7. Đóng góp của luận văn
3.2. Nghệ thuật kể theo thể loại hồi ký
Khái niệm về hồi ký
Hồi ký rất gần với nhật ký ở hình thức giãi bày, không dùng các thủ pháp cốt truyện, cách kể theo thứ tự thời gian, chú ý đến các sự kiện mang tính chất tiểu sử [24]. Theo khảo sát của chúng tôi về khái niệm hồi ký, đã có các nhà nghiên cứu bàn đến như sau:
Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê): “Hồi ký là thể văn ghi lại những điều còn nhớ sau khi đã trải qua, đã chứng kiến sự việc” [28, tr.591]. Nguyễn Văn Đạm trong Từ điển tường giải và liên tưởng tiếng Việt, đưa ra cách hiểu: “Hồi ký là thể văn thuật lại theo thứ tự thời gian những sự việc mà tác giả đã trải qua hoặc chứng kiến một phần nào trong những mối quan hệ thời đại” [6, tr.386]. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Hồi ký là một thể loại thuộc loại hình ký, kể lại những biến cố xảy ra trong quá khứ mà tác giả là người tham dự hoặc chứng kiến [9, tr.127].
Theo nguyễn Văn Tùng trong Lí luận văn học và đổi mới đọc hiểu tác phẩm đã đúc kết khái niệm hồi ký “hồi ký là sự ghi chép những sự việc mà tác giả đã từng tham gia, chứng kiến trong quá khứ nên đòi hỏi sự chính xác, trung thực” [36, tr.72].
Hồi ký là một trong những thể loại đặc biệt trong diễn trình văn học Việt Nam. Đây là một tiểu loại của ký, xuất hiện muộn, một thể loại “trẻ” nhưng chủ thể sáng tạo “già”, là những tác giả đã trải qua một hành trình sáng tác lâu dài. Tóm lại, các cách lí giải về khái niệm trên về cơ bản đều dựa theo chiết tự Hán Việt hồi là quay trở lại, ký là ghi chép những điều chứng kiến. Đây là cách lý giải đơn giản, ngắn gọn cho số đông người đọc có thể hiểu cơ bản khái niệm hồi ký.
Mỗi thiên hồi ký là những bức tranh hiện thực của đất nước. Nhiều số phận, nhiều cảnh ngộ, nhiều vấn đề phức tạp của quá khứ 2 được nhìn nhận lại từ điểm nhìn hiện tại theo hướng đa chiều, thấu tình, đạt lý. Từ “cự ly gần”, chân dung tự họa của nhà văn (chủ thể hồi ký/người kể chuyện) cũng như những chân dung được họa (nhân vật thực khúc xạ qua cái nhìn thẩm mỹ của thể loại) hiện ra đa chiều.
Về hồi ký và nhật ký, nhóm tác giả Từ điển thuật ngữ văn học chỉ ra những điểm giống và khác nhau cơ bản: xét về phương diện quan hệ giữa tác giả với sự kiện được ghi lại về tính chính xác của sự kiện, về góc độ và phương thức diễn đạt, hồi ký có chỗ giống với nhật ký. Còn về phương diện tư liệu, về tính xác thực không có hư cấu thì hồi ký lại gần với văn xuôi lịch sử, tiểu sử khoa học. Khác với sử gia và nhà viết sử, người viết hồi ký chỉ tiếp nhận ghi chép phần hiện thực mà tác giả nhìn rõ hơn cả dựa trên những ấn tượng và hồi ức riêng trực tiếp của mình.
Nhìn chung, trong sự phát triển của thể hồi ký, đường biên thể loại không tuyệt đối, bản thân tác phẩm hồi ký luôn có sự xâm nhập, dung hợp các thể tài, thể lọai khác. Chính sự giao thoa giữa các thể loại, tác phẩm hồi ký càng được chắp thêm đôi cánh vươn ra những chân trời mới của việc tái hiện hiện thực. Nó, đồng thời cũng thể hiện tính hiện đại, năng động, linh hoạt của thể loại ký nói chung trong thời kỳ mở rộng và đổi mới tư duy nghệ thuật của những năm sau 1975. Tuy vậy, văn bản hồi ký dù có tính tự do (do tính chủ quan của
hồi ức) hoặc dẫu khó xác định đường biên thể loại thì cũng không thể nằm ngoài khung đặc trưng thể loại.
Đặc tính của hồi kí thể hiện trong tác phẩm
Hồi ký là thể loại ghi chép về những gì xảy ra trong quá khứ trên cơ sở hồi tưởng mà người viết - bình diện thứ nhất của tác phẩm hồi kí , ghi lại bằng những ấn tượng, hồi ức trực tiếp của mình. Người viết hồi ký kể lại những điều mà mình có dịp quan sát, hoặc nghe trực tiếp, những sự việc và con người để lại những ấn tượng sâu sắc, gắn bó với những kỉ niệm riêng, nhưng đồng thời cũng có một nội dung xã hội phong phú.
Hồi kí cách mạng được coi như một thể loại sáng tác trong văn học. Theo nhà nghiên cứu Doãn Trung (1964): “Hồi ký về đấu tranh cách mạng có đặc điểm chung với lịch sử là phản ánh chân thực cuộc đấu tranh của Đảng, của nhân dân nên phải có giá trị văn kiện lịch sử quan trọng. Mỗi một sự việc, nhân vật, tình tiết không những phải làm cho người đọc tin mà còn có thể giúp cho nhà sử học dùng làm tài liệu tham khảo quan trọng để viết sử nữa” [37, tr.45-55]
Theo nhà nghiên cứu Đỗ Hải Ninh: “Nếu như những cuốn hồi ký cách mạng trước đây thường chú trọng đến sự kiện lịch sử đặc biệt có tác động lớn đến quá trình phát triển xã hội và ý thức con người thì những cuốn hồi ký văn học thời đổi mới quan tâm hơn đến sự chiêm nghiệm lịch sử và số phận cá nhân trong lịch sử” [27, tr.70]
Ví dụ như trong Hồi ức lính Vũ Công Chiến có lần kể về hai lần trực tiếp gặp hổ của mình một cách rất tường tận, cũng như những kinh nghiệm được đồng đội ông đúc kết lại cũng được ông miêu tả rất rõ ràng.
Lần thứ nhất, khi lên chốt cả toán lính thấy cách chốt độ hai trăm mét có loáng một cái gì đó vọt ngang trước lối đi. Trong đầu chỉ kịp nghĩ là “thám báo” thế là xả một loạt đạn AK về hướng đó. Trong nhóm, có một anh người dân tộc Tày hít hít mũi rồi phán: có hổ. Cả bọn xanh mắt không dám mò tiếp nữa, vội kéo nhau lên chốt. Anh người Tày còn bảo nếu bắn trúng con hổ mà
khiến nó bị thương, thì thế nào nó cũng phục kích trả thù, nên đến chiều về phải cảnh giác. Trời chiều chưa tắt nắng, anh người Tày giục mọi người thu xếp về, để nếu có gì còn dễ xử lý. Nghe kể chuyện hổ trả thù nhiều nên có anh nhất quyết không chịu đi đầu, cũng không đi cuối. Vì lúc sáng trót bắn nhiều nhất. Rồi sự việc sau đó xảy ra rất nhanh. Ông miêu tả “Anh Sơn (người Tày) phát hiện thấy con hổ ngồi ở mé đường phía trước liền quát to một tiếng “hổ” rồi quạt AK luôn. Cả nhóm cũng vội quạt AK túi bụi. Con hổ có lẽ đang trong tư thế thu mình ngồi rình bên lối đi, chưa kịp chồm ra đã bị trúng đạn nên chết ngay tại chỗ. Thế mà lính ta vẫn còn sợ, mọi người thăm dò chán mới đám tiếp cận. Anh Sơn làm ngay một việc mà theo anh nói đó là quy ước bắt buộc của người đi săn. Anh bật máy lửa lên đốt hết tất cả những râu mép của con hổ, dùng dao chặt hết những cái vuốt hổ gom lại rồi vun củi lửa đốt hết. Anh bảo làm thế để những người xấu, không thể dùng những thứ đó ám hại người khác” [4. tr.177-178]. Giống như kinh nghiệm truyền miệng có nói rằng nếu như đem cái râu ấy nhúng trộm vào cốc nước của người khác thì gần như bỏ thuốc độc vào đó vậy. Đó cũng là bài học kinh nghiệm của những người lính mà phải trong rừng, đã từng gặp thú dữ mới biết truyền lại.
