Hiện nay ở Việt Nam với số lượng hơn 3.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, với hơn 9 triệu m3 gỗ nguyên liệu trong nước và từ 3,5 – 4 triệu m3 gỗ nguyên liệu được nhập khẩu hàng năm cung cấp cho công nghiệp chế biến gỗ đã tác động lớn đến môi trường. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một nghiên cứu tổng thể nào đánh giá tác động đến môi trường của ngành chế biến gỗ. Vì thế, chưa có số liệu kiểm toán môi trường nào được công bố cho bất kỳ một dạng sản phẩm nào trong ngành sản xuất đồ gỗ. Ví dụ như: số liệu kiểm toán môi trường cho 1 m3 nguyên liệu gỗ cho sản xuất đồ gỗ (các chủng loại khác nhau) hoặc cho 1m3 sản phẩm ván dăm, ván dán,… thì cần bao nhiêu năng lượng (điện, dầu), nước, nguyên nhiên liệu khác, để từ đó tính ra được lượng khí (CO2, SOx, NOx,…), chất thải rắn, nước thải ra môi trường trên một đơn vị nguyên liệu đầu vào hay một đơn vị sản phẩm đầu ra.
Trong ngành chế biến gỗ, ngoài gỗ là nguyên liệu chính còn có nhiều loại nguyên liệu khác được sử dụng như: nước, keo, các chất sử dụng cho trang sức bề mặt như: sơn, vecn, hóa chất tẩy rửa,… và một số vật tư khác đã tạo ra nguồn ô nhiễm lớn tác động đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Ngoài ra, các máy móc dùng để gia công có chủng loại rất phong phú, quy cách không đồng nhất, đa phần máy móc ở mức lạc hậu so với thế giới đã góp phần không nhỏ tới ô nhiễm môi trường. Các loại ô nhiễm chính do
ngành chế biến gỗ tác động đến môi trường đó là: bụi ô nhiễm, ô nhiễm tiếng ồn, nước ô nhiễm, các chất gây ô nhiễm cho không khí,…
Hiện nay, vấn đề về ô nhiễm môi trường của ngành chế biến gỗ đang rất được coi trọng, nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng một số biện pháp và chính sách thiết thực kiểm soát vài giảm thiểu ô nhiễm môi trường đó là:
-Chế định ra pháp luật, tiêu chuẩn và quy định liên quan đến môi trường -Lập ra quy hoạch về bảo vệ môi trường trong ngành chế biến gỗ, kiên trì nguyên tắc “phát triển bền vững”, lợi dụng và khai thác nguồn tài nguyên gỗ một cách hợp lý.
-Về mặt vĩ mô, tiến hành tối ưu hóa kết cấu công nghiệp, đối với những xưởng sản xuất có lượng ô nhiễm lớn, nguyên liệu tiêu hao nhiều thì nên đóng cửa, dừng hoạt động hoặc chuyển hóa hoạt động, coi trọng việc phát triển các xí nghiệp có trình độ kỹ thuật cao, ô nhiễm môi trường ít.
-Cải tiến kỹ thuật đối với các xí nghiệp hiện nay, giảm thấp và khống chế nguồn ô nhiễm thải ra môi trường.
-Phát triển sản xuất sạch hơn.
-Tăng cường quản lý, thực hiện rộng rãi về chế độ “lượng ô nhiễm cho phép” từ các nhà máy chế biến gỗ và các làng nghề.
-Giải quyết ô nhiễm ngay ở bên trong xí nghiệp, tăng cường xử lý ở công đoạn cuối của dây chuyền sản xuất.
-Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với vấn đề ô nhiễm môi trường trong ngành chế biến gỗ.
Để thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp chế biến gỗ, việc nghiên cứu thực trạng nhận thức của những người đang trực tiếp sản xuất trong ngành công nghiệp này là rất quan trọng.