CHÚNG TA LÀ NHỮNG CỨU TINH CỦA CHÍNH MÌNH
TANG LỄ PHẬT GIÁO LÀ MỘT TANG LỄ ÐƠN GIẢN
GIẢN
Con đường Phật giáo có nghĩa lý và đơn giản. Nếu chúng ta hiểu và đánh giá cao con đường Phật giáo, thì tang lễ Phật giáo sẽ rất đơn giản, tránh nghi thức và nghi lễ dị đoan, tránh sợ hãi, lo lắng hay bối rối. Ta không cần phải đốt cái này cái kia, tiến hành những loại nghi thức xa lạ, và phải tuân thủ tất cả những điều cấm kỵ, tất cả những thứ hoàn toàn vô nghĩa và gây bối rối cho những người sống, thường bị cuốn theo những điều đó vì sợ hãi, áp lực xã hội hay dốt nát hơn là bất cứ cái gì khác. Ta không phải mời những người chuyên nghiệp để tụng kinh hay thực hiện các nghi thức cho một lệ phí nặng nề lên tới cả
ngàn đô la, hay thuê một ban nhạc để cử nhạc mặc dù có thể là nhạc rất nghiêm trang.
Là một Phật tử, ta chỉ cần mời những vị sư để tụng kinh, mà cũng không cần phải dông dài. Nếu có thể, những kinh này được dịch ra tiếng Anh hay tiếng địa phương để khi tụng đọc, mọi người có mặt đều có thể hiểu được, cảm niệm và suy ngẫm về những điều đã được tụng có liên quan đến những gì Ðức Phật đã dạy về bản chất của sự sống và cái chết. Quan trọng nhất là giữ năm giới bởi người cư sĩ – tụng bằng tiếng Pali theo vị sự, và tốt hơn nếu được dịch sang tiếng địa phương. Sự gìn giữ và tuân theo năm giới là sự tu hành căn bản của người cư sĩ Phật giáo. Sau khi thọ giới, nhà sư có thể thuyết một bài Pháp để an ủi, khuyên giải và khuyến khích những người có thân nhân qua đời.
Trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, các nhà sư không thu một khoản lệ phí nào về buổi lễ của họ. Lễ này các nhà sư làm do lòng từ bi, để hỗ trợ tinh thần cho những cư sĩ thuần thành trong giờ cần thiết của họ. Các nhà sư không tìm kiếm sự đền bù bằng tiền bạc vì điều đó không hòa hợp với tinh thần Phật Pháp. Tuy nhiên, những cư sĩ thuần thành đôi khi cúng dường một phong thư đỏ cho vị sư để mua những thứ cần thiết, như y áo hay thuốc men. Số tiền này, nếu cúng dường, chỉ là một biểu hiện biết ơn. Thực ra, các nhà sư không mong muốn phong bì đỏ, và nếu nó được cúng dường thì chỉ là sự cúng dường hoàn toàn theo sáng kiến của người cúng dường. Phong bì này là biểu hiện sự biết ơn, không phải là lệ phí mà là cúng dường. Lệ phí, trong trường hợp tang lễ, thường là một món tiền lớn lao được ấn định bởi người làm dịch vụ tang lễ trước khi đồng ý tiến hành những tế
lễ tỷ mỉ. Và như chúng tôi đã nói, điều đó không phải là việc làm của một nhà sư.
Những thân quyến, đương nhiên có thể cúng dường thức ăn đến các vị sư tại chùa. Những người có khả năng hơn có thể cúng dường in kinh sách Phật Pháp để ấn tống, biếu không. Họ cũng có thể cúng dường cho những cơ sở từ thiện, cho những người nghèo, và những người túng thiếu. Thay vì những vòng hoa tang, thân quyến và bạn bè nên được khuyến khích cúng cho những hội từ thiện đặc biệt. Tất cả những việc như thế làm tang lễ có ý nghĩa – bớt đi những lề thói vụng về đem đến nhiều bối rối và uổng phí tiền bạc.