Kể về lần thứ hai gặp hổ với một chút may mắn hơn đã không có tiếng súng nào nổ ra nhưng vẫn là ấn tượng khó phai trong lòng tác giả. Bởi trong đời này mấy ai gặp hổ hoang dã tới hai lần như vậy: “Trong một lần tháp tùng đại đội trưởng lên tiểu đoàn họp. Gần trưa hai thầy trò lên đường trở về đại đội. Qua một con dốc đại đội trưởng dừng phắt lại. Trên đầu dốc hiện lên giữa khoảng trời trong là một con hổ khá to. Nó đi ngang qua đường và thấy chúng tôi nên đứng lại, quay đầu nhìn chúng tôi. Nó đứng ngang nên chỉ quan sát đối phương chứ không phải tư thế săn mồi. Hai anh em tôi đứng im gần như không cử động. Thời gian trôi qua hết sức nặng nề, con hổ đột nhiên quay đầu lững thững đi vào rừng. Mấy anh lính dân tộc thì bảo cách xử trí của chúng tôi hôm đó rất chính xác. Theo kinh nghiệm các anh ấy nói hổ bình thường không tấn
công người. Nếu mình nổ súng trước nó sẽ tấn công ngay. Kinh nghiệm thứ hai là những con thú rừng luôn có một bản năng nào đó tránh xa con người. Chúng không hiểu rõ người là cái giống gì nên thường sẽ tránh xa. Con hổ này có lẽ chưa ăn thịt người bao giở nên nó lảng. Nếu như gặp con hổ đã từng ăn thịt người, nó quen mui thì chưa chắc thoát. Vũ Công Chiến còn đúc rút ra một chân lý có tính quy luật hết sức đơn giản của rừng già đó là “mình không cắn nó thì nó cũng không cắn mình” [4, tr.374-375].
Quá khứ được hồi cố trong thể hồi ký là những sự việc đã để lại ấn tượng sâu sắc, vẫn còn gây ám ảnh và có ý nghĩa quan trọng đối với người viết, với cuộc đời hiện tại. Vì vậy, những trang hồi ký thường thể hiện sự chiêm nghiệm về cuộc sống, hé mở những bí mật trong cuộc đời - có thể bí mật riêng tư và bí mật cộng đồng, những khoảnh khắc lớn lao của thời đại, những trăn trở, suy ngẫm về con người, thời cuộc... Chính đặc điểm này khiến cho nội dung của hồi ký gắn với những kỉ niệm riêng, nhưng đồng thời lại có một nội dung xã hội phong phú. Thời điểm câu chuyện xảy ra thuộc về quá khứ gần gũi và có nhiều liên hệ với cuộc đời hiện tại. Có thể kể đến như câu chuyện của Hùng trong Hồi ức lính. Cùng đơn vị với tác giả Vũ Công Chiến khi đó có anh tên Hùng “đảo” ngũ. Nhưng quay trở lại đơn vị mấy ngay sau đó. Bị khai trừ Đảng, giáng xuống làm lính. Trong trận đánh Tuy Hòa 1/4/1975, anh đã chiến đấu dũng cảm và bị thương bởi một viên đạn trung liên của địch bắn vào bắp chân. Tuy vậy, anh không hề được khen thưởng gì. Cứ như vậy đến ngày hết chiến tranh, chuyện cũ của anh Hùng được đưa ra xem xét lại kỷ luật. Dù người lính ấy đã cống hiến 5 năm trong quân ngũ không hề mong gì chỉ mong được tha thứ cho sự việc đảo ngũ đó. Giờ lại ngồi bệt vì vết thương còn gì nữa phải xem xét. Thậm chí đến danh hiệu Đoàn anh ấy cũng không còn. Cấp trên muốn dồn anh ấy đến đâu? Những suy tư, trăn trở về con người, về thời cuộc khi đó được Vũ Công Chiến chia sẻ hết sức day dứt, về một xã hội vẫn còn tồn tại những bất công và định kiến với người lính ngày trở về. Ông kể lại vẻ mặt của Hùng
còn trong hồi ức khi đó “anh ấy ngồi ủ rũ như con gà bị cắt tiết, đôi mắt ngơ ngác nhìn mọi người. Khi ra biểu quyết tước quân tịch. Anh ấy giơ tay xin phát biểu lời cuối. Anh đứng lên chắp tay trước tất cả chúng tôi, những thằng đa phần ít tuổi hơn anh ấy, nói trong nước mắt. Chỉ cầu xin được xuất ngũ bình thường, trở về làm người nông dân cày ruộng. Cầu xin các đồng chí đừng biểu quyết. Biểu quyết của các đồng chí là giết chết một con người, dù sao cũng từng là đồng đội và chưa hại gì đến các đồng chí…” [4, tr.663]. Vào thời đó, một người lính đảo ngũ coi như là mất danh dự, gia đình cũng chịu chung tiếng xấu, bị chỉ trích và đối xử bất công. Dù cho trong số những người đảo ngũ, vẫn có người như Hùng – biết hối hận và đã quay lại hết mình chiến đấu vì Tổ quốc. Nhưng không được công nhận. Định kiến xã hội vẫn đẩy họ đến bước đường cùng. Vũ Công Chiến có viết “trong tất cả những thằng hèn giờ tay ấy, có cả tôi”. Có thể dù biết rằng là bất công, là thương xót cho đồng đội mình. Nhưng nếu không giơ tay thì sẽ bị coi là đồng lõa chuyện đảo ngũ, là coi thường kỉ luật. Nên những việc đau lòng như vậy vẫn diễn ra. Và Hùng khi đó, chỉ có thể khóc một cách bất lực. Sau này, trời thương, nên trong khi làm hồ sơ cho Hùng, có người lính vốn giàu tình thương đồng đội nghe chuyện Hùng kể lại nên đánh liều, làm một bộ hồ sơ khác không có hình thức kỷ luật cho anh và dặn về địa phương tùy cơ ứng biến. Rồi trời cũng thương đến nỗi bất hạnh không đáng có của một người lính và anh Hùng đã nộp trót lọt bộ hồ sơ thứ hai để trở thành một công dân bình thường tại địa phương. Vậy là cuối cùng cũng có được một kết thúc có hậu.
