả vẻ đẹp này của người phụ nữ, nhà thơ Lò Ngân Sủn cũng đã sử dụng những hình ảnh độc đáo mang lại sự thích thú và ngạc nhiên cho người đọc bởi sự liên tưởng lạ (mà quen) của ông:
-Tóc chảy xuống như một dòng suối Mắt em tỏa ánh sao mơ
(Con gái Bản Tông)
- Hai bắp đùi em
Như hai bắp chuối rừng Tưng bừng bốc lửa.
Hai bắp tay em Như hai ống nếp lam Tròn căng mịn màng.
Hai mỏm ngực em Như hai mỏm núi Hứng đầy mưa gió
(Sự Sống)
Vẻ đẹp hình thể đầy chất phồn thực, căng tràn sức sống của người “em” được so sánh, ví von vừa đẹp trữ tình, duyên dáng: “như một dòng suối”, “tỏa ánh sao mơ”…; vừa chân chất, mộc mạc: “như bắp chuối”, như “ống nếp lam”, “như hai mỏm núi”… đã cho thấy những tình cảm, cảm xúc chân thật nhất, thành thực nhất, mà cũng mãnh liệt nhất, cuồng nhiệt nhất của “chàng trai đá núi”.
Nhà thơ Lò Ngân Sủn còn dành những ngôn từ giàu hình ảnh, biểu cảm cao để nói về vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm - vẻ đẹp làm nên thần thái, thần khí rất riêng, rất độc đáo của người phụ nữ vùng cao: “Sáng sớm em lên nương/ Bàn tay em nhúng sương/ Chiều tối em về bản/ Bàn tay em nhuộm nắng/ Một năm
có bốn mùa/ Mùa nào em cũng lên nương/ Mùa nào em cũng gieo cấy/ Em thêu cả bốn mùa vào gấu váy/ Xoay trời đẻ ra lúa/ Xoay đất đẻ ra ngô/ Gia súc gia cầm đông đàn như cái tổ ong treo trước cửa”(Bốn mùa); “Mùa xuân, em làm hoa ngồi đợi/ Mùa hạ, em làm nắng ngồi mong/ Mùa thu, em làm lá ngồi chờ/ Mùa đông, em làm mây đứng ngóng/ Hoa sắp tàn, nước chàm em nhúng/ Nắng sắp nhạt, nước rượu em đun/ Lá sắp rụng, em nâng em đỡ/ Mây sắp tan, em che em đậy” (Đợi chờ);“Như một dòng suối trong/ Làm mát anh mùa hạ/ Như một cái chăn bông/ Làm ấm anh mùa đông/ Em như tiếng pí lè/ Anh nghe lòng xốn xang/ Em như làn điệu then/ Anh nghe hồn tươi xanh/ Em như làn điệu khắp/ Thắp ngọn lửa trong anh” (Em như là ngày tết);“Em lượn mạ/ Đất trả về bông cơm…/ Em cào cỏ/ Rước cây đời lên cao…/ Em dệt vải/ Trải ra nắng ra mây…/ Em luồn kim. Hiện muôn hình hoa lá…/ Em nhuộm chàm/ Không phai màu quê hương” (Anh và em)…Có thể thấy cái làm nên xúc cảm mãnh liệt, cháy bỏng, sự đam mê, cuồng nhiệt trong tình yêu của người đàn ông xứ núi không chỉ là vẻ đẹp về hình thể, dáng vẻ bên ngoài của người “em” vùng cao mà sâu xa hơn đó còn là vẻ đẹp của đôi bàn tay lao động chăm chỉ, cần cù quanh năm: bàn tay “lên nương”, “gieo cấy”, “nhúng sương”, “nhuộm nắng”, “thêu cả bốn mùa”, “lượn mạ”, “cào cỏ”, “dệt vải”, “luồn kim”, “nhuộm chàm”…;vẻ đẹp của sự đợi chờ, thủy chung son sắt trong tình yêu: “mùa xuân – ngồi đợi”, “mùa hạ - ngồi mong”, “mùa thu – ngồi chờ”, “mùa đông – đứng ngóng”…; vẻ đẹp mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người vùng cao: “như tiếng Pí Lè”, “như làn điệu then”, “như làn điệu khắp”…vẻ đẹp ấy đã làm say mê, đắm đuối tâm hồn của “người đàn ông đá núi”: lúc “nghe lòng xốn xang”, lúc “nghe hồn tươi xanh”.
Những trạng thái tình cảm như: yêu, nhớ, vui, buồn, đau đớn, xót xa…trong tình yêu cũng đã được nhà thơ Lò Ngân Sủn vận dụng một cách tài tình hệ thống ngôn từ rất giàu biểu cảm, giàu sức gợi tả, những hình ảnh thơ
mang đậm màu sắc dân tộc và miền núi đã khiến thơ ông thêm sinh động và