CHÚNG TA LÀ NHỮNG CỨU TINH CỦA CHÍNH MÌNH
TÁI SINH NGAY TỨC KHẮC
Tuy nhiên, có một vai trò mà vị tu sĩ có thể áp dụng trong việc tụng kinh tang lễ. Ðó là cách chia sẻ công đức phước báu trong Phật giáo. Chia sẻ công đức hay hồi hướng công đức ảnh hưởng thế nào? Trước khi chúng ta có thể giảng nghĩa điều này, trước hết chúng ta phải hiểu cái gì xảy ra vào lúc chết. Theo Ðức Phật, tái sinh xảy ra lập tức sau khi chết, thức có tính chất sinh diệt không ngừng. Không có khoảng cách giữa cái chết và tái sinh kế tiếp. Giây phút ta chết đi thì giây phút kế tiếp là tái sinh vào cõi người hoặc cõi thú vật, cõi ngạ quỷ, cõi A Tu La, cõi địa ngục, hay cõi trời.
Ta tái sinh theo nghiệp của ta. Nếu ta sống một cuộc đời lương thiện, nói chung, ta sẽ được sự tái sinh tốt. Tâm ở trong trạng thái thiện vào lúc chết làm cho tái sinh tốt xảy đến. Ta có thể tái sinh làm người hay làm thần ở một trong nhiều cảnh giới cõi trời. Ðức Phật có thể nhìn thấy bằng năng lực tâm linh những cảnh giới khác nhau về kiếp sống, và cũng nhìn thấy chúng sinh chết ra sao và tái sinh ngay lập tức theo những hành vi của chúng. Ðức Phật và nhiều các nhà sư ở thời đại của Ngài đã có thể nhớ lại được tiền kiếp.
Nếu ta sống một cuộc đời tội lỗi, thì tái sinh xấu sẽ đến – một trong bốn trạng thái thống khổ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, và A Tu La. Nhưng dù tái sinh vào bất cứ nơi nào, ta cũng không vĩnh viến ở đấy. Khi thọ mạng ở trong đó hết hạn, cái chết xảy ra và nó đi vào một tái sinh mới. Cho nên kiếp sống ở địa ngục hay ngạ quỷ cũng không vĩnh viễn. Có hy vọng sẽ có cơ hội tái sinh tốt, tuy có thể phải mất một thời gian không kể xiết để có cơ hội này. Cho nên tốt hơn là đừng để rơi vào những nơi thống khổ, vì một khi đã rơi vào đó không ai biết sẽ phải ở đó bao lâu. Có thể dường như vô tận!
Tương tự như vậy, kiếp sống ở cõi trời cũng không vĩnh viễn. Khi kiếp sống tại đó đã mãn, rất có thể rơi vào cõi thấp hơn. Chỉ có các bậc A La Hán đã rũ bỏ tất cả ham muốn để tái sinh, đã loại bỏ được tất cả những ô nhiễm của tham, sân và si, sẽ không phải tái sinh. Lúc chết vị ấy không còn phải sinh vào bất cứ một trong 31 cõi sống. Vị ấy không còn bị luân hồi, không còn bị vào vòng sinh tử. Vị ấy đạt được vô dư niết bàn, tức là dập tắt được toàn bộ khổ đau của thân và tâm. Nhưng cho đến khi trở thành A La Hán, hành giả vẫn phải tái sinh.