Hồi ký mang tính chủ quan của người kể chuyện quá khứ. Bởi sự thật
xảy ra đã có độ lùi vào quá khứ, cho nên dù là người chứng kiến cũng không thể nhớ lại tường tận mọi diễn biến sự việc, không thể bao quát hết, nhất là sự việc đã xảy ra quá lâu. Đồng thời, bản thân người viết hồi ký luôn được trình bày mô tả ở bình diện thứ nhất. Vì thế, hồi ký thường khó tránh khỏi tính chủ quan của người viết. Có nghĩa là trong hồi ký cũng có yếu tố hư cấu. Tuy nhiên,
hư cấu ở đây được hiểu với nghĩa là nhà văn có thể sử dụng những hình thức không xác định. Nghĩa là không phải bịa đặt hay thêm thắt vô căn cứ mà là cả một quá trình lựa chọn, sắp xếp và tổ chức các tư liệu, chi tiết dữ kiện, với mục đích trình bày hiện thực một cách chân thực, đúng với bản chất của nó. Hơn nữa, tính chủ quan của hồi ký còn do sự nhìn nhận, đánh giá của người viết. Hiện thực phản ánh trong hồi ký là hiện thực được lựa chọn, và gây ấn tượng sâu sắc với người kể nên nó luôn ám ảnh, buộc phải viết ra, phải giải tỏa. Hiện thực ấy được tái hiện với một trạng thái cảm xúc riêng, được nhìn nhận, đánh giá lại bằng nhận thức chủ quan và bằng kinh nghiệm sống của người viết. Do vậy, người viết hồi ký khi tái hiện hiện thực không giữ thái độ khách quan như các sử gia. Trong Hồi ức lính của Vũ Công Chiến, dĩ nhiên những người lính có truyền tai nhau câu truyện có tính hư cấu, nhưng không phải bịa ra được ông kể lại dưới con mắt chủ quan của mình khi đó. “Chuyện là trong một trận đánh có anh Đối – là A trưởng hy sinh. Sau đó hàng đêm lính tráng trong đơn vị đều thấy một con đom đóm rất to có độ sáng khác thường. Nó bay lên hạ xuống trên đầu những người lính, ban đầu chưa ai để ý sau thấy nó lặp lại quá nhiều lần, một người mới kêu lên “có khi anh Đối về, chúng mày ạ”. Rồi nhổm dậy quỳ bái liên tục về phía con đom đóm. Con đom đóm bay sang chỗ khác như có phép màu. Cứ nó bay đến ai, vái lia lịa thì nó lại bay đi. Hết mọi người nó liền bay đi. Cứ thế liền mấy ngày lặp lại như vậy. Có anh lính tên Ánh đi công tác nên không biết chuyện này. Cũng không tin đó là “hồn ma” anh Đối nên khi nó bay đến, anh ấy không lạy, còn lấy que cời than vụt chết. Đồng đội ai cũng cho là điềm gở. Sau đó, vừa vào trận đánh, anh Ánh đã hi sinh. Còn tất cả mọi người đều an toàn. Thế là câu chuyện về con đom đóm truyền tai khắp đại đội. Lính tráng đã mê tín, càng mê tín hơn” [4, tr.222]
Xét ở phương diện nghệ thuật, một trong những đặc trưng nổi bật nhất
của thể hồi ký là cách kể chuyện theo dòng hồi tưởng, nhớ đến đâu kể đến đó và thường không sử dụng thủ pháp cốt truyện. Tác giả có thể hồi tưởng lại quá
khứ theo trật tự thời gian tuyến tính, từ quá khứ xa đến quá khứ gần. Tuy nhiên trong tác phẩm hồi ký, dòng hồi ức cũng có thể bị đảo lộn không theo một quy