Hiện nay, ở Việt Nam vấn đề QLRBV và Chứng chỉ rừng vẫn còn là những nội dung mới mẻ, chưa được nhiều người quan tâm cũng như chưa được nghiên cứu chuyên sâu trên phạm vi toàn lãnh thổ, chưa có một giải pháp hiệu quả nào cho vấn đề quản lý, phát triển rừng bền vững. Một số đề tài, công trình khoa học liên quan đến quản lý rừng bền vững đã được triển khai, đó là:
- Công trình “Sử dụng đất tổng hợp bền vững” của Nguyễn Xuân Quát năm 1996, công trình đã đưa ra các mô hình về sử dụng đất bền vững, mô hình về khoanh nuôi, phục hồi rừng hiệu quả ở Việt Nam.
- Một số đề tài nghiên cứu đã bước đầu đề xuất các giải pháp cụ thể áp dụng cho một số vùng như quản lý sử dụng tài nguyên rừng bền vững lưu vực sông Sê San của Phạm Đức Lân và Lê huy Cường [15]; quản lý bền vững rừng khộp ở Ea Súp - Đăc Lắc của Hồ Viết Sắc [19]; du canh với vấn đề quản lý rừng bền vững ở Việt Nam của Đỗ Đình Sâm [20].
- Đề tài “Nghiên cứu các giải pháp phục hồi rừng bằng khoanh nuôi ở một số tỉnh trung du, miền núi phía bắc Việt nam” của GS.TS. Vũ Tiến Hinh và cộng sự đã đưa ra các giải pháp phục hồi, phát triển tài nguyên rừng một cách hiệu quả, bền vững bằng con đường tự nhiên [14].
- Theo Nguyễn Xuân Quát, Phạm Ngọc Thường, Đặng Văn Thuyết (2004), quản lý rừng cộng đồng là một trong những phương pháp quản lý rừng mang tính chất tổng hợp và toàn diện trên cả phương diện bảo vệ gây trồng và chế biến, tiêu thụ các sản phẩm của rừng. Quan điểm này cũng chính là một giải pháp để quản lý rừng bền vững.
- Một số công trình khác của các tác giả: Phạm Xuân Hoàn (2002), Trần Hữu Viên (2004), Phùng Ngọc Lan (2004), Lê Thị Diên (2002, 2003)…cũng đã đưa ra rất nhiều giải pháp phục hồi rừng và quản lý rừng dựa trên quan điểm quản lý rừng bền vững.
- Một số đề tài “Thạc sỹ khoa học Lâm nghiệp” của Trường Đại học Lâm nghiệp trong những năm qua cũng dựa trên việc phân tích, đánh giá thực trạng công tác quản lý rừng, các điều kiện, nguồn lực sẵn có của địa phương để từ đó đề xuất các giải pháp QLRBV. Các công trình này có tính thiết thực cao và đã mang lại những thành công đáng kể cho công tác quản lý rừng bền vững ở nhiều địa phương.
Cơ sở lý luận chung về quản lý rừng bền vững cho đến hiện nay đã tương đối đầy đủ và thống nhất. Tuy nhiên, về mặt thực tiễn, để áp dụng các
giải pháp vào từng địa phương, khu vực cụ thể cần phải có những điều chỉnh cũng như cần có những nghiên cứu chuyên sâu để các giải pháp quản lý rừng bền vững thực sự đem lại hiệu quả góp phần tích cực trong việc phát triển nguồn tài nguyên rừng cũng như ổn định, phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương.
Hiện nay, trên khu vực quản lý rừng của huyện Điện Biên chưa có một công trình nghiên cứu nào liên quan đến vấn đề QLRBV. Chức năng, nhiệm vụ quản lý rừng của huyện Điện Biên cũng có những nét rất đặc thù so với một số công trình khác. Hoạt động nông lâm nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây của cộng đồng dân cư trong khu vực đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên rừng. Do vậy, cần có một nghiên cứu chuyên sâu để đưa ra các giải pháp thiết thực, có tính khả thi cao để áp dụng cho công tác quản lý sử dụng rừng theo hướng tổng hợp bền vững tại huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên.
CHƯƠNG